Đồng Tháp Mười

Không chỉ có cây lúa

ĐÔNG NGHI
Không chỉ có cây lúa

Vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) thuộc tỉnh Long An, ngoài tràm là cây trồng lâu năm, còn lại là cây trồng ngắn ngày, trong đó lúa là cây trồng chủ lực. Nhưng nếu chỉ thuần trồng cây lúa, đất sẽ bị thoái hóa và cây lúa khó giữ được năng suất cao. Vì vậy trồng cây gì để phá thế độc canh là câu hỏi đặt ra không chỉ với người dân mà cả với ngành nông nghiệp.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, sau khi cân nhắc, lãnh đạo tỉnh Long An quyết định chọn bắp lai (giống VN 25-99) làm cây đột phá vì hiện nay, ngoài sản lượng bắp trồng trong nước, hàng năm, Việt Nam còn nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn bắp để đáp ứng nhu cầu chế biến thức ăn gia súc. Thời vụ trồng là vụ xuân hè để né bắp lai miền Đông Nam bộ. Nhưng cái khó là tìm nơi tiêu thụ.

Không chỉ có cây lúa ảnh 1

Nhiều thương lái “săn lùng” mua lúa hàng hóa.  

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An Trần Thị Kim Đính cho biết, tỉnh có dự án trồng 3.000 ha bắp lai từ 5 năm trước, nhưng đến năm vừa rồi mới có Công ty Bảo vệ thực vật Sài Gòn (thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn) ký hợp đồng mua lại toàn bộ số bắp lai thu hoạch theo giá thị trường. Hơn thế, nếu giá xuống thấp sẽ mua theo giá sàn. Ngoài ra, công ty còn cung cấp giống bắp, hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng vật tư như thuốc trừ sâu bệnh, phân bón.

Công ty BVTV Sài Gòn còn có ý định gắn bó lâu dài khi mua cả máy tách hạt về đặt tại xã Tân Điền B (huyện Tân Hưng) giúp bà con giải quyết tình trạng thiếu lao động thời vụ. Vụ đầu với năng suất chưa thật cao, chỉ khoảng 7-8 tấn/ha/vụ nhưng nông dân đã thu lợi tròm trèm chục triệu đồng/ ha/ vụ. Trong khi đó, dù với giá lúa cao như hiện nay, nếu trồng vụ xuân hè, cao lắm cũng chỉ thu được 5 triệu đồng/ ha.

Đó chính là điều mà người dân tâm đắc và ngành nông nghiệp cũng như lãnh đạo địa phương an tâm. Khởi đầu như vậy đã đạt yêu cầu. Từ đây có thể tính tới việc mở rộng diện tích bắp lai vụ xuân hè, vốn là vụ sản xuất lúa bấp bênh do khô hạn, trong khi bắp lai là cây sử dụng ít nước, lại có thu nhập cao hơn lúa.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Long An, một sự khởi đầu tốt, nhưng còn rất nhiều việc phải tiếp tục làm để hoàn thiện mô hình nhằm phá thế độc canh. Trước hết là phải hoàn chỉnh hơn nữa khâu kỹ thuật để năng suất cao hơn, như ở An Giang bắp lai có thể lên đến 10-12 tấn/ ha. Điều này không khó. Việc thứ hai, giải quyết trục trặc trong mối liên kết giữa 2 nhà: doanh nghiệp và nông dân. Bà con thường phá vỡ cam kết để bán ra ngoài khi giá thị trường cao hơn hợp đồng, hoặc doanh nghiệp chèn ép khi giá giảm, nhưng lại “o bế”, nuông chiều khi giá thị trường tăng cao.

Tỉnh sẽ tổ chức những người trồng bắp lai trong xã Tân Điền thành những tổ sản xuất bắp lai và tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi cây trồng. Tính toán thời điểm để né lũ đầu vụ, quy hoạch vùng trồng bắp lai phù hợp và tiến tới liên kết với vùng ĐTM của tỉnh Đồng Tháp, hình thành vùng sản xuất bắp lai hàng hóa lớn, góp phần giảm bớt nhập khẩu bắp hàng năm. Dự kiến, đến vụ xuân hè năm tới (2006), diện tích trồng bắp lai tại Đồng Tháp Mười sẽ nâng lên 200 ha, gấp 20 lần vụ trồng thử nghiệm năm 2005 (10 ha).

ĐÔNG NGHI
 

Tin cùng chuyên mục