Không hút thuốc lá: Sản xuất thuốc lá trong nội thành?

Là một đô thị lớn của cả nước, TPHCM là nơi có mật độ tập trung dân cư cao. Tuy nhiên, ngay trong các quận nội thành cũng vẫn còn một số nhà máy sản xuất thuốc lá hoạt động. Đơn cử như Công ty Thuốc lá Sài Gòn, tọa lạc trên đường Trần Phú, quận 5, TPHCM.

Là một đô thị lớn của cả nước, TPHCM là nơi có mật độ tập trung dân cư cao. Tuy nhiên, ngay trong các quận nội thành cũng vẫn còn một số nhà máy sản xuất thuốc lá hoạt động. Đơn cử như Công ty Thuốc lá Sài Gòn, tọa lạc trên đường Trần Phú, quận 5, TPHCM.

Hàng ngày, trong quá trình hoạt động của mình, mùi thuốc lá từ phía công ty tỏa ra gây không ít khổ sở cho người dân sống chung quanh. Đặc biệt, ngay cạnh đó là Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình II. Nhiều hôm trời nắng gắt, lại gặp khói thuốc tỏa ra nồng nặc thì cả thầy lẫn trò đều nhăn mặt, bịt mũi, chẳng còn tâm trí đâu mà dạy hay học. Với người khỏe đã cảm thấy khó chịu, ai có bệnh về đường hô hấp mà còn ngửi phải mùi thuốc lá từ công ty phả ra thì gần như là “cực hình”.

Sản xuất thuốc lá ngay tại trung tâm thành phố là điều thật bất hợp lý. Nếu một người hút thuốc nơi công cộng gây ảnh hưởng đến khoảng một hoặc hai chục người xung quanh thì số người bị ảnh hưởng từ khói thuốc của công ty này là cả một khu phố. Vì vậy, di dời các công ty thuốc lá ra xa các khu dân cư là việc làm hết sức cần thiết và khẩn trương.

Xây dựng một xã hội không thuốc lá là điều không dễ dàng và cần có thời gian. Việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng hiện nay cũng là một cách trong lộ trình giảm bớt những tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, liệu điều này có còn ý nghĩa không khi người hút thuốc lá nơi công cộng thì bị xử phạt, trong khi các công ty sản xuất thuốc lá vẫn ngày ngày nhả ra những làn khói độc hại trong khu dân cư? 

THANH PHÚC 

Ghiền thuốc vẫn bỏ được…

Ông bà ta nói: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Hiện nay ít còn ai mời trầu để làm đầu câu chuyện thì mời nhau điếu thuốc, có gì mà ầm ĩ. Tuy nhiên, từ mời nhau điếu thuốc đến nghiện thuốc là một đoạn đường vô cùng ngắn. Ông anh rể tôi khi lấy vợ vẫn chưa biết hút thuốc. Đến lúc bung ra làm việc mời nhau điếu thuốc, lâu dần anh nghiện lúc nào không hay. Đã có nghiên cứu quốc tế, không chỉ người hút mà người ngửi khói thuốc cũng có nguy cơ bệnh, thậm chí gấp hai lần người hút.

Chị bạn tôi, buồn chuyện gia đình nên tập tành hút thuốc. Chị nói, phả mình theo khói thuốc thấy vơi buồn. Khi đã nghiện, buồn không vơi nhưng túi tiền vốn ít ỏi của chị không chỉ vơi lại cạn sạch. Có khi cơn nghiền lên quá độ chị vào quán cà phê quen xin thuốc những người đàn ông lạ hoắc. Cuối cùng chị chết vì ung thư phổi cách nay hai năm.

Bố của bạn tôi bị bệnh phổi, bác sĩ cấm hút thuốc. Con cái theo lệnh bác sĩ. Ông phải trèo tường ra ngoài xin thuốc hút. Một thầy giáo đồng nghiệp của tôi hút thuốc như rồng phun khói - theo ví von của học trò thầy. Bị cắt thi đua, đã hơn bốn mươi tuổi nhưng không cô nào dám nhào vô, bởi thầy nói chuyện nghe sặc mùi thuốc.

Nếu xem điếu thuốc thay cho miếng trầu cũng không ổn. Hiện nay một số người trẻ có giáo dục và ý thức tốt đều không hút thuốc. Một số giáo phái Tin Lành trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ, có giáo luật “ cấm hút thuốc”. Cho nên tôi từng chứng kiến một số “doanh nghiệp” VN “quê độ” khi chìa gói thuốc ra và đối tác là người nước ngoài đưa tay ra dấu ngăn lại, nói cám ơn kèm theo câu giải thích: “Tôi không hút thuốc”.

Vì thế nếu chưa ghiền thuốc xin đừng thử dù chỉ một lần! Hãy nghĩ đến hình ảnh đẹp đẽ trước mắt con cái. Đồng thời hãy dạy con biết cách thẳng thắn, chấp nhận mình dở, mình hèn không thử hút thuốc khi bị bạn bè nói khích.

Sẽ có người nói với tôi lỡ nghiện thuốc rồi thì sao? Bỏ thuốc không dễ nhưng không thể nói là không bỏ được. Ông anh rể tôi sau nhiều năm bị vợ, con gái cằn nhằn đã dứt khoát bỏ thuốc. Quá trình bỏ dĩ nhiên cũng “trầy trật”. Ta hãy lo sức khỏe của mình cùng những người chung quanh và vấn đề vệ sinh khi nói chuyện. Hình ảnh khó chịu của người chung quanh khi ta phì phò điếu thuốc, viễn cảnh bệnh tật của bản thân và người thân… không thể là động lực để bạn bỏ thuốc sao hay xa lánh điếu thuốc sao?  

NGUYỄN NGỌC HÀ

Tin cùng chuyên mục