Không phải chuyện chiếu chăn

Mà chỉ là chuyện cái chăn và chiếc chiếu một thời chưa xa. Đó là những vật dụng lâu đời bậc nhất của người Việt.

Mà chỉ là chuyện cái chăn và chiếc chiếu một thời chưa xa. Đó là những vật dụng lâu đời bậc nhất của người Việt.

Với người miền Bắc, cái chiếu còn có công dụng như một cái chăn nhà nghèo. Người nghèo ở nông thôn nhiều nơi trước đây không sắm nổi chiếc chăn bông, phải nằm ổ rơm và đắp vài ba chiếc chiếu vào cữ rét tháng chạp. Ổ rơm phải đủ dày mới mong kín gió hai đầu. Bằng không, nó sẽ như chiếc ống gió lạnh buốt. Nhà giàu có hơn dùng chăn nhưng vẫn phải trải chiếu lên bộ ghế ngựa hoặc sập gụ. Có chăng hơn được cái cạp chiếu khâu tay bằng nhiễu. “Chiếu hoa cạp nhiễu điều” vẫn còn là câu văn mẫu trong sách học vần trẻ em lớp 1 hồi những năm 60 thế kỷ trước. Mục vần iêu.

Những năm bao cấp chiến tranh, chiếu ở thành phố được nhà nước bán phân phối bằng bìa mua hàng gia đình. Mỗi năm một đôi không phân biệt hộ ít người hay hộ đông. Trai gái kết hôn được cấp phiếu mua hàng cưới. Trong phiếu có đôi chiếu. Tùy theo mậu dịch lúc ấy có chiếu hoa hay chiếu trơn đều phải mua. Phiếu chỉ ghi tiêu chuẩn là chiếu mà không có quy định hoa hay trơn. Và chiếu mậu dịch cũng chỉ có một loại duy nhất. Không chia ra thành chiếu kỹ, chiếu thường, chiếu đậu dệt kép hai lần chỉ đay hay chiếu dệt đơn.

Nhà đông người và nhất là có trẻ sơ sinh, chiếu là thứ luôn thiếu. Lũ trẻ chơi đùa nhảy nhót và tè dầm thường xuyên. Chưa hết nửa năm, chiếc chiếu đã mục nát phần giữa. Những người đàn bà trong gia đình lại cần mẫn dùng quần áo cũ cắt ra vá vào chỗ rách. Chữ “chiếu đụp” ra đời hẳn là có nguyên nhân từ việc vá chằng vá đụp này. Chiếu cũng chỉ vá được một lần thôi. Nếu tiếp tục rách miếng vá cũng chưa được vứt đi. Nó sẽ biến thành chiếc chiếu trải xuống nền nhà để ngồi ăn cơm. Chiếc mâm sẽ làm nhiệm vụ che đi chỗ rách. Thế nhưng, cán bộ, công nhân nghèo trong thành phố đã tìm ra cách bù đắp vào việc thiếu thốn chiếu trải. Nhà nào cũng ra sức lau cho nền gạch sạch bóng. Biến nó thành chiếc chiếu vĩnh cửu. Vào nhà ai cũng phải bỏ dép ngoài cửa. Ai mà dám đi dép lên chiếc “chiếu” ấy? Thật kỳ lạ là thói quen này còn duy trì cho đến tận bây giờ dù ở Hà Nội đã không còn ai mời khách ngồi bệt thẳng xuống nền nhà nữa.

Trước khi phát minh ra chăn bông, người Việt có chăn bằng vỏ cây sui đập giập. Chăn sui hẳn là có mặt từ thời tiền sử bởi cách khai thác và chế tác nó trong rừng. Ngạc nhiên thay, nó còn phổ biến dùng cho đến tận kháng chiến chống Pháp. Nghề bật bông theo truyền thuyết có mặt ở làng Trát Cầu, Thường Tín - Hà Nội từ hơn 5 thế kỷ nay. Hà Nội cũng có phố Hàng Bông. Phố có nhiều gia đình làm nghề bật bông, may chăn gối. Những năm 60 thế kỷ trước khi đi qua phố vẫn nghe rộn ràng tiếng dây cung bật bông ủng oẳng như một điệu nhạc buồn tẻ. “Bật bông” đã trở nên một thành ngữ dành cho những tay mới học đàn guitare trong phố.

Chiếc chăn bông thời kỳ bao cấp cũng được bán phân phối, nhưng không thường xuyên. Muốn có phiếu mua nó phải được bình bầu ở cơ quan, xí nghiệp. Nơi người ta nắm chắc nhất tình hình chăn đắp của từng gia đình. Thiếu là chuyện đương nhiên. Thế nhưng, chuyện thiếu thốn này không hẳn là không có mặt tích cực của nó. Hình như hôn nhân lúc ấy không có nhiều đổ vỡ như bây giờ cũng bởi một trong hai người không chịu được rét. Mà nhà chỉ có duy nhất một chiếc chăn?

Chăn bông có nhiều kích thước và cân lạng khác nhau. Phổ biến hai loại chăn 5 cân và chăn 3 cân. Bông được bật tơi xốp chần hình quả trám trong vải màn bọc kín. Có hai nhà máy trên toàn miền Bắc sản xuất chăn bông là Dệt 8-3 và Dệt Nam Định. Cũng chỉ có khâu cào bông thay cho bật là làm bằng máy. Chần chăn và may vỏ hoàn toàn thủ công. Đây cũng là một nghề phụ của các gia đình trong phố.

Cuối cuộc chiến tranh, bông vải vô cùng khan hiếm. Người ta đã nghĩ ra những chiếc chăn bông tái sinh bán tự do cho dân dùng. Vải vóc quần áo cũ cho vào máy cào trở lại thành bông. Cũng chần, cũng vào vỏ như thật. Nhưng chiếc chăn thường không kiểm soát được cân nặng. Nó cứng quèo và nặng như đá. Vài người cả nghĩ còn suy luận ra nguồn gốc của vải cũ lấy từ bệnh viện rất sợ. Còn may, lúc này Nhà máy dệt kim Đông Xuân và Nhà máy dệt Nam Định đã sản xuất đại trà được chăn dạ. Gọi là dạ nhưng vẫn chỉ là sợi bông dệt mà thôi. Bộ đội được trang bị hoàn toàn bằng chăn dệt này. Cán bộ công tác xa nhà thường cẩn thận mang theo chăn dạ đắp thêm.

Giờ thì ở thành phố không còn ai thiếu chăn đắp những ngày đông tháng giá nữa. Cũng không còn nhiều gia đình giữ lại chiếc chiếu cói. “Chiếu chăn” là thành ngữ để chỉ việc khác từ lâu rồi.

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục