Nghe hỏi về việc đã nhận được tiền trợ cấp của Chính phủ và chính quyền TPHCM chưa, ông Nguyễn Văn Vương (57 tuổi, nhà ở phường 19, quận Bình Thạnh, TPHCM, làm nghề chạy xe ôm, thường dựng xe đón khách trước Trường Tiểu học Thạnh Mỹ Tây), cho biết: “Mấy bà bán vé số ở xóm tôi nhận được tiền trợ cấp rồi. Nghe nói tổ trưởng dân phố đang dò danh sách người được trợ cấp. Chạy xe ôm như tôi cũng được trợ cấp sao? Vậy là vui quá rồi! Được bao nhiêu mừng bấy nhiêu. Mùa dịch chạy xe ế quá. Có ai ra đường đâu. Mối mang nào giờ mất hết!”.
Sáng 21-4, các phường ở quận Bình Thạnh đã chuyển danh sách đối tượng được hưởng trợ cấp đến các tổ dân phố. Ông Vũ Nghị, Tổ trưởng tổ dân phố 63 (khu phố 5, phường 26, quận Bình Thạnh), cho biết: “Tôi vừa gặp cảnh sát khu vực để nhận danh sách các đối tượng được hưởng trợ cấp. Trước đó, UBND phường 26 đã gửi cho tôi danh sách người bán vé số. Qua xác minh, chúng tôi đã bổ sung tên của những người bán vé số tạm trú ổn định trên 6 tháng và cư trú thực tế trên địa bàn. Hơn 100 người đã được hưởng trợ cấp 1,75 triệu đồng. Nhờ có trang Zalo của phường 26, chúng tôi đã trao đổi trực tiếp và giải quyết kịp thời cho nhiều trường hợp. Hôm nay, nhận được danh sách người mất việc trên địa bàn, chúng tôi sẽ tập trung xác minh để họ sớm nhận được tiền trợ cấp”.
Công tác xác minh đối tượng mất việc trong mùa dịch đang được các địa phương khẩn trương thực hiện. Cán bộ khu phố và tổ dân phố lo việc này, vì họ là những người hiểu rõ tình hình, thực trạng cuộc sống của người dân ở địa phương. Ông Nguyễn Công Bình, Trưởng ban Điều hành khu phố 1 (phường 12, quận 10), cho biết: “Chiều 22-4, chúng tôi chốt lại danh sách đối tượng được hưởng trợ cấp mất việc. Thực tế, về cơ bản chúng tôi đã nắm danh sách người nghèo và cận nghèo từ trước khi mùa dịch xảy ra, mấy bữa nay các tổ trưởng dân phố rà soát lại và bổ sung các đối tượng thực sự bị mất việc theo đúng tinh thần chỉ đạo của chính quyền TPHCM và quận 10. Chúng tôi đã thẩm tra, trao đổi rất kỹ về các trường hợp khó khăn đang tạm trú tại địa phương cũng như các đối tượng đã bán nhà đi nơi khác (còn hộ khẩu hay đã chuyển hộ khẩu); người buôn gánh, bán bưng, phụ việc vặt… chưa đăng ký tạm trú. Việc làm này tốn rất nhiều thời gian, công sức, chi phí gọi điện thoại của các tổ trưởng dân phố. Có trường hợp chúng tôi phải liên hệ với các địa phương khác để đảm bảo không sót hay trùng lắp. Bận rộn với công việc này, nhưng ai cũng vui vì góp phần mang chút niềm vui đến cho người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Ông Vũ Nghị, Tổ trưởng tổ dân phố 63 (khu phố 5, phường 26, quận Bình Thạnh), cho biết: “Việc xác minh đúng đối tượng không khó, việc đáng quan tâm là vẫn còn nhiều người lao động mất việc trong mùa dịch nhưng vướng vì thiếu điều kiện giấy tờ tạm trú, tạm vắng. Không chỉ tổ dân phố 63, mà các tổ dân phố khác cũng có trường hợp tương tự. Chúng tôi khá lúng túng khi giải quyết những trường hợp như vậy. Nếu bổ sung vào danh sách thì không đúng điều kiện, nhưng không bổ sung thì bỏ sót người đang gặp khó khăn. Chia sẻ nỗi lo với các tổ trưởng, ông Lê Văn Thành, Trưởng ban đối ngoại Giáo xứ Thanh Đa, cho biết: “Tôi sẽ trình với cha sở về các khó khăn này của địa phương, để các trường hợp bị vướng mắc như vậy sẽ được giáo xứ hỗ trợ, ít nhiều góp phần cùng chính quyền địa phương hỗ trợ người dân nghèo đang gặp khó khăn”. Từ đầu tháng 4-2020, khi giãn cách xã hội đến nay, Giáo xứ Thanh Đa đã tổ chức trao tặng quà, kinh phí cho người nghèo và mỗi sáng các giáo dân đã cùng nhau nấu bữa ăn sáng tặng người nghèo đang khó khăn trong mùa dịch.