Việc chấp hành pháp luật trong quản lý và tăng vốn điều lệ ở Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op) vừa được Thanh tra TPHCM chỉ ra nhiều sai phạm và kiến nghị Công an TPHCM điều tra các dấu hiệu vi phạm, một lần nữa cảnh báo các cơ quan chức năng phải hành động quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn tình trạng “chảy máu” tài sản của Nhà nước.
Mua cổ phần rồi từng bước thâu tóm doanh nghiệp Nhà nước, đó là chiêu trò không mới của những nhóm lợi ích hoặc những kẻ lợi dụng và mua chuộc sự tha hóa của cán bộ Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp. Đó là chưa kể, với một doanh nghiệp cụ thể như Saigon Co.op - một trong những doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất của Việt Nam với hệ thống hàng trăm siêu thị và cửa hàng bán lẻ tiện lợi, đã từng được truyền thông quốc tế vinh danh là một trong những nhà bán lẻ lớn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có tỷ suất lợi nhuận trên vốn góp lên tới 26%-39%, thì việc “thò được chân” vào đã có thể thu lợi lớn, một nguồn lợi đáng lẽ thuộc về các xã viên - những người đóng góp công sức, trí tuệ cho sự phát triển của Saigon Co.op và thuộc về Nhà nước (trong phần vốn góp của Nhà nước).
Trước sự việc ở Saigon Co.op, người dân cả nước cũng đã chứng kiến nhiều tài sản của Nhà nước bị chảy máu trong quá trình cổ phần hóa chưa được quản lý chặt chẽ ở không ít doanh nghiệp. Khả năng chảy máu tài sản Nhà nước thường diễn ra tại các khâu thẩm định giá, xác định giá trị doanh nghiệp và xác định tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ. Việc định giá cổ phần “rẻ như bèo” trong quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn là một điển hình. Cảng này có giá trị hàng ngàn tỷ đồng nhưng chỉ được định giá 440 tỷ đồng. Cũng may, sai phạm nêu trên đã được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý kịp thời.
Thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành liên quan đã có nhiều điều chỉnh, sửa đổi các quy định về cổ phần hóa, quản lý doanh nghiệp Nhà nước… song chưa thể hạn chế tối đa tình trạng chảy máu tài sản Nhà nước. Vụ việc vừa mới xảy ra ở Saigon Co.op là minh chứng. Chính vì thế, người dân mong muốn các cơ quan chức năng hành động nhiều hơn nữa.
Hiện nay, các quy định về xử lý hành vi tham nhũng, lợi dụng chức quyền thâu tóm hoặc tạo điều kiện cho nhóm lợi ích thâu tóm tài sản Nhà nước được quy định ở nhiều văn bản pháp luật như Luật Phòng chống tham nhũng 2018, Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017), Luật Cán bộ, công chức năm 2008… Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước cũng luôn khẳng định quyết tâm chống tham nhũng, quyết không để tài sản của Nhà nước, của nhân dân bị chảy máu. Như vậy, có thể nói, hành lang pháp lý đã khá đầy đủ để các cơ quan chức năng hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Ngày trước, khi phát hiện đại tá Trần Dụ Châu tham nhũng, các đồng chí lãnh đạo cách mạng thời kỳ đó đã cương quyết xử lý với mức phạt cao nhất. Hành động này đã truyền đi một thông điệp rất rõ ràng: Đảng và Nhà nước không chấp nhận và không để cho hành vi ấy được phép “sinh sôi”. Thông điệp này đã góp phần không nhỏ cho thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam.
Ngày nay trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiên tai, dịch bệnh…, đời sống của không ít người dân còn nhiều khó khăn thì việc xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, lợi dụng chức quyền để thâu tóm tài sản của Nhà nước cũng cần phải bị xử lý nghiêm khắc tương tự. Tiền của Nhà nước, của nhân dân phải được đầu tư trở lại phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước…, quyết không thể để chảy vào túi quan tham.