° Hôm nay, đại hội bắt đầu thảo luận vấn đề nhân sự
Tại sao hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, giàu nhanh, lên chức nhanh chưa được quan tâm, chỉ đạo làm rõ? Những trường hợp đưa hối lộ nhưng nếu tự giác khai báo trước khi bị phát hiện, có được hưởng khoan hồng không? Phải chăng đảng viên chỉ có 19 điều cấm không được làm hay còn điều khác nữa? Hiểu vụ Vinashin như thế nào cho đúng? Giai cấp công nhân cần phát triển theo hướng nào?… Đó là một số nội dung được nêu ra trong phiên thảo luận các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI diễn ra ngày 14-1.
- Giàu nhanh, lên chức nhanh - phải “quan tâm”
“So với nhiều năm trước đây, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đã có bước tiến triển, tạo tiền đề thúc đẩy cho các năm tiếp theo. Từ năm 2007 đến nay, Tổ chức Minh bạch quốc tế xếp hạng Việt Nam năm sau tốt hơn năm trước: Năm 2007 thứ 123/179; 2008 thứ 121/180; 2009 thứ 120/180 và năm 2010 thứ 116/178 quốc gia và vùng lãnh thổ” - đồng chí Vũ Tiến Chiến, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, nhận định.
Tuy nhiên, theo đồng chí Vũ Tiến Chiến, tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong PCTN còn yếu. Việc tự phát hiện hành vi tham nhũng còn rất hạn chế; số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý còn thấp, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra; một số vụ việc, vụ án tham nhũng xử lý chậm, kéo dài, gây tâm lý hoài nghi trong nhân dân.
Đồng chí cho rằng, hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, giàu nhanh, lên chức nhanh chưa được quan tâm chỉ đạo làm rõ. Hiện nay đã xuất hiện dấu hiệu móc nối giữa chủ doanh nghiệp với một số người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Đảng và Nhà nước để tiêu cực, tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn là vấn đề bức xúc và là mối quan tâm lớn của Đảng và toàn xã hội. “Cuộc đấu tranh PCTN là cuộc đấu tranh ngay trong mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị. Yếu tố con người và sức mạnh từ nội lực là quan trọng, có tính quyết định” - đồng chí Vũ Tiến Chiến nói.
Về một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, đồng chí Vũ Tiến Chiến đề nghị cần có quy định về tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo nặc danh về tham nhũng, công chức phải giải trình nguồn gốc tài sản khi có yêu cầu và biện pháp xử lý những hành vi làm giàu bất chính. Có chính sách khoan hồng mạnh mẽ hơn nữa đối với những trường hợp đưa hối lộ nhưng tự giác khai báo trước khi bị phát hiện. Hoàn thiện quy định xử lý tài sản tham nhũng. Quy định về việc công khai kết quả kê khai tài sản một số chức danh chủ chốt. Sớm ban hành quyết định về kiểm soát thu nhập người có chức vụ quyền hạn, Luật về quyền được thông tin của người dân…
- Hiểu vụ Vinashin như thế nào cho đúng?
Trước những dư luận nghi ngờ về vai trò của các tập đoàn nhà nước, đồng chí Võ Đức Huy (Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương) khẳng định, các tập đoàn nhà nước là công cụ, “quả đấm” của nhà nước để điều hành kinh tế vĩ mô, chẳng hạn năm 2008 chúng phải chống chọi với lạm phát, năm 2009 chống đỡ suy thoái, không có tập đoàn kinh tế nhà nước làm sao kiềm chế lạm phát, làm sao thực hiện định hướng XHCN… Dường như chúng ta chưa đánh giá đúng vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Chẳng hạn vụ Vinashin, chúng ta xử sự không theo kinh tế mà theo thông tin bên ngoài, không chính xác, làm nóng lên. Làm gì có việc mất 86.000 tỷ đồng. Vừa qua, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam ra nước ngoài huy động trái phiếu không được, tay không đi về vì người ta lo ngại như Vinashin. Vinashin có những việc tự nó, có việc không phải tự nó. Nếu không được chăm sóc, đầu tư thì tập đoàn kinh tế nhà nước không ổn định, phát triển, không bảo đảm vai trò định hướng XHCN nền kinh tế thị trường.
Những điều cấm đảng viên không được làm nên đưa vào điều lệ hay do Ban Chấp hành Trung ương quy định? Những điều cấm đó phải được tổng kết, đánh giá căn cơ xem những điều cấm đó bây giờ còn 19 hay nhiều hơn, ít hơn. Chẳng hạn quy định cấm vợ, chồng, con đảng viên không được sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực đảng viên đó quản lý còn thực tế không?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trịnh Long Biên suy nghĩ: Nếu được kiểm tra, giám sát sớm hơn, thường xuyên hơn thì hậu quả vi phạm sẽ ít nghiêm trọng hơn và có thể sẽ không để xảy ra vi phạm. Nhiệm kỳ tới, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải được coi là giải pháp quan trọng góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Tổ chức Đảng ở những vị trí càng quan trọng, lĩnh vực càng nhạy cảm thì càng phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát, không có “vùng cấm” trong công tác này.
- Chính sách đối với công nhân chưa đồng bộ
“Mặt trái của kinh tế thị trường đang tác động tới giai cấp công nhân (CN): Việc làm không ổn định, thời gian làm việc kéo dài, cường độ làm việc cao, điều kiện làm việc ít được cải thiện nên nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp vẫn gia tăng” - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng mở đầu bài tham luận của mình tại đại hội. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng phân tích: Một số cấp ủy Đảng địa phương chưa quyết liệt, sát sao; chính sách pháp luật của nhà nước đối với CNV và người lao động chưa được thực hiện nghiêm túc; vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn (CĐ) chưa được phát huy đầy đủ; hệ thống cơ chế, chính sách đối với CN chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi…
Tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động vẫn còn phổ biến nhưng chưa được xử lý nghiêm (chỉ tính riêng nợ BHXH năm 2009 là hơn 2.000 tỷ đồng, năm 2010 còn cao hơn nữa); một số địa phương chỉ chú trọng các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư mà chưa chú ý đúng mức đến sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống, thu nhập, nhà ở, cải thiện môi trường sống, điều kiện lao động cho CN.
Trong các giải pháp khắc phục, đồng chí Đặng Ngọc Tùng đề nghị: “Đảng lãnh đạo Chính phủ phát huy mạnh mẽ hiệu lực quản lý nhà nước trong xây dựng, thực hiện các chính sách đối với CN. Nhà nước sớm thể chế hóa những quan điểm, chủ trương trong nghị quyết Đảng thành cơ chế, chính sách cụ thể nhằm giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách của CN; tạo chuyển biến mạnh mẽ và rõ rệt trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của CN tương xứng với những thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và những đóng góp của CN. Quan tâm lãnh đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật có liên quan trực tiếp tới người lao động và tổ chức CĐ. Việc sửa đổi, bổ sung các luật trên vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, vừa tạo điều kiện cho tổ chức CĐ năng động, tự chủ và sáng tạo trong hoạt động, thực sự là người đại diện tin cậy, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động”.
Cũng theo đồng chí Đặng Ngọc Tùng, để xây dựng giai cấp CN vững mạnh, cần đầu tư mạnh hơn cho đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề cho CN, đặc biệt là CN trẻ, CN xuất thân từ nông dân, CN nữ, nhằm phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng, hợp lý về cơ cấu.
Theo đoàn thư ký, đến ngày 14-1 đã có 158 điện mừng của các chính đảng và tổ chức quốc tế gửi đến chúc mừng đại hội.
* Hôm nay 15-1, đại hội bắt đầu thảo luận về vấn đề nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương khóa mới. Dự kiến, vấn đề thảo luận nhân sự sẽ được tiến hành trong 3 ngày
T.SƠN – T.LƯU