Theo đánh giá của Bộ Công thương, mặc dù lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong nước những tháng đầu năm 2016 có dấu hiệu chững lại, song ở khâu xuất khẩu, nhiều ngành hàng vẫn có những điểm sáng nhờ sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp (DN).
Cụ thể, trong số các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam, điện thoại và linh kiện chính là nhóm hàng mang về nhiều ngoại tệ nhất. Tính đến trung tuần tháng 7, nhóm ngành này đã đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Đứng ở vị trí thứ hai về giá trị xuất khẩu, nhóm mặt hàng dệt may thu được hơn 12 tỷ USD. Tiếp theo là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 8,6 tỷ USD, tăng 8,9%; giày dép các loại đạt gần 6,9 tỷ USD, tăng 8,3%...
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu vào EU tại Công ty Garmex Saigon
Đáng chú ý, sản phẩm dây điện và cáp điện được đánh giá là một trong những nhóm ngành hàng đóng góp không nhỏ vào giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam, với tổng kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2016 lên 421,24 triệu USD, tăng trưởng 4,7% so với cùng kỳ năm 2015. Hiện Việt Nam có trên 200 DN tham gia sản xuất, xuất khẩu dây điện và cáp điện, trong đó có nhiều công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài để đầu tư sản xuất, xuất khẩu mặt hàng này với quy mô lớn và có dây chuyền công nghệ hiện đại.
Tương tự, ngành xi măng khá chật vật ở thị trường nội địa do nguồn cung dư thừa và tình hình xây dựng chưa mấy sáng sủa, nhưng lại khởi sắc ở khâu xuất khẩu. Theo đó, với sự nỗ lực của DN, xuất khẩu xi măng và clinker 6 tháng đầu năm đạt 8,85 triệu tấn, bằng 105% so với cùng kỳ năm 2015. Riêng với ngành thép, sau khi bị sức ép của hàng nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc tràn vào áp đảo thị phần, nhiều DN có năng lực đã tìm đến phân khúc thị trường chất lượng cao như xuất khẩu sang Mỹ, Australia và các nước trong khu vực Đông Nam Á, đạt được những thành quả ban đầu... Cụ thể, thời gian gần đây, Tôn Đông Á, Hoa Sen đã xuất khẩu vào được thị trường khó tính như Mỹ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam, năng lực sản xuất của các công ty thép trong nước vẫn còn hạn chế, phần lớn sản phẩm làm ra phục vụ thị trường trong nước và chỉ mới loay hoay ở một vài thị trường châu Á. Các DN thép khó thâm nhập những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu do còn hạn chế về chất lượng. Chưa kể tới, DN thép Việt Nam đi đến đâu cũng gặp phải đối thủ là thép giá rẻ của Trung Quốc.
Trên thực tế, mặc dù các DN đang nỗ lực tìm hướng xuất khẩu nhưng hiệu quả chưa cao, chủ yếu ở khối DN FDI. Còn DN trong nước, ngoài một số DN lớn, phần lớn còn lại là DN vừa và nhỏ xuất khẩu kém là do năng lực sản xuất còn manh mún, thiếu kinh nghiệm trong việc tìm kiếm bạn hàng; công tác xúc tiến thương mại còn chậm, lúng túng. Theo đánh giá của Bộ Công thương, giai đoạn 2016-2020, nhiều thách thức cả về khách quan lẫn chủ quan đặt ra cho xuất khẩu của Việt Nam, như các rào cản kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng được phổ biến trong bối cảnh thuế nhập khẩu được xóa bỏ trong các FTA; số vụ điều tra và áp dụng thuế chống bán giá và chống trợ cấp đối với hàng Việt Nam ngày càng nhiều sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam và hạn chế khả năng tận dụng các FTA... Đặc biệt, trong năm 2016 sẽ hoàn tất ký kết các hiệp định thương mại tự do mới là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU sẽ mở ra những thách thức, cơ hội xuất khẩu mới cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Do vậy, Nhà nước cần sát cánh cùng DN giải quyết nhanh những khó khăn nội tại, đồng thời nhanh chóng thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính, ban hành nhiều văn bản về hướng dẫn các cơ hội, thách thức từ các FTA cho DN, từ đó đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu.
VĂN DIỆU