Không để lãng phí tài nguyên đất

Trong chuyên đề sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đăng số báo thứ hai 19-8-2019, Báo SGGP đã đề cập đến thực trạng lãng phí tài nguyên đất ở nhiều quận huyện của TPHCM. Tiếp nối nội dung này, chúng tôi xin trích đăng đề xuất giải pháp khắc phục của một số chuyên gia, nhà quản lý. 

Căn đúng luật mà làm

Theo quy định của Luật Đất đai, dự án đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương sau 3 năm nếu không triển khai sẽ bị thu hồi, đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất. Luật đã quy định rõ như vậy, các cơ quan chức năng “cứ thế mà làm” để vừa đảm bảo tính tôn nghiêm của pháp luật, vừa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và không để đất đai bị bỏ hoang.

Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư dự án không thừa nhận năng lực hạn chế là nguyên nhân chính để không thể triển khai dự án như quy định. Họ thường đổ lỗi cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp khó, người dân không đồng thuận. Và ở nhiều địa phương cũng chấp nhận lý do đó như là “nguyên nhân khách quan” để không thu hồi dự án. Công bằng mà nói, có thực tế đó, nhưng cũng nên xem lại cách đền bù cho dân.

Phải hiểu rằng, việc yêu cầu người dân dời khỏi mảnh đất đã gắn bó cả đời là sự thiệt thòi mang nhiều tính tình cảm hơn tiền bạc. Do vậy, ngoài việc đền bù theo giá thị trường như luật định, các cơ quan chức năng, nhà đầu tư dự án nên có cách thuyết phục hợp tình, hợp lý hơn.

Không để lãng phí tài nguyên đất ảnh 1 Bán đảo Bình Quới - Thanh Đa. Ảnh: CAO THĂNG

Việc hạn chế quyền lợi của người dân trong khu vực quy hoạch cũng cần được  xem lại. Không nên hạn chế quyền lợi người dân khi chỉ mới có quy hoạch chi tiết (quy hoạch phân khu) tỷ lệ 1/2000, vì theo Luật Quy hoạch đô thị, đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2000 sau 3 - 5 năm không khả thi hoặc không triển khai thực hiện được thì phải điều chỉnh hay xóa bỏ. Chỉ nên hạn chế quyền lợi của người dân ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng đã có: quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được phê duyệt; quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền; có phương án đền bù, tái định cư cho người dân bị thu hồi đất.

Và sau 3 năm mà nhà đầu tư không thực hiệc được dự án thì cương quyết thu hồi theo quy định của Luật Đất đai, đồng thời trả lại quyền lợi cho người dân. Người dân có quyền khai thác số đất đó để sinh sống. Có như vậy, tài nguyên đất mới được khai thác hiệu quả.

Tôi cho rằng, nếu khu vực Bình Qưới - Thanh Đa cũng như nhiều khu vực được quy hoạch phát triển đô thị khác mà nhiều năm qua thành phố chưa thể triển khai, nếu được tiếp cận theo hướng không hạn chế quyền lợi của dân, người dân được xây, sửa, mua bán nhà bình thường cho đến khi có nhà đầu tư có năng lực vào đầu tư, thì nơi đây đã có thể phát triển hơn hiện nay rất nhiều. Và, Nhà nước cũng được lợi khi thu được thuế kinh doanh, sản xuất của người dân trong khu vực.

Tất nhiên, để không lãng phí tài sản của người dân, của xã hội khi tiến hành thu hồi đất để làm dự án, Nhà nước nên hạn chế cho xây dựng “hoành tráng”. Những cao ốc hàng chục tầng, những biệt thự đắt giá là không nên, nhưng những ngôi nhà 2 - 3 tầng, đảm bảo cho người dân có chỗ ở khang trang để ổn định cuộc sống thì phải cho xây dựng.

Nên bỏ quy định “xây dựng tạm” và không được đền bù công trình xây dựng tạm khi Nhà nước thu hồi đất, vì đất chưa bị thu hồi thì người dân vẫn có quyền sử dụng đất theo luật định, đồng thời việc xây nhà để đảm bảo có nơi ở hợp pháp là nhu cầu chính đáng, hợp hiến của người dân.

Nói tóm lại, chỉ khi nào có chính sách đền bù thỏa đáng thì việc thu hồi đất mới đẩy nhanh được, để qua đó các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đô thị mới có điều kiện thực hiện đúng theo tiến độ. Như vậy, dự án triển khai ra sao là ở năng lực nhà đầu tư. Lúc đó, cơ quan chức năng sẽ dễ dàng ra quyết định thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư khác, khi dự án bị chậm triển khai do khiếu nại về đền bù giải tỏa. Đất đai, nguồn tài nguyên hữu hạn như vậy sẽ hạn chế bị bỏ hoang hóa.

Ông HOÀNG MINH TRÍ, Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM

Điều chỉnh quy hoạch kịp thời

Quận 2 có diện tích tự nhiên 4.980ha, đang trong quá trình đô thị hóa nhanh nên phần lớn diện tích đất (trên 70%) đã được quy hoạch, triển khai thực hiện các dự án.

Thời gian qua, UBND quận đã công bố công khai các đồ án quy hoạch trên địa bàn các phường, đồng thời chủ động rà soát các khu vực đã được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500, 1/2000 có nhiều dư luận bức xúc trong nhân dân do không còn phù hợp với quy hoạch theo hiện trạng, để kịp thời đề xuất UBND TPHCM xem xét điều chỉnh quy hoạch.

Quận cũng đã giao Phòng TN-MT phối hợp Phòng Quản lý đô thị quận rà soát, đề xuất cắm ranh mốc quy hoạch trên thực địa, song song với việc xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư theo quy hoạch đối với các công trình công cộng, công trình phúc lợi để người dân biết, phối hợp quản lý và thực hiện quy hoạch.

Hiện nay địa bàn quận 2 còn 2 dự án lớn chậm triển khai là khu 154ha ở phường Bình Trưng Đông và phường Cát Lái và khu 88ha ở phường Cát Lái. Về khu 154ha, năm 2014 UBND TPHCM đã thu hồi quyết định giao đất cho chủ đầu tư hạ tầng chính, nên giờ không ai chịu trách nhiệm trong công tác bồi thường.

Vừa rồi, UBND quận 2 có văn bản chính thức gửi Sở TN-MT và sở cũng đang có báo cáo với UBND TPHCM, đề nghị khôi phục theo hướng giao lại cho chủ đầu tư hạ tầng chính để tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và triển khai công tác đầu tư các hạ tầng chính của dự án như đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật… Trên cơ sở đó các chủ đầu tư thành phần (có 16 đơn vị) sẽ triển khai tiếp dự án. Đối với khu 88ha kế bên, hiện nay quận cũng đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Ông HUỲNH THANH KHIẾT, Phó Chủ tịch UBND quận 2

Cần có quy định doanh nghiệp ký quỹ để triển khai dự án

Dự án tái định cư 38ha phường Tân Thới Nhất để hoang hóa mà Báo SGGP đề cập, trước đây được thành phố giao cho một doanh nghiệp thuộc Sở GTVT TPHCM làm chủ đầu tư, sau đó mới giao lại cho quận 12. Trong dự án này có một số hộ chưa nhận tiền đền bù bồi thường để di dời, do đó công tác đầu tư hạ tầng của dự án bị vướng.

Gần đây, UBND quận đã kiến nghị thành phố cho một số hộ có diện tích đất lớn nằm trong quy hoạch dự án được hoán đổi đất, nhằm tạo điều kiện cho người dân được tái định cư tại chỗ. Thời gian tới quận sẽ nỗ lực để dự án sớm được hoàn thành, chấm dứt tình trạng lãng phí đất đai như thời gian qua.

Câu chuyện quy hoạch và dự án không khả thi là 2 vấn đề khác nhau. Nếu đất đã giao cho chủ đầu tư mà không triển khai dự án được dẫn đến tình trạng lãng phí đất đai, là vấn đề cần phải quan tâm xử lý. Còn quy hoạch thì có tính lâu dài, thậm chí mấy chục năm. Người dân cũng hay hỏi tôi sao quy hoạch tuyến đường này, công viên kia lâu quá mà không làm? Tôi trả lời vì quy hoạch có tính lâu dài, nếu không quy hoạch thì diện tích đường giao thông, diện tích công viên cây xanh trong tương lai sẽ không có.

Đây là những tiêu chí cứng trong quy hoạch đô thị, chúng ta phải đạt những tiêu chí nhất định ấy trong quá trình phát triển đô thị. Trước đây quận 12 dự kiến đến năm 2020 dân số mới đạt đến con số 450.000 dân, nhưng theo kết quả điều tra dân số, ngày 1-4-2019 dân số của quận đã lên đến 618.000 người. Rõ ràng, nếu chúng ta không quy hoạch, không tính toán chính xác về hạ tầng trong tương lai tương ứng với dân số thì đô thị sẽ phát triển không bền vững.

Ở quận 12, những dự án đã xây dựng nhưng hạ tầng chưa hoàn chỉnh, người dân bức xúc phản ánh, quận mời chủ đầu tư lên họp để giải quyết. Theo tôi, vấn đề ở đây là phải có biện pháp chế tài đối với chủ đầu tư để ràng buộc trách nhiệm của họ với dự án. Vấn đề này còn đang bỏ ngỏ. Trước khi giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án, nên buộc doanh nghiệp phải ký quỹ. Nếu doanh nghiệp làm không xong thì Nhà nước lấy tiền ký quỹ ra thực hiện tiếp.

Thực tế trong nhiều dự án, doanh nghiệp bán hết nhà, đất cho khách rồi mà hạ tầng không hoàn thiện theo quy hoạch. Thế nhưng, do thiếu chế tài nên Nhà nước không làm gì được họ.

Ông TRẦN HỮU TRÍ, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận 12

Tin cùng chuyên mục