Việc chọn mô hình nào cho Đường sách TPHCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1) đã gây không ít tranh cãi và bây giờ vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Riêng tôi, với tư cách người yêu sách, rất mong thành phố ta có một con đường sách, ít nhất cũng như mô hình phố sách Đinh Lễ - Hà Nội.
Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn bàn về không gian đường sách vì trong đầu tôi có quá nhiều câu hỏi. Tôi không hiểu tại sao ban tổ chức lại đưa mỗi nhà xuất bản, nhà sách quốc doanh và tư nhân bán sách vào trong một ki-ốt. Về phương diện không gian, tôi thấy mô hình thiết kế thể loại ki-ốt trưng bày này không phải là không gian dành cho đường sách. Tôi có cảm giác việc ban tổ chức thu nhỏ từng nhà sách vào từng ki-ốt nằm chung trên một trục đường, san sát nhau không phải là không gian sách mà người mua sách đang mong đợi.
Với tư cách người hay đi mua sách, tôi không thích lại phải chui vào các gian hàng bé tí, lớn nhất khoảng 4,5x4m hoặc nhỏ hơn, nhất là trong tiết trời Nam bộ hay nóng bức. Chui vào nhà sách lớn, có máy lạnh người ta chưa chắc đã thích thế mà lại còn chui vào ki-ốt chỉ có quạt máy thì mua sách có gì vui? Mà vào những nhà sách con con, be bé này thì làm sao có thể tìm mua được sách cũ khi vốn đầu tư ban đầu của những chủ ki-ốt không ít hơn 300 - 400 triệu đồng, chưa nói đến chi phí khác như thuê người bán, điện nước… Và rồi đây, các NXB, nhà sách phải đối phó với những con số về doanh thu cũng không phải là không nhức đầu khi mà các nhà xuất bản ra sách khác nhau nhưng các nhà sách phải bán sách giống nhau, tức là không có sách bán độc quyền. Người mua đã tìm được sách mình thích ở hàng này rồi thì làm sao mua ở hàng khác? Do vậy, các nhà sách - ki-ốt này sẽ cạnh tranh nhau khốc liệt và đường sách sẽ trở thành con đường kinh doanh, chứ không còn là con đường dành cho văn hóa đọc.
Tại sao Đường sách TPHCM lại không phải là mô hình của nhà sách Đinh Lễ cộng với đường sách cũ Trần Nhân Tôn cộng với chợ sách Đặng Thị Nhu trước đây nhưng được sự quản lý về nội dung? Tại sao đường sách này, rốt cuộc chỉ dành cho các nhà xuất bản, các nhà sách quốc doanh và tư nhân có vốn lớn chứ không phải dành cho mọi người được quyền vào đây bán và trao đổi sách?
Thử tưởng tượng hình ảnh này xem sao! Một ngày rảnh rỗi, tươi đẹp nào đó, tôi có những quyển sách cũ, dư muốn bán để có tiền mua những quyển sách mới hoặc muốn đem sách ra trao đổi với những người cùng có ý định. Tôi ôm đến đường sách hai thùng các-tông đựng đầy sách đến gặp ban quản lý, đóng một ít tiền rồi được ban quản lý đưa cho cái bàn, cái ghế tự chọn địa điểm để bán. Tôi đến sớm thì còn chỗ tốt, tôi đến trễ thì phải ngồi chỗ xấu. Hoặc bán ở địa điểm không đắt thì thuế “hoa chi” ít hơn. Thế thôi - công bằng cho tất cả những người đến đây bán sách. Nếu không có bàn, tôi trải sách xuống lề đường bán cũng chẳng sao. Tôi không cần ki-ốt và ngay cả người mua cũng không cần vào ki-ốt.
Ở một vài thành phố châu Âu mà tôi có dịp đi qua, tôi cũng đã được biết đến một vài khu bán sách kiểu này. Họ đứng bán sách bên những cái bàn con con, họ bán sách trong những cái thùng các-tông cạnh bồn hoa, phía dưới là chim bồ câu đang ăn lúa thanh bình. Người mua sách cầm lên, rồi mua hay bỏ lại đều được. Họ đâu cần những ki-ốt như những phòng trưng bày. Họ cần đến con đường sách trong một không gian thoáng đãng. Người dạo quanh đường sách sẽ cảm nhận được một không gian thông thoáng, liền kề, không ngăn cách phên, rào, giậu giữa quầy sách này và quầy sách kia. Ban tổ chức hãy cứ làm những quầy sách như những sạp báo ngày xưa cũ, nhỏ, thon, gọn thông thoáng giữa người bán và người mua. Mua sách mà được hít thở khí trời, mùi của sách, mùi của chữ, mùi của mực, mùi của giấy cũ thế là chẳng thú lắm sao? Nói chung, dùng từ ngữ nôm na là một “chợ trời” nhưng là một “chợ trời” văn hóa.
Nhà văn LÊ VĂN NGHĨA