Không được cung cấp thông tin trước khi ban hành kết luận thanh tra ​ ​

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra phải giữ bí mật những thông tin có được từ hoạt động thanh tra, không cung cấp cho bên thứ ba cho đến khi ban hành kết luận thanh tra.
Trụ sở Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI)
Trụ sở Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI)

Gửi văn bản đến Ủy ban Pháp luật của Quốc hội góp ý kiến về dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi (dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 tới đây), Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra phải giữ bí mật những thông tin có được từ hoạt động thanh tra, không cung cấp cho bên thứ ba cho đến khi ban hành kết luận thanh tra.

VCCI cũng đề nghị bổ sung nguyên tắc quy định về việc lựa chọn đối tượng, phạm vi và thời gian thanh tra theo quản lý rủi ro.

Cụ thể, các cơ quan phải lập cơ sở dữ liệu về các đối tượng thuộc phạm vi quản lý cơ sở dữ liệu bao gồm nhiều tiêu chí nhằm chấm điểm rủi ro, nguy cơ vi phạm pháp luật của các đối tượng thuộc phạm vi quản lý. Các cơ quan lập công thức chấm điểm rủi ro dựa trên các tiêu chí trong dữ liệu; từ đó thực hiện lựa chọn đối tượng thanh tra định kỳ theo điểm rủi ro của từng đối tượng.

Bên cạnh đó, VCCI còn góp ý cụ thể về các quy định gửi kế hoạch thanh tra, căn cứ ra quyết định thanh tra, nội dung của quyết định này...

Cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng một số cơ quan nhà nước tránh áp dụng các quy định chặt chẽ về thanh tra bằng cách gọi là… kiểm tra, VCCI nhận định, hoạt động kiểm tra hiện đang không có quy định pháp luật điều chỉnh cụ thể, hoặc có quy định nhưng rất chung chung, không minh bạch, dẫn đến nguy cơ bị lạm dụng rất cao. Chẳng hạn, nhiều trường hợp pháp luật chuyên ngành chỉ quy định cơ quan quản lý chuyên môn có quyền kiểm tra doanh nghiệp, nhưng không quy định cụ thể về kế hoạch, thời hạn, căn cứ kiểm tra, đoàn kiểm tra, thủ tục thực hiện kiểm tra… Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã đề cập đến hoạt động kiểm tra với hai nguyên tắc cơ bản là tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra, đồng thời để pháp luật chuyên ngành quy định về hoạt động kiểm tra. Tuy nhiên, theo VCCI, quy định như vậy vẫn chưa giải quyết được tình trạng lạm dụng hoạt động kiểm tra để “hành” doanh nghiệp.

Đặc biệt, liên quan đến nghĩa vụ bảo mật thông tin của đoàn thanh tra, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra phải giữ bí mật những thông tin có được từ hoạt động thanh tra, không cung cấp cho bên thứ ba cho đến khi ban hành kết luận thanh tra.

VCCI cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh, việc lựa chọn đối tượng, nội dung, phạm vi, thời kỳ thanh tra nhiều lúc còn tuỳ tiện, thậm chí có dấu hiệu bị lạm dụng. Trong khi đó, dự thảo hiện chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

Tin cùng chuyên mục