
Cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo một số Bộ, ngành và các Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để đưa ra những quyết sách góp phần kiềm chế lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế được bắt đầu đúng 1 giờ 30 phút chiều qua, 1-4 tại Hà Nội và kết thúc rất muộn, lúc gần 18 giờ cùng ngày. Rất quyết liệt, người đứng đầu Chính phủ đã giao nhiệm vụ giữ vai trò chủ lực đối với nền kinh tế cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong bối cảnh kiềm chế lạm phát là ưu tiên số 1 hiện nay. “Các đồng chí phải bằng mọi giá bảo đảm cung ứng hàng hóa, không để thiếu bất cứ mặt hàng thiết yếu nào; không để xảy ra tăng giá, không để đầu tư tràn lan”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiều lần nhấn mạnh.
Cam kết không tăng giá nhưng đồng ca kêu... lỗ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MINH ĐIỀN
Là người đăng đàn đầu tiên trong số lãnh đạo các tập đoàn, TCT nhà nước, ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cho biết tập đoàn hoàn toàn ủng hộ gói 7 giải pháp mà Chính phủ đã đưa ra để giải bài toán kiềm chế lạm phát hiện nay (trong bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đăng trên Báo SGGP và các báo ngày 31-3).
“Chúng tôi chấp hành không tăng giá than để cùng chung tay với Chính phủ để giải quyết khó khăn hiện nay của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay giá bán than chỉ bằng khoảng 80% giá thành sản phẩm. Vì vậy đề nghị Chính phủ không tăng thuế xuất khẩu than nữa, không thì chúng tôi không biết lấy tiền đâu ra mà bù” , ông Kiển khẩn thiết nói.
Nhân đây, ông cũng kêu với Chính phủ cho điều chỉnh giá thiết bị trong các gói thầu và điều chỉnh tổng mức đầu tư, vì hầu hết giá thiết bị hiện nay cũng đã tăng 20% (Thủ tướng đã cho phép điều chỉnh giá vật liệu xây dựng), nếu không các gói thầu hiện nay đều bị đình trệ vì các nhà thầu “bỏ chạy”, gây khó khăn cho sản xuất của các TCT.
Lãnh đạo TCT thép cũng cho biết, năm 2007 doanh thu ngành thép đạt 37.000 tỷ đồng, nhưng năm 2008 này sẽ bảo đảm doanh thu trên 40.000 tỷ đồng. Ngành thép sẽ đẩy mạnh sản xuất và bảo đảm cung ứng thép cho các công trình xây dựng lớn, đồng thời tiết kiệm triệt để chi phí sản xuất để bảo đảm giá thành. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành thép cho biết, có thể tiết kiệm chi phí sản xuất chứ không thể tiết kiệm về tài chính, vì 90% vốn sản xuất thép là đi vay.
“Từ năm 2003 đến nay, năm nào ngành thép cũng phải làm nhiệm vụ bình ổn giá, lợi nhuận rất thấp, năm 2007 vừa rồi lỗ nặng”, ngành thép kêu. Hiện nay sản lượng thép của Tổng Công ty Thép VN chỉ chiếm 40% nhu cầu tiêu thụ trong nước, không phải là sản phẩm độc quyền, vì vậy không thể nói là ngành thép lợi dụng để đầu cơ găm hàng như dư luận vừa qua đặt câu hỏi.
Ngành thép cam kết không tăng giá từ nay đến hết tháng 6 như Chính phủ chỉ đạo, tuy nhiên chắc chắn giá thành thép trong năm nay sẽ lên cao vì hiện nay hàng loạt các quốc gia láng giềng đã ra lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu sản xuất thép, điều đó có nghĩa VN sẽ phải nhập thép sản phẩm với giá cao.
Ông Phạm Lê Thanh, TGĐ tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho biết, hiện nay ngành điện gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh, vì cả điện sản xuất và điện sinh hoạt đều tăng rất cao, tổn thất điện năng lại lớn, trong khi giá điện hiện nay thấp. Chấp hành chỉ đạo của Chính phủ không được tăng giá, tuy nhiên, ông Thanh nói năm 2008, ít nhất Tập đoàn Điện lực sẽ lỗ khoảng 6.000 tỷ đồng tiền mua điện.
“Chúng tôi vẫn xin được tăng giá điện vì nếu phải lỗ lâu, sẽ chẳng còn ai đầu tư vào ngành điện, điều đó hoàn toàn có thể dẫn đến thiếu điện trong tương lai”. Tương tự, Hiệp hội Xi măng cũng cho biết, nhu cầu tiêu thụ xi măng năm nay lên tới 41-42 triệu tấn (tăng 13% so với 2007). Trong khi giá nhập khẩu clinker tăng từng tuần (hiện nay đã 38 USD/tấn), nhiều nhà máy xi măng ở phía Nam đã phải dừng sản xuất, khiến cho tình hình xi măng càng căng thẳng.
Hiện nay, Hiệp hội Xi măng đã phải chuyển clinker từ Bắc vào Nam để góp phần bình ổn thị trường. Cơ số dự trữ 1,5 triệu tấn xi măng cũng đang cạn dần. “Gần 10 năm nay, giá xi măng không tăng, nếu so với tình hình trượt giá, thì giá xi măng trong 8 năm qua đã giảm 30%, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng chấp hành chỉ đạo của Chính phủ dù hiện nay, chi phí sản xuất xi măng tăng 70.000-80.000 đồng/tấn”, đại diện Hiệp hội xi măng cho biết.
Chưa tăng giá để kiềm chế lạm phát, chứ không phải quay lại cơ chế bao cấp
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phân tích các khó khăn, thuận lợi hiện nay đối với sự phát triển kinh tế –xã hội của đất nước. Thủ tướng khẳng định, lạm phát sẽ giảm dần. Bằng mọi giá chúng ta phải bảo đảm mục tiêu: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong đó mục tiêu số 1 hiện nay là kiềm chế lạm phát.
Ngoài việc yêu cầu các tập đoàn, các TCT phải thực hiện đồng bộ 7 giải pháp mà Thủ tướng đã chỉ rõ trong thông điệp đăng rộng rãi trên báo chí ngày 31-3 vừa qua, Thủ tướng lưu ý trong bối cảnh hiện nay, các tập đoàn, các TCT là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, hơn bao giờ hết phải thể hiện vai trò chủ lực, gương mẫu của mình. “Các TCT làm ra 40% GDP, nhưng vay ngân hàng cũng chiếm tới 60% tổng mức vay của toàn xã hội, chiếm tới 70% tổng dư nợ nước ngoài của cả nước, vì vậy các đồng chí phải là người tiên phong trong việc chống lạm phát hiện nay. Không thể có chuyện Chính phủ nói một đường, các đồng chí làm một nẻo”. Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng “phát lệnh”: các TCT phải bảo đảm đẩy mạnh sản xuất, không tăng giá hàng hóa, nhưng cũng không được lỗ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại cuộc họp với các tập đoàn, tổng công ty về kiềm chế lạm phát.
Thủ tướng chỉ đạo cụ thể các nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho các TCT hiện nay. Thứ nhất, phải rà soát lại đầu tư và đẩy mạnh sản xuất, biến khó khăn thành thuận lợi, cố gắng đạt mục tiêu đã đề ra, không để giảm sút tốc độ tăng trưởng. Nếu các TCT, các tập đoàn đều bảo đảm được chỉ tiêu phát triển thì sẽ góp phần to lớn vào mục tiêu chung của đất nước. Thứ hai, phải quyết liệt rà soát, cắt giảm các dự án đầu tư kém hiệu quả. Đây cũng chính là việc để các TCT cơ cấu lại hoạt động theo hướng tập trung vào lĩnh vực đầu tư có hiệu quả. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định cắt giảm 10% chi phí thường xuyên (xăng dầu, điện, điện thoại, hội nghị...). Thứ ba, bảo đảm cân đối các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế, nếu khó khăn thì các TCT sẽ cùng Chính phủ tháo gỡ chứ nhất định không để thiếu hàng hóa trong bất cứ tình huống nào. Thứ tư, các tập đoàn, TCT phải là lực lượng nòng cốt trong việc cùng Chính phủ giữ vững bình ổn giá cả. Cụ thể, ngành điện sẽ thực hiện tăng giá theo hướng ai tiêu thụ nhiều thì phải trả nhiều tiền, người nghèo sẽ được Chính phủ hỗ trợ. Tuy thời điểm hiện nay chưa phải là thời điểm để tăng giá điện, nhưng sau này sẽ tăng theo giá thị trường, vì nhà nước không thể bao cấp toàn xã hội. Tương tự, than, xi măng, xăng dầu đều sẽ chưa tăng giá ít nhất từ nay đến hết tháng 6-2008, chỉ trừ trường hợp giá thị trường thế giới quá biến động. “Chính phủ khẳng định, vì ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát nên hiện nay không tăng giá các mặt hàng thiết yếu. Chứ không phải là quay lại cơ chế bao cấp như trước đây”, Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng cũng kêu gọi, các tập đoàn, các TCT nhà nước hãy cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu bình ổn giá, hãy vì đất nước, cắt giảm chi tiêu để bảo đảm không tăng giá, lũng đoạn giá trong tình hình hiện nay.
Về các kiến nghị cụ thể của các tập đoàn, các TCT, Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên phải cân nhắc kỹ thời điểm, vì nếu cùng lúc đưa nhiều hàng hóa ra thị trường chứng khoán càng khiến thị trường này phức tạp. Từ nay đến cuối năm, Chính phủ cũng sẽ rà soát hoạt động của các tập đoàn kinh tế để có quy định về hoạt động của các tập đoàn. Thủ tướng cũng nhắc lại, các tập đoàn, TCT phải tập trung vào kinh doanh các lĩnh vực chính để bảo đảm an toàn cho nền kinh tế.
Q.PHƯƠNG
*****



Tại hội nghị, các tập đoàn, TCT đã hiến nhiều kế cho Thủ tướng và Chính phủ:
* Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và phát triển: Trong bối cảnh hiện nay, không thể chỉ kêu gọi chung chung mà cần có quy định để mỗi người thể hiện ý thức công dân đối với Tổ quốc trong thời điểm khó khăn. Chúng tôi đã kêu gọi mỗi cán bộ công nhân viên gửi tiết kiệm từ 3-5 triệu đồng, thế là được 300 tỷ đồng. Rộng ra, có thể kêu gọi mỗi người dân có thể gửi một khoản tiết kiệm để cùng Chính phủ kiềm chế lạm phát.
* Ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Có gia đình mỗi tháng dùng trên 10 triệu đồng tiền điện, do dùng điện để nấu nóng nước ở bể bơi gia đình. Trên 50% cơ quan đơn vị không những không tiết kiệm điện mà còn gia tăng chi phí điện. Về tiết kiệm điện, đã đến lúc có chế tài xử lý các đơn vị tiêu phí điện năng chứ không chỉ dừng ở kêu gọi.
“Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo từ nay đến hết tháng 6-2008 không tăng giá 10 mặt hàng thiết yếu, trong đó có vé tàu, vậy tại sao ngành đường sắt vẫn thông báo tăng giá vé lên 7%-15% từ ngày 1-4. Phải chăng chỉ đạo của Chính phủ không còn hiệu lực”, tại cuộc họp hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã truy ngành đường sắt. Giải trình về điều này, ông Nguyễn Hữu Bằng, TGĐ Đường sắt Việt Nam kêu khổ: “Giá xăng dầu tăng nên ngành đường sắt bắt buộc phải tăng giá để bảo đảm chi phí vận hành. Tuy nhiên, việc tăng giá được thông báo tới khách hàng từ 1 tháng trước đây. Mãi đến ngày 27-3, Thủ tướng mới chỉ đạo không được tăng giá vé tàu hỏa. Vì vậy, chúng tôi đã báo cáo Bộ Tài chính về vấn đề này”. “Ngành đường sắt phải điều chỉnh giá trở lại, không tăng nữa, để bảo đảm an sinh xã hội và giữ vững kỷ cương phép nước”, Thủ tướng yêu cầu. Và tất nhiên ông Nguyễn Hữu Bằng cam kết: “Chúng tôi luôn có ý thức trách nhiệm trong việc cùng Chính phủ bình ổn giá cả”. |