Khơi thông mạch chứa nước ngọt

Cuối tháng 7-2020, tại Trung Quốc mưa lũ tiếp tục hoành hành trên sông Dương Tử gây nhiều thiệt hại. Trong khi đó, tại Campuchia, Biển Hồ (Tonle Sap) chỉ ở giai đoạn tích nước. Tại ĐBSCL, hạn mặn vào cuối vụ, mùa mưa đã chính thức bắt đầu và mưa to xuất hiện trên diện rộng.

Hạn mặn khốc liệt liên tiếp diễn ra trong 5 năm gần đây, hơn lúc nào hết ĐBSCL cần có giải pháp tích nước ngọt từ mùa mưa lũ để điều tiết cho mùa khô hạn và đảm bảo an ninh nguồn nước. 

Khơi thông mạch chứa nước ngọt ảnh 1 Cần có giải pháp tích trữ nước ngọt trong mùa mưa lũ để phục vụ sản xuất mùa khô 

Chia sẻ nguồn nước có trách nhiệm

Cách đây hơn 20 năm, cứ mỗi độ đến tháng 7 hàng năm, ĐBSCL lại lo đối phó với lũ sớm. Người dân thì thu hoạch lúa chạy lũ, kê kích nhà cửa để tránh nước dâng cao. Nay điều đó đã thay đổi, khi hàng loạt đập thủy điện mọc trên dòng Mê Công, nguồn nước ngọt như nhỏ giọt đổ về ĐBSCL. Tất cả như trông chờ vào mùa mưa để tích nước ngọt.

Ngay sau trận hạn mặn lịch sử 2016, nhiều tỉnh ĐBSCL như Trà Vinh, Bến Tre đã có chiến lược xây dựng các ao hồ tích nước ngọt. Gần đây là tỉnh Hậu Giang đang khẩn trương thực hiện dự án hồ nước ngọt đặt tại xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, với quy mô diện tích là 50ha.

Mục tiêu của dự án là giúp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (nước biển dâng, xâm nhập mặn); cung cấp nguồn nước mặt đảm bảo chất lượng thường xuyên cho các nhà máy xử lý nước sạch của tỉnh; chủ động giữ nước trong mùa khô, điều tiết trữ nước vào mùa lũ. Qua đó, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân huyện Vị Thủy, thành phố Vị Thanh và các vùng lân cận, với hơn 260.000 dân; tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh vùng sông nước... 

Câu chuyện an ninh nguồn nước đang là nỗi lo của hàng chục triệu người dân sống bên dòng Mê Công. “Người dân ở hạ nguồn chia sẻ những lo lắng về sự phát triển của hệ thống đập trên dòng Mê Công đến các nước thượng nguồn; đặc biệt là Trung Quốc, Lào, Campuchia. Chúng tôi hy vọng những lo lắng của cư dân vùng hạ nguồn sẽ được các phương tiện truyền thông truyền tải thông điệp đến các quốc gia trong vùng thượng nguồn”, GS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, chia sẻ. 

Thiếu nước ngọt, tình trạng hạn mặn, sạt lở, sụp lún nghiêm trọng tràn lan diễn ra ở khắp ĐBSCL. Các nhà khoa học cảnh báo ĐBSCL đang trở thành “nạn nhân” nghiêm trọng ở hạ lưu do toan tính sai lầm ở thượng nguồn, mà chủ yếu do việc phát triển thủy điện trên dòng Mê Công. Nước ngọt là nguồn tài nguyên vô giá nhưng không phải vô tận. Các nhà khoa học và người dân vùng ĐBSCL cùng lên tiếng kêu gọi sự chia sẻ nguồn nước có trách nhiệm, giảm thiểu những tác động đến sinh kế của hàng chục triệu người dân sống nhờ nguồn nước sông Mê Công. 

Giữ mạch nước ngọt

Các nhà khoa học cho rằng ĐBSCL phải tự thích nghi để đảm bảo an ninh nguồn nước. Trong đó cần sử dụng thông minh “2 túi chứa nước ngọt” vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Câu hỏi đặt ra là “hệ thống điều hòa” của thiên nhiên ở ĐBSCL đã bị can thiệp như thế nào? 

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, chỉ ra, ĐBSCL được thiên nhiên “thiết kế” rất tài tình với 3 “túi điều hòa nước” có thể ví như “3 trái tim” điều hòa mạch máu Mê Công. Phía Campuchia có Biển Hồ và phía Việt Nam có 2 vùng trũng tự nhiên là Đồng Tháp Mười rộng 700.000ha và Tứ giác Long Xuyên khoảng 590.000ha.

Hằng năm vào mùa mưa lũ, nước sông Mekong từ thượng nguồn đổ về, đến Campuchia, nước chảy vào Biển Hồ và vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên làm cho 2 vùng này ngập sâu. Chính 3 túi nước này điều hòa nước cho ĐBSCL. Mùa mưa lũ cất giữ nước, để rồi từ từ “nhả nước ra”, bổ sung do dòng sông Tiền, sông Hậu giúp đẩy mặn vùng ven biển trong mùa khô.

Song trong khoảng 20 năm trở lại đây, rất nhiều diện tích trong 2 túi nước Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã được bao đê khép kín nhằm canh tác lúa 3 vụ mỗi năm. Trong mùa lũ, bên trong các ô đê bao này không có nước, trong khi bên ngoài đê bao nước ngập 3-4m. Nước không vào được thì phải tìm nơi khác, gây tăng ngập ở các thành phố phía hạ lưu như Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu và thoát ra biển nhanh hơn. “Hai túi nước” vùng trũng ở ĐBSCL không còn nước để bổ sung cho sông Tiền, sông Hậu đẩy mặn nữa, hạn hán ngày càng trầm trọng.

Chính vì vậy, các nhà khoa học kiến nghị Bộ NN-PTNT cần thận trọng khi gia tăng diện tích lúa vụ 3 (lúa thu đông) trong năm 2020. Về lâu dài, Bộ NN-PTNT cần có đánh giá chính xác cái được và cái mất khi gia tăng sản xuất lúa vụ 3. Nếu các địa phương vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười bỏ hoặc hạn chế làm lúa vụ 3, xả lũ tích nước ngọt, cái được chắc chắn sẽ lớn hơn cho toàn vùng. Bởi ngưng sản xuất lúa vụ 3, đất sẽ được nghỉ ngơi, đón nhận phù sa bồi bổ, gia tăng nguồn lợi thủy sản; nguồn nước ngọt được tích trữ dồi dào sẽ hạn chế hạn mặn trong mùa khô. 

Nước ngọt là nguồn tài nguyên vô giá nhưng không phải vô tận. Câu chuyện đảm bảo an ninh nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt cho người dân, nhất là người dân vùng ven biển ĐBSCL đang là vấn đề cấp bách. Chuyện xây dựng các hồ chứa nước ngọt chỉ là một giải pháp tình thế giải quyết cục bộ cho từng địa phương. Các nhà khoa học và người dân ĐBSCL đang trông chờ Bộ NN-PTNT có giải pháp căn cơ để “xử lý khôn ngoan”, khơi thông mạch chứa nước ngọt từ 2 túi nước Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên.

Tin cùng chuyên mục