Giải đáp pháp luật

Không có quy định tạm ngưng đóng BHXH diện bắt buộc

* Hỏi:

* Hỏi: Vì khó khăn về tài chính, từ đầu năm 2012 đến nay, công ty tư nhân (thuộc lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng) của chúng tôi hoạt động trong tình trạng cầm chừng, doanh thu không có và phải chịu áp lực trả lãi ngân hàng, mặt bằng rất cao. Vì thế, ngoài cố gắng cầm cự, trả lương cho nhân viên, 4 tháng nay công ty không thể đóng BHXH cho người lao động và chấp nhận nộp lãi chậm. Tình hình này còn kéo dài, công ty chúng tôi có thể xin ngừng tham gia đóng BHXH cho người lao động như chủ trương cho phép hoãn nộp thuế được hay không? Trường hợp nào được xem xét để ngưng đóng BHXH và thủ tục, quy trình xét duyệt ra sao? 

Nguyễn Tuấn (Quận Tân Phú, TPHCM)

>> Bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công Sở LĐTB-XH TPHCM, trả lời:

Pháp luật hiện hành (Luật BHXH, Bộ luật Lao động) không có quy định cho phép người sử dụng lao động tạm ngưng đóng BHXH đối với người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Riêng đối với việc đóng vào 2 quỹ hưu trí và tử tuất, theo quy định tại Điều 44 Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22-12-2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, doanh nghiệp có thể tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, sau khi được cơ quan quản lý nhà nước xem xét, chấp thuận  trong các trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động buộc phải thu hẹp sản xuất, tạm dừng sản xuất kinh doanh, giảm chỗ làm việc.

Điều kiện được xem xét đối với doanh nghiệp trong những trường hợp: Thứ nhất, số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc chiếm từ 50% trở lên so với tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất kinh doanh. Việc xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc UBND địa phương quản lý do cơ quan LĐTB-XH địa phương xác định; đối với các doanh nghiệp thuộc bộ, ngành Trung ương quản lý thì do bộ, ngành xác định. Thứ hai, bị thiệt hại trên 50% tổng số giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa hoặc lý do bất khả kháng khác gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).

Việc xác định điều kiện về giá trị tài sản bị thiệt hại đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc UBND địa phương quản lý do cơ quan tài chính địa phương xác nhận; đối với các doanh nghiệp thuộc bộ, ngành Trung ương quản lý do cơ quan tài chính của bộ, ngành hoặc  Bộ Tài chính xác nhận.

Xin lưu ý, trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, người sử dụng lao động vẫn đóng vào quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp.

K.H. ghi

Tin cùng chuyên mục