LTS: Việc ông Mai Nam Dương, nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, uống rượu say lái ô tô gây tai nạn giao thông làm 1 người chết và 3 người bị thương đã bị khởi tố nhưng mới đây lại được Viện KSND TP Đà Lạt ra quyết định đình chỉ vụ án, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, đã gây bất bình trong dư luận. Nhiều bạn đọc đã bức xúc lên tiếng về việc này.
Phải tuân thủ đúng luật
Bộ luật Hình sự của nước ta có quy định trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự. Đây là quy định không xa lạ so với hệ thống pháp luật hình sự trên thế giới. Tuy có nhiều cách gọi khác nhau về chế định này nhưng chung quy lại, nó xuất phát từ nguyên tắc đánh giá tính nguy hiểm của hành vi phạm tội, mức độ gây thiệt hại cho xã hội do hành vi phạm tội gây ra, thái độ của người phạm tội và cuối cùng là tính nhân đạo của pháp luật. Tuy nhiên, việc miễn trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội của bị can Mai Nam Dương là một trường hợp lạ, vì hành vi phạm tội thuộc trường hợp “gây hậu quả rất nghiêm trọng” nhưng Viện KSND TP Đà Lạt cho miễn trách nhiệm hình sự chỉ với căn cứ duy nhất là người phạm tội đã bồi thường cho các bị hại và các bị hại cùng gia đình của người bị hại đã làm đơn bãi nại cho bị can Dương.
Căn cứ Bộ luật Hình sự, người trong tình trạng uống nhiều rượu bia gây tai nạn giao thông làm 1 người chết, 3 người bị thương nặng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, tội danh này không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Vì vậy, việc người bị hại bãi nại không phải là căn cứ để đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can và miễn trách nhiệm hình sự. Hơn nữa, Nhà nước đang chủ trương tìm mọi cách giảm tai nạn giao thông, không thể xác định hành vi trên là đã không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Nói tóm lại, hành vi lái xe có nồng độ rượu bia vượt mức cho phép, chạy xe tốc độ cao vi phạm luật giao thông rồi gây tai nạn làm chết người là hành vi rất nguy hiểm. Theo quy định hiện hành, ông Dương có thể bị phạt tù tới 10 năm, thuộc loại tội rất nghiêm trọng nên việc miễn trách nhiệm hình sự của cơ quan chức năng có dấu hiệu làm sai luật. Nhưng do đâu mà họ có thể làm sai luật, phải chăng vì ông Dương có chức có quyền? Nếu giả sử người vi phạm không phải ông Dương - một cán bộ - mà là một thường dân thì liệu có kết luận như vậy không? Luật pháp là dùng trừng phạt - răn đe - giáo dục người phạm tội để làm gương cho xã hội. Trước pháp luật mọi người đều bình đẳng, không phân biệt nam nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội. Lẽ ra, là một cán bộ thì hơn ai hết, ông Dương phải hiểu và làm đúng theo pháp luật. Ông Dương đã làm sai, đã gây nên tội thì phải bị trừng phạt, đó mới là lẽ phải.
Để pháp luật được người dân tôn trọng và tin tưởng thì trước hết những người cầm cân nảy mực, nắm trong tay quyền thực thi pháp luật như Viện KSND TP Đà Lạt cần phải làm đúng luật.
LÊ QUANG
(Quận Thủ Đức, TPHCM)
Lộng quyền
Việc ông Dương đã bồi thường thiệt hại chỉ là tình tiết giảm nhẹ hình phạt được quy định cụ thể tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự: “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”. Còn việc được bãi nại (rút đơn khởi tố vụ án) trong khi hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông làm chết người, không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu người bị hại, nên việc có bãi nại không phải là căn cứ để đình chỉ vụ án hay miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Đó là quy định khá cơ bản, nếu cán bộ Viện KSND TP Đà Lạt không biết thì rõ là không xứng đáng với trọng trách nhà nước giao phó. Nếu biết mà cố tình áp dụng sai quy định pháp luật thì rõ ràng có tiêu cực.
Thế nhưng, sau khi sự việc xảy ra, dư luận đang nóng lòng chờ đợi hành xử của người có trách nhiệm thì lãnh đạo Viện KSND TP Đà Lạt từ chối giải thích, đá qua đá lại trách nhiệm “do thời điểm thay đổi viện trưởng nên không biết”. Mặc dù sự việc đã xảy ra sau hơn 10 ngày, ông Trần Thanh Hoành, người phát ngôn của Viện KSND tỉnh Lâm Đồng, lại trả lời báo chí theo kiểu: “Đang báo cáo, chờ kiểm tra, chưa có kết quả, chúng tôi chưa có ý kiến, cái đó thì tôi không bình luận, cái đó chưa thể trả lời ngay được…”.
Trong khi đó, dư luận đặt vấn đề hành vi phạm tội của ông Dương là rất rõ ràng, nên việc Viện KSND TP Đà Lạt không truy tố ông Dương là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Tại sao các ngành chức năng không xem xét và khởi tố người ra quyết định đình chỉ vụ án về hành vi “không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”? Điều 294 Bộ luật Hình sự đã quy định: “Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội thì bị phạt tù”. Khi có vi phạm, buộc phải xử lý nghiêm minh để làm gương cho người khác. Cán bộ được nhà nước giao quyền mà không thực thi đúng quyền hạn của mình, nếu không xử nghiêm sẽ dẫn đến lộng quyền. Nhất là thời điểm gần đây, tình trạng lộng quyền đang diễn ra đáng báo động trong đội ngũ cán bộ công chức có quyền năng. Không thể chấp nhận cán bộ ngành tư pháp lại không nắm vững điều cơ bản của luật khi miễn truy tố trách nhiệm hình sự trong vụ ông Dương. Nếu chúng ta không xử nghiêm những vụ này, bệnh “lộng quyền” sẽ lây lan, gây mất niềm tin trong dân.
CHẾ HÂN
(Thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh)