Fisher Stevens, nhà làm phim kiêm diễn viên, cho rằng thật khó làm phim có chủ đề về biến đổi khí hậu, dù ông từng đoạt giải Oscar 2010 với tư cách nhà sản xuất The Cove, phim tài liệu về săn bắn cá heo.
Gần đây nhất, ông mời ngôi sao Leonardo DiCaprio tham gia bộ phim môi trường Before the Flood về sự nóng lên của toàn cầu. Phim được chiếu trên kênh National Georgraphy năm 2016, thu hút nhiều khán giả trực tuyến.
Thực tế, việc Hollywood đề cập đến vấn đề này, giống như phim thảm họa The Day After Tomorrow của đạo diễn Roland Emmerich năm 2004, cũng không mang nhiều thông điệp để khuyến khích công chúng hành động.
Cảnh trong phim Geostorm
Các câu chuyện mang tính cảnh báo không thu hút khán giả. Per Espen Stoknes, tác giả sách What we think about when we try not to think about global warming (tạm dịch: Chúng ta nghĩ gì khi chúng ta cố không nghĩ về sự nóng lên toàn cầu) cho rằng trái với khủng bố và ma túy, không có kẻ thù rõ ràng với tình trạng biến đổi khí hậu.
“Tất cả chúng ta đều góp phần gây ra khủng hoảng khí hậu - nếu có một kẻ thù, đó chính là chúng ta. Và thật khó để đi đến chiến tranh chống lại chúng ta” - ông Stoknes đúc kết.
Khi biến đổi khí hậu được miêu tả trên màn ảnh, nó thường xuất hiện kèm sự chết chóc hầu như không để lại một niềm hy vọng gì cho con người. Và như vậy, theo các nhà nghiên cứu khí hậu và khoa học xã hội, đó chính là thông điệp sai lầm.
Giáo sư Andrew Hoffman, Đại học Michigan, tác giả cuốn How, nói: Thông thường, nếu bạn thực sự muốn mọi người hành động thì bạn đừng mang đến nỗi sợ đến cho họ và cho rằng tình hình là vô vọng.
Dù vậy, những phim thảm họa lại có doanh thu cao - như The Day After Tomorrow, miêu tả thành phố New York bị đông cứng hoặc như phim Geostorm sắp công chiếu vào ngày 20-10, nói về viễn tưởng biến đổi khí hậu thảm khốc gây nguy hiểm cho sự sống còn của Trái đất mà không kèm thông điệp nào ngoài nguyên nhân là do sự hoạt động sai của các vệ tinh kiểm soát khí hậu toàn cầu (?!). Dĩ nhiên, điều đó càng đưa mọi người vào vòng xoáy tiêu cực và vô vọng thay vì phải hành động.
Giáo sư Max Boykoff, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Khoa học và Công nghệ của Đại học Colorado-Boulder, Mỹ, nhận định: “Bạn phải đặt ra những cách thức trong phim để mọi người cảm thấy họ có thể tham gia vào việc ngăn chặn thảm họa”.
Đồng ý cách tiếp cận này, nhà làm phim Stevens cho rằng: Phim thảm họa sẽ biến mọi người trở nên vô dụng nếu toàn chết chóc và ảm đạm, dù không dễ dàng làm phim về biến đổi khí hậu như những gì thế giới đang chứng kiến như những cơn bão lớn vừa qua ở Mỹ.
Theo Giáo sư Hoffman, thật khó cân bằng giữa những tình tiết thảm họa thiên nhiên trong phim với sự truyền đạt về ý thức hành động cấp bách để cứu hành tinh.
Giáo sư Ed Maibach, Giám đốc Trung tâm Truyền thông về Biến đổi khí hậu, Đại học George Mason, cho rằng chúng ta cần nhiều phim truyện, phim truyền hình và cả âm nhạc cảnh báo về biến đổi khí hậu. “Chúng ta phải thu phục được trái tim của mọi người về vấn đề này” - Giáo sư Hoffman nhấn mạnh.