Không đâu bằng quê nhà

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp vào năm 2010, cuộc sống đặc biệt khó khăn đối với giới trẻ ở quốc gia thành viên Liên minh châu Âu này. 
Không đâu bằng quê nhà
Dù đã có một số dấu hiệu nhỏ của việc hồi phục (tăng trưởng GDP năm 2017 là 1,6% và dự báo sẽ thoát khỏi chương trình cứu trợ vào tháng 8) nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi dưới 25 vẫn khoảng 45%. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi có đến 180.000 sinh viên tốt nghiệp đã rời khỏi Hy Lạp để tìm việc làm ở nơi khác trong 8 năm qua. Trong khi đó, các cuộc khảo sát cho thấy có đến 76% thanh thiếu niên đang cân nhắc việc học tập hoặc làm việc ở nước ngoài. Aliki Mouriki, thuộc Trung tâm Nghiên cứu xã hội quốc gia Hy Lạp, cho biết, đây là một sự tiêu hao chất lượng thực sự, là sự ra đi của những người có trình độ học vấn cao nhất và Anh, Đức đang được hưởng lợi mà không phải trả một đồng nào cho việc giáo dục họ.

Chính phủ Hy Lạp và các nhà khoa học làm việc vất vả để chống lại xu thế này bằng cách thành lập các chương trình nghiên cứu hoặc đào tạo từ xa để lôi kéo sinh viên giỏi trở lại. Song song với đó là các quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư thành lập các công ty để mời gọi các doanh nhân Hy Lạp kinh doanh ngay tại quê hương. Marathon Venture Capital là quỹ đầu tư như thế. Panos Papadopoulos, quản lý Quỹ Marathon, cho hay ông muốn sử dụng những kỹ năng của người di cư Hy Lạp học hỏi được ở nước ngoài để giúp tạo ra những cơ hội phát triển ở quê nhà. Quỹ Marathon nhận tiền từ Chính phủ Hy Lạp, Quỹ Đầu tư châu Âu (EIF) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB). Quỹ cung cấp 50%-90% vốn, và thường chiếm 15%-20% tiền đóng góp trong các công ty.

Vấn đề là làm thế nào để thuyết phục ai đó mở một công ty tại quốc gia mà triển vọng kinh tế và môi trường kinh doanh vẫn còn ảm đạm?

Theo Astyanax Kanakakis, Giám đốc Điều hành kiêm đồng sáng lập công ty kỹ thuật Norbloc có trụ sở ở Stockholm (Thụy Điển), một trong những công ty đầu tiên mà Quỹ Marathon đầu tư, thì đó là một quyết định mang nặng cảm tính, gắn với cảm giác thân thuộc khi được trở về. “Hầu hết những người bạn của tôi quay trở lại Hy Lạp là vì nhớ nhà hơn là vì cơ hội kinh doanh lớn. Chẳng đâu bằng quê nhà”. Chia sẻ với quan điểm của Kanakakis, ông Papadopoulos cho biết, những người chủ doanh nghiệp mà ông hợp tác đều mong muốn giúp tạo ra những cơ hội tốt hơn cho đồng hương của họ.

Công ty của Kanakakis hiện có 7 nhân viên ở Hy Lạp và con số này được kỳ vọng sẽ tăng lên 25 người vào cuối năm nay. Quỹ Marathon đã đầu tư vào 5 công ty và dự kiến tài trợ cho khoảng 20 công ty trong 4 năm tới. “Nếu thành công, sẽ có 2 hoặc 3 công ty thuê 1.000 nhân viên/công ty”, ông Papadopoulos nói. 

Bên cạnh yếu tố tạo ra công ăn việc làm, một số học giả cho rằng dòng chất xám hồi hương ở Hy Lạp còn giúp quốc gia này hưởng lợi trên khía cạnh người lao động về nước với những kỹ năng mới. Giáo sư Devesh Kapur của Đại học Pennsylvania (Mỹ) lập luận về trường hợp những nhân viên người Ấn Độ ở Thung lũng Silicon đã giúp Ấn Độ phát triển ngành công nghiệp phần mềm, cũng như giúp các công ty trong lĩnh vực này của Ấn Độ thâm nhập vào thị trường Mỹ.

Tin cùng chuyên mục