Ngày 29-1, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 1-2013, tình hình triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.
Không chủ quan tốc độ tăng giá
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế tháng 1 đã có những tín hiệu lạc quan. Nhìn chung, trong tháng 1-2013, cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,25% so với tháng 12-2012, mức trung bình so với các năm trước.
Nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 1-2013 tăng 7,07%, mức tăng thấp nhất trong vòng 6 năm gần đây. Việc giá tăng chủ yếu do một số địa phương điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, nguồn cung thực phẩm bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh phía Bắc; nhu cầu mua sắm tăng và tâm lý tăng giá hàng trong dịp tết. Theo Bộ KH-ĐT, nếu không tính các biện pháp hành chính (tăng giá dịch vụ y tế của 10 địa phương) mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 sẽ thấp hơn.
Cũng trong tháng 1, lãi suất tín dụng giảm, góp phần hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp; công tác quản lý thị trường vàng đã đem lại hiệu quả, giá vàng giảm, thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới. Vốn FDI, ODA thực hiện và đăng ký mới tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, tồn kho ở một số mặt hàng vẫn ở mức cao.
Tuy đã đạt nhiều kết quả tích cực, cho thấy tín hiệu khả quan ngay từ đầu năm, nhưng các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn; việc chỉ số lạm phát tăng 1,25% trong tháng 1 là không thể chủ quan.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh việc các bộ, ngành cần tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ một cách quyết liệt, khẩn trương. “Trước hết phải cụ thể hóa thể chế, có những nội dung đã nêu trong nghị quyết nhưng không có thông tư, nghị định để triển khai những quy định cụ thể thì không thực hiện được. Từng bộ phải rà soát, đánh giá lại theo chức năng, nhiệm vụ của mình để triển khai, cụ thể hóa nội dung các nghị quyết của Chính phủ ngay trong quý 1”, Thủ tướng yêu cầu.
Trong tổ chức thực hiện, Thủ tướng đề nghị cần đặc biệt chú ý việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, kịp thời báo cáo Thường trực Chính phủ xử lý những vấn đề còn vướng mắc, nhất là trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giá cả trên tinh thần bám sát nhiệm vụ trọng tâm, không được chủ quan.
Chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo
Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận nhiều giải pháp đảm bảo nhân dân đón tết vui xuân an toàn, lành mạnh, tiết kiệm. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai tốt việc cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để thiếu hàng, sốt giá. Việc đi lại cho dân cần tiếp tục được tăng cường kiểm soát, không để thiếu phương tiện hay xảy ra tình trạng nhồi nhét khách trên tàu, xe. Nếu cần, các doanh nghiệp vận tải như hàng không, đường sắt có thể hạ giá xuống mức hòa vốn để chia sẻ khó khăn, tạo thuận lợi cho nhân dân trong dịp tết.
Thủ tướng chỉ đạo các địa phương phải chăm lo tốt đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; bộ đội, công an, đặc biệt là các lực lượng đang làm nhiệm vụ, trực sẵn sàng chiến đấu trên địa bàn. Công an các tỉnh thành kiểm soát nghiêm việc cấm đốt pháo, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn giao thông, phấn đấu giảm cả 3 chỉ tiêu về an toàn giao thông so với tết năm trước.
Báo cáo tình hình chuẩn bị tết, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho biết ngành nông nghiệp đã có phương án chuẩn bị đủ nguồn cung, kiểm soát chất lượng từ nguồn các loại thực phẩm thiết yếu dịp tết. Chắc chắn đảm bảo đủ nguồn cung, chất lượng thịt, rau, thủy sản. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định, ngành vận tải đường sắt, đường không, đường bộ đều đã bố trí đủ phương tiện, có phương án tăng xe, tăng chuyến dịp trước và sau tết.
Không thanh tra lại kết luận thanh tra đất đai ở Đà Nẵng
Về phản ứng của TP Đà Nẵng đối với kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về sai phạm đất đai tại địa phương này, tại buổi họp báo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết công tác thanh tra là việc thường xuyên của Chính phủ. Thanh tra Đà Nẵng cũng là một cuộc thanh tra như các cuộc thanh tra khác, là cuộc thanh tra bình thường, được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Việc công bố cũng theo quy định của pháp luật. TTCP báo cáo Chính phủ cũng là việc bình thường của thanh tra.
Cũng theo ông Vũ Đức Đam, Đà Nẵng phản ứng thông qua báo chí, Chính phủ cũng mới tiếp nhận được thông tin này qua báo chí. Chính phủ rất cầu thị, có trách nhiệm trước thông tin báo chí phản ánh và Chính phủ đã yêu cầu có báo cáo về những thông tin báo chí đã đưa. Theo quy định, không có khái niệm phúc tra, chỉ có thanh tra lại. Nhưng thanh tra lại chỉ đối với những kết luận thanh tra của các bộ, tỉnh. Còn khi TTCP thanh tra thì không thanh tra lại. Thủ tướng đã có kết luận thanh tra ở Đà Nẵng, giao cho một số bộ, ngành như: TN-MT, KH-ĐT, Tài chính, Công an... làm rõ các vấn đề liên quan. Các cơ quan này phải thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy có vấn đề cần xem xét lại phải có báo cáo.
“Đến giờ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa nhận được ý kiến phản ánh nào của các bộ, cũng như của TP Đà Nẵng. Trong tương lai, nếu có đơn vị nào có báo cáo đề nghị xem xét lại thì lúc đó Thủ tướng sẽ có ý kiến” - Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.
Trả lời câu hỏi của báo chí về phát biểu mới đây của một Phó Thủ tướng về con số “30% công chức có cũng như không”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: “Thực tế đúng là có bộ phận do nhiều nguyên nhân, mức độ đóng góp hạn chế. Ngay cơ quan Văn phòng Chính phủ cũng có một bộ phận cán bộ như vậy. Các nhà báo cũng có thể tự hỏi, cơ quan mình có chuyện này hay không?”. Cũng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, đối với việc chạy công chức, nếu tất cả các lĩnh vực liên quan đến “chạy” hiểu theo nghĩa tiêu cực, thì phải lên án và đấu tranh, ở đâu có hiện tượng ấy thì phải nghiêm trị. Đây là quá trình phải phấn đấu không phải ngày một ngày hai, phải có nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp để mỗi vị trí đều có trách nhiệm rõ ràng, có thước đo chuẩn mực, chính xác.
PHAN THẢO