Khơi thông nguồn lực đất đai, việc cần làm quyết liệt

Nhiều thập niên qua, xuyên suốt chiều dài phát triển của TPHCM, lĩnh vực sử dụng đất “náo nhiệt” nhất vẫn là thị trường bất động sản, nhưng hiệu quả kinh tế chưa tương xứng; đôi khi xảy ra đóng băng khiến nền kinh tế khủng hoảng nặng nề.
Nhà máy trong Khu công nghiệp Hiệp Phước. Ảnh: CAO THĂNG
Nhà máy trong Khu công nghiệp Hiệp Phước. Ảnh: CAO THĂNG

Lĩnh vực nào kém hiệu quả? 

Nói đến nông nghiệp tại TPHCM, mặc dù đất nông nghiệp rộng lớn tập trung ở huyện Củ Chi, Cần Giờ… nhưng hiệu quả thu được từ trên đất rất thấp. Tháng 6-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị quyết cho phép TPHCM điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020). Điểm nhấn chính là cho phép chuyển đổi hơn 26.000ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Diện tích của TP là hơn 209.000ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 52% nhưng chỉ đóng góp 0,06% GDP. Có thể xem việc chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp, với diện tích cực lớn nêu trên, kỳ vọng sẽ mở toang cánh cửa đóng góp từ đất vào sự phát triển của TPHCM.

Nhưng nói đến TPHCM phải nói đến bất động sản, là nhà ở, cao ốc văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại. Đây chính là ngành kinh doanh thời thượng. Thế nhưng, việc an cư vẫn và sẽ là giấc mơ xa vời của hàng vạn hộ gia đình có thu nhập thấp, trung bình và hiện nay là thu nhập khá! Mới đây, theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM từ năm 1993 đến 2018, TP có hơn 770 dự án khu dân cư mới, lan tỏa khắp 24 quận huyện với tổng diện tích 5.673ha, thu hút hơn 2 triệu người đến sinh sống. Phân tích các dữ liệu cho thấy, khu vực nội thành phát triển nhiều nhất, tiếp theo là khu vực phía Đông, ít nhất là phía Bắc. Tuy nhiên, giai đoạn 2010-2017 có sự khác biệt, việc tập trung đáng kể các dự án tại khu vực trung tâm là chưa phù hợp với định hướng “đa cực” được nêu tại Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025. Các dự án thường nằm khá gần các tuyến giao thông chính theo quy hoạch đến năm 2020. Vì phần lớn các tuyến giao thông này vẫn chưa hình thành nên gây áp lực nặng nề lên hệ thống giao thông hiện hữu (biểu hiện rõ nhất là kẹt xe thường ngày). 

Giá bất động sản càng ngày càng leo thang, nhưng sự đóng góp từ đất cho tổng thu kinh tế của TPHCM cực kỳ khiêm tốn, nếu không nói quá ít! Thống kê từ Hiệp hội Bất động sản TPHCM, năm 2019 thu từ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất của TPHCM nộp vào ngân sách là 20.600 tỷ đồng. Còn nhận định của Sở TN-MT, so với tổng thu ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020, tổng thu từ đất chỉ chiếm 3-5% tổng thu ngân sách. Diễn tiến này đi ngược so với các nước công nghiệp phát triển.

Cương quyết xử lý ôm đất, xí phần

Tính hiệu quả sử dụng đất thuộc tốp đầu vẫn là phát triển công nghiệp. Theo Ban quản lý khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (HEPZA), khởi đầu KCX Tân Thuận từ năm 1991, đến nay TP đã có 3 khu chế xuất và 16 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 4.532ha. Thống kê đến hết năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 6 tỷ USD, thị trường chủ yếu là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. “Thực tế, 1ha đất nông nghiệp thu hút tối đa khoảng 10-15 lao động làm việc, với giá trị gia tăng thấp; còn 1ha đất công nghiệp sẽ tạo ra hàng trăm chỗ làm việc có giá trị gia tăng cao hơn rất nhiều. Do đó, việc phát triển KCX-KCN mang lại lợi ích kinh tế rất lớn, tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy nền kinh tế phát triển với năng suất cao hơn, giá trị sản xuất của các ngành nhờ đó mà tăng nhanh”, Thạc sĩ Phạm Văn Phước, Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM, nhận xét. Trong khi đó, với xu hướng phát triển dịch vụ nhiều hơn, ít thâm dụng lao động, TP tiếp tục rà soát và bỏ quy hoạch của 3 khu công nghiệp chưa thành lập với diện tích 675ha, đó là Xuân Thới Thượng, Bàu Đưng và Phước Hiệp. 

Theo các chuyên gia, muốn hiệu quả sử dụng đất cao, TP phải tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nâng cấp hạ tầng đô thị kỹ thuật, xã hội. Đồng thời, TP cần có kế hoạch sử dụng đất hiệu quả để nâng cao sử dụng đất nông nghiệp, tái cơ cấu trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Yêu cầu công bố công khai kế hoạch sử dụng đất từng năm với kế hoạch sử dụng đất cụ thể, thống nhất chặt chẽ, tránh lãng phí và tăng nguồn thu ngân sách, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của TP. Đối với các dự án đã giao đất, Sở TN-MT cần rà soát thường xuyên các dự án trong quy hoạch đã ghi vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm tại quận huyện đã được công bố 3 năm. Nếu các dự án này không thực hiện thì hủy bỏ dự án, hoặc sau khi gia hạn 24 tháng mà không đưa vào sử dụng thì thu hồi. Các dự án được giao đất sử dụng không đúng mục đích, căn cứ vào quy hoạch kế hoạch sử dụng đất thực hiện thu hồi đấu giá công khai minh bạch…

Tin cùng chuyên mục