Không được chăn nuôi gia cầm trong nội thành

Gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, một số người dân TPHCM nêu thắc mắc về việc TPHCM có còn cấm nuôi gia cầm hay không? Trả lời câu hỏi này, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục Trưởng Chi cục Thú ý TPHCM, khẳng định TP vẫn tiếp tục cấm nuôi gia cầm trong khu vực nội thành, nội thị và cho biết như sau:

UBND TPHCM đã ban hành nhiều văn bản không cho phép chăn nuôi gia cầm trong TP. Chỉ thị 06 ngày 27-3-2008 về đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người trên địa bàn TPHCM quy định: “Nghiêm cấm chăn nuôi gia cầm, thủy cầm trong khu vực nội thành và ven nội thành, khu vực tập trung dân cư, bệnh viện, trường học…”. Chỉ thị 04 ngày 18-2-2012 về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn TPHCM quy định: “Giao chủ tịch UBND các quận, huyện vận động người dân thực hiện công tác phòng chống dịch cúm gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, trong đó tập trung tại các khu dân cư, các điểm kinh doanh gia cầm…; vận động người dân chấm dứt chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ (kể cả nuôi gà đá) không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học”. Ngoài ra, Điều 5 Nghị định 119/CP ngày 9-10-2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thú y, giống, thức ăn chăn nuôi đã quy định: “Phạt tiền từ 1,5 đến 2 triệu đồng đối với hành vi chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, ấp nở trứng gia cầm hoặc kinh doanh gia súc, gia cầm tại địa điểm không theo quy hoạch hoặc không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; kèm biện pháp khắc phục buộc di chuyển cơ sở chăn nuôi đến địa điểm theo quy hoạch”.

Khi có nhu cầu chăn nuôi gia cầm, người dân cần đăng ký với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn; thực hiện chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học. Khi được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan thú y, chủ cơ sở tiến hành xây dựng chuồng trại. Sau khi xây dựng chuồng trại, chủ cơ sở phải đăng ký thẩm định điều kiện vệ sinh thú y với cơ quan thú y, cơ quan thú y thẩm định điều kiện chuồng trại chăn nuôi trước khi hoạt động và các yêu cầu khác liên quan đến an toàn sinh học. Khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sinh thú y thì cơ sở được phép hoạt động.

Riêng vấn đề nuôi chim kiểng, đây là thú vui chơi của người dân. Nguồn gốc các loại chim kiểng đa phần được thuần hóa từ chim hoang dã, có nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Mặt khác, chim kiểng lại thường xuyên tiếp xúc với con người, do vậy cần có sự kiểm tra, giám sát bệnh cúm gia cầm chặt chẽ. Trong thời gian qua, tại TPHCM, Hiệp hội Những người nuôi chim kiểng đã được thành lập, tổ chức nhiều cuộc thi trên địa bàn. Các loại chim kiểng tham gia đều được kiểm tra giám sát bệnh cúm gia cầm 6 tháng một lần. Ngoài ra, từ tháng 4-2015, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã có văn phòng đại diện tại TPHCM, tạo thuận lợi cho người nuôi chim kiểng. Nếu có nhu cầu nuôi chim, người dân nên tham gia vào hiệp hội để các loại chim kiểng được kiểm tra, giám sát bệnh cúm gia cầm thường xuyên và chặt chẽ.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục