Thiếu ý thức
Cách đây mấy ngày, “núi rác” hàng trăm tấn tại Cam Ly (tỉnh Lâm Đồng) đã sạt lở, đổ ụp xuống thung lũng bên dưới, khiến nước các dòng suối đổi màu đen kịt, bốc mùi hôi. Vị trí sạt lở lần này cũng là vị trí sạt lở đã xảy ra vào tháng 8-2019 khiến cả ngàn tấn rác đổ xuống vườn nhà dân bên dưới thung lũng. Trung bình mỗi ngày, bãi rác Cam Ly tiếp nhận khoảng 200 tấn chất thải rắn từ người dân địa phương và du khách lưu trú tại thành phố Đà Lạt.
Tại Linh Quy Pháp Ấn, một ngôi chùa đẹp ở Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), mặc dù đã có đặt khá nhiều thùng rác, nhưng nhiều du khách viếng chùa vẫn vứt rác tràn lan trong khuôn viên, dọc lối đi. Hàng ngày, các sư thầy ở chùa phải tốn nhiều thời gian, công sức đi nhặt rác gom lại thành từng bao rồi thuê người chở xuống núi.
Không ít bãi biển, hải đảo là thắng cảnh đang khai khác du lịch tại Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Ninh Chữ, Mũi Né, Bình Ba, Phú Quý, Côn Đảo, Nam Du, Phú Quốc… cũng đang đối mặt với tình trạng rác thải tràn lan, phải tính đến phương án bỏ ra hàng chục tỷ đồng mỗi năm để vận chuyển rác thải về đất liền xử lý.
Nhiều điểm cắm trại, leo núi cũng đang dần trở thành những bãi rác bởi sự kém ý thức của du khách. Rác thải đang khiến cảnh quan ở Đồng Cao, Sơn Động, Bắc Giang, hay cung đường Tà Năng - Phan Dũng trở nên nhếch nhác, xấu xí. Người dân Sa Pa đã nhiều lần lên tiếng phản ứng việc du khách xả rác bừa bãi làm bộ mặt của điểm du lịch thơ mộng này ngày càng thêm ô nhiễm. Tương tự, tại Hải Vân quan - một danh thắng của miền Trung, cũng thấy rác thải tràn lan. Xung quanh các lô cốt nằm sát di tích, có vô số những hộp xốp đựng thức ăn, túi ni lông, hộp sữa, ống hút, vỏ chai nhựa… vứt la liệt.
Ngày nay, với trào lưu tiêu dùng nhanh gọn, tiện lợi, các đồ dùng chỉ sử dụng một lần được nhiều du khách lạm dụng trong những chuyến du lịch. Từ những chai nước uống, bao bì các loại thực phẩm, hộp nhựa, túi ni lông, cho đến bàn chải đánh răng, chai dầu gội, dao cạo râu, khăn ướt sử dụng một lần… du khách dùng xong là bỏ lại khắp các điểm đến. Tất cả những loại rác ấy đang trở thành vấn nạn gây ô nhiễm môi trường và làm xấu cảnh quan tại các danh lam thắng cảnh hiện nay.
Những hành động cụ thể
Dễ thấy một hình ảnh tương phản tại các điểm du lịch, trong khi không ít du khách trong nước thản nhiên xả rác, bạ đâu vứt đó, thì nhiều du khách nước ngoài lại chăm chỉ nhặt rác trên các bãi biển, điểm tham quan; giữ rác lại trong ba lô, túi xách, chờ đến nơi có thùng rác để bỏ vào. Trên các phương tiện vận chuyển như tàu, xe và cả trên máy bay, cũng thấy rác vương vãi khắp nơi, từ thức ăn thừa, bao bì nhựa cho đến chai nước uống dở…
Tại TP Hội An (Quảng Nam), nhiều người nước ngoài còn sẵn sàng bỏ ra 10USD để tham gia “tour vớt rác” với mong muốn góp sức làm sạch sông Hoài. Du khách tham gia “tour vớt rác” sẽ tự chèo thuyền kayak, dùng vợt vớt rác trên đoạn sông dài khoảng 8km từ xã Cẩm Thanh vào phố cổ Hội An. Mặc dù chính quyền Hội An đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ môi trường nhưng vẫn còn tình trạng một số người thiếu ý thức, vô tư vứt rác thải xuống sông Hoài. Ông Clayton Hornbaker, một du khách người Mỹ, chia sẻ: “Tôi đã đi du lịch nhiều nước trên thế giới, rất thích khi đến Việt Nam, tuy nhiên tôi thấy ở đây người dân vứt nhiều rác xuống sông. Tôi mong có thêm nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa như “tour vớt rác” để nhắc nhở người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống của chính mình”.
Bảo vệ môi trường và giữ gìn cảnh quan di tích, danh lam thắng cảnh là trách nhiệm của mỗi người. Mỗi người dân, mỗi du khách cần ý thức và có hành động cụ thể bằng cách hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, vứt rác đúng nơi quy định. Chính quyền các địa phương là điểm đến du lịch cần quan tâm tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội để bảo vệ môi trường, vận động không xả rác, xử lý nghiêm những hành vi cố ý gây ô nhiễm môi trường; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường du lịch. Đó cũng là giải pháp cần thiết để phát triển du lịch bền vững.