Sở Y tế TPHCM yêu cầu: các đơn vị triển khai đồng bộ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh để BV không trở thành nơi lây nhiễm Covid-19 và làm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo các bệnh nhiễm trùng khác trong BV. Đây là trách nhiệm của mỗi cán bộ, viên chức và người lao động ở tất cả khoa phòng trong BV. Thực hiện sàng lọc và kiểm tra y tế hoạt động 24/7 ở tất cả cổng vào của BV, áp dụng cho mọi người khi đến BV, đảm bảo mỗi người đều phải mang khẩu trang, đo thân nhiệt, vệ sinh tay và thực hiện tờ khai y tế, đánh dấu nhận diện người đã qua sàng lọc. Tăng cường tầm soát và chỉ định xét nghiệm tìm virus SARS-CoV-2 đối với các trường hợp đến khám hoặc đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh có biểu hiện của hội chứng cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính diễn tiến nhanh, viêm phổi do virus. Khi tiếp nhận người bệnh là người nước ngoài, hoặc người Việt Nam từ nước ngoài về, hoặc từ các tỉnh thành đang bùng phát dịch được chuyển đến để điều trị tiếp vì các bệnh lý khác nhau phải thực hiện xét nghiệm tìm virus SARS-CoV-2, chăm sóc và theo dõi người bệnh trong khu cách ly của BV theo đúng quy định. Tăng cường các giải pháp quản lý sức khỏe đối với nhân viên của BV, nhân viên cung ứng hàng hóa cho BV và nhân viên của các công ty hợp đồng với bệnh viện thực hiện cung ứng các dịch vụ phục vụ người bệnh.
Khi phát hiện trong khoa, phòng của BV có người mắc Covid-19 hoặc có người tiếp xúc với người mắc Covid-19 (mà không phải là người bệnh đến khám bệnh), giám đốc BV phải ban hành quyết định thiết lập vùng cách ly đối với quy mô khoa phòng và quy mô liên khoa phòng, lập danh sách tất cả người tiếp xúc để thực hiện việc cách ly và làm xét nghiệm chẩn đoán theo quy định; đồng thời báo cáo khẩn về Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của TPHCM (HCDC). Chủ động phối hợp với trung tâm y tế quận huyện trên địa bàn thực hiện khử khuẩn toàn bộ khoa phòng có liên quan đúng theo quy định trước khi hoạt động trở lại.
Theo HCDC, tính đến ngày 11-8, TPHCM ghi nhận hơn 51.000 người rời Đà Nẵng từ 1-7 về TPHCM thực hiện khai báo y tế. Trong đó, TP đã lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 48.000 người. Còn khoảng 3.000 trường hợp chưa được lấy mẫu tập trung tại 10 quận huyện. Trong số này, có không ít trường hợp từ chối hoặc không đến lấy mẫu theo hẹn. Sở Y tế đã chỉ đạo các trung tâm y tế quận huyện tập trung hoàn thành việc lấy mẫu; trong đó đề nghị chính quyền, công an địa phương hỗ trợ trong việc vận động, yêu cầu người dân tuân thủ việc lấy mẫu xét nghiệm theo chỉ đạo của UBND TPHCM.
Đến nay, đã có hơn 45.000 trường hợp có kết quả xét nghiệm, trong đó chỉ có 6 ca dương tính. Số trường hợp dương tính đều liên quan đến BV Đà Nẵng và điểm nguy cơ tại Đà Nẵng theo thông báo của Bộ Y tế. TP đã phân loại nguy cơ những trường hợp về từ Đà Nẵng. Những trường hợp nguy cơ cao đã được thực hiện cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm khẩn cấp. Những trường hợp nguy cơ thấp được cách ly, tự theo dõi sức khỏe tại nhà, lấy mẫu giám sát theo kế hoạch của địa phương. HCDC khuyến cáo, những trường hợp rời khỏi Đà Nẵng trên 14 ngày có một lần kết quả xét nghiệm âm tính, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo, thực hiện các hướng dẫn phòng bệnh của ngành y tế. Bên cạnh đó, ngành y tế đề nghị những trường hợp chưa khai báo y tế khẩn trương liên hệ y tế địa phương thực hiện khai báo. Các quận huyện sẽ tiếp tục nhận thông tin khai báo y tế để làm xét nghiệm tầm soát cho đến hết ngày 14-8. Sau thời gian này, các trường hợp cố tình không khai báo y tế sẽ bị xử lý theo chỉ đạo của UBND TPHCM.