Khối SMEs giúp xuất khẩu Hàn Quốc vượt khó

Trong khi tranh cãi thương mại Mỹ -Trung Quốc kéo dài chưa có hồi kết, Hàn Quốc đã mở rộng sự hiện diện của nước này tại thị trường Mỹ với hàng hóa trung gian, đồng thời xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tăng trưởng đáng khích lệ. 
SMEs đang là trụ cột của xuất khẩu Hàn Quốc
SMEs đang là trụ cột của xuất khẩu Hàn Quốc

Xuất khẩu khởi sắc trong quý 3-2020

Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc (MSS) ngày 20-10 cho biết, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) trong quý 3-2020 đạt 25,6 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, xuất khẩu sang 5 thị trường hàng đầu (chiếm 58% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc, trong đó có Mỹ, Trung Quốc), đã có xu hướng tăng trong quý 2-2020. 

Trong bối cảnh giao dịch toàn cầu khó khăn do đại dịch Covid-19, Hàn Quốc vẫn tăng kim ngạch xuất khẩu như trên là do lượng xuất khẩu các mặt hàng y dược phẩm, chip bán dẫn tăng. Trong đó, xuất khẩu y dược phẩm, vật tư y tế đã tăng, 137%; đặc biệt, xuất khẩu bộ xét nghiệm, trong đó có SARS-CoV-2, tăng tới 2.042% so với cùng kỳ năm 2019. 

Trong số 20 mặt hàng xuất khẩu lớn, có 13 mặt hàng kim ngạch xuất khẩu tăng, cho thấy lĩnh vực xuất khẩu đã hồi phục nhanh chóng sau khi giảm 13,6% trong quý 2-2020. Chỉ tính riêng trong tháng 9 vừa qua, xuất khẩu của SMEs Hàn Quốc đạt 9,44 tỷ USD, tăng 19,6%, đóng vai trò lớn kéo đà tăng trưởng của xuất khẩu trong cả quý 3 của nước này. Đây cũng là mức cao nhất tính theo tháng kể từ đầu năm 2020. Trong tháng 9, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ đã tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái, sang Trung Quốc tăng 8,2%. 

Thách thức của SMEs

Theo số liệu của Liên hiệp Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), xứ sở kim chi đã chiếm 5,29% sự hiện diện ở thị trường Mỹ về các mặt hàng trung gian nhập khẩu trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6-2020, tăng 1,16 điểm phần trăm so với 2 năm trước. Xuất khẩu thiết bị thông tin không dây tăng 36%, chip bán dẫn tăng 23%...

Trong số các thị trường lớn của Hàn Quốc, xuất khẩu sang Mỹ tính riêng trong tháng 9 vừa qua đã đạt mức cao kỷ lục, với 1,25 tỷ USD. Nhu cầu về ổ cứng thể rắn (SSD) tiếp tục tăng để phục vụ học tập và hội nghị trực tuyến đang trở nên phổ biến ở Mỹ và Trung Quốc - những quốc gia dẫn đầu về tiêu thụ hàng điện tử. Xuất khẩu máy tính xách tay cũng tăng mạnh. Các lô hàng đến Mỹ tăng 7,7% giúp doanh thu lên đến 6,6 tỷ USD nhờ bán ô tô, chất bán dẫn, máy tính và thiết bị gia dụng tăng mạnh. Trong khi đó, hàng hóa Hàn Quốc xuất sang Trung Quốc tăng 2,5%, lên 11,7 tỷ USD, nhờ các sản phẩm dầu mỏ, thép, máy tính và thiết bị liên lạc không dây. Các lô hàng máy tính xuất khẩu đã tăng 77,1%, tương đương 1,2 tỷ USD. 

Các số liệu cho thấy, xuất khẩu các mặt hàng khác như thiết bị kỹ thuật số, thực phẩm chế biến, đồ giải trí, sở thích cá nhân cũng tăng do lối sống không tiếp xúc mùa dịch. Tiêu dùng được hồi phục dần, xuất khẩu mỹ phẩm và đồ điện tử cũng có chiều hướng tăng. Xét theo mặt hàng xuất khẩu của khối SMEs, chế phẩm nhựa chiếm tỷ trọng lớn nhất (5,3%) tổng kim ngạch xuất khẩu. Sau đó tới mỹ phẩm (5,1%), phụ tùng ô tô (3,7%), trang thiết bị sản xuất chip bán dẫn (3,2%), nhựa tổng hợp (2,8%)...  

Theo đánh giá của MSS, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 3,2%, thì xuất khẩu của SMEs lại tăng, đóng vai trò là trụ cột cho xuất khẩu trong giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19 và xu hướng phục hồi xuất khẩu sẽ tiếp diễn trong quý 4. 

Hàn Quốc được xem là “điểm tựa” cho thương mại thế giới vì là nhà cung cấp hàng đầu về hàng hóa trung gian. Những con số xuất khẩu của Hàn Quốc vừa công bố là dấu hiệu của doanh nghiệp nước này đang vượt giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, theo KITA, đại dịch Covid-19 kéo dài sẽ khiến các tập đoàn Mỹ đa dạng hóa các nhà cung cấp hơn nữa và đó là thách thức mới mà các SMEs phải đương đầu.

Tin cùng chuyên mục