Không thể bỏ lơ công nghiệp dược trong nước

Không thể bỏ lơ công nghiệp dược trong nước

Giá thuốc không ngừng tăng cao, thuốc ngoại “đè bẹp” thuốc nội, nguồn dược liệu trong nước cạn kiệt đang là những hồi chuông báo động cho ngành công nghiệp dược nội địa. Phải nhìn nhận rằng tuy vẫn cung ứng được 50% tổng lượng thuốc sử dụng trong nước, nhưng sự thực công nghiệp dược đang quá… mờ nhạt. Xung quanh vấn đề này, PV Báo SGGP đã trao đổi với Thầy thuốc ưu tú, DS.CKII Trần Tựu, Chủ tịch HĐQT-TGĐ SAVIPHARM, nguyên TGĐ Công ty Dược Việt Nam.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (giữa) thăm một gian trưng bày dược liệu - dược phẩm tại Bình Dương đầu tháng 6-2010. Ảnh: C.T.V.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (giữa) thăm một gian trưng bày dược liệu - dược phẩm tại Bình Dương đầu tháng 6-2010. Ảnh: C.T.V.

- PV: Ông đánh giá thế nào về công nghiệp dược hiện nay ở Việt Nam? Có phù hợp với thực tế nhu cầu phục vụ chữa bệnh?

DS.CKII Trần Tựu: Trong 2 thập niên vừa qua, ngành sản xuất dược phẩm đã có bước phát triển tốt, cả nước đã có trên 100 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP- WHO với mức độ tăng trưởng bình quân trên 18%/năm. Một số doanh nghiệp đã bước đầu xuất khẩu thuốc ra thị trường nước ngoài. Ngành dược Việt Nam đã sản xuất và cung ứng hầu hết các nhóm thuốc Generic (hết bảo hộ độc quyền) cung cấp cho các cơ sở y tế và người dân. Tuy nhiên, các nhà máy sản xuất dược phẩm của nước ta có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm mới chưa được đầu tư đúng mức, hầu hết nguyên liệu phải nhập khẩu, thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp dược. Mặt khác với xu thế chuyển dịch công nghiệp bào chế từ các nước phát triển sang các nước châu Á, ngành dược Việt Nam sẽ bị tác động mạnh bởi nguồn dược phẩm từ các nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, nếu chúng ta không khẩn trương đầu tư hiện đại hóa công nghiệp dược.

- Có ý kiến cho rằng, công nghiệp dược trong nước yếu kém, để cho các hãng dược nước ngoài “ngự trị” đã khiến người dân chịu giá thuốc cao. Ông nghĩ thế nào?

Cần phải có nhìn nhận khách quan hơn về công nghiệp dược Việt Nam. Thuốc chữa bệnh trên thị trường Việt Nam hiện nay có 2 nhóm. Thứ nhất, nhóm biệt dược còn thời hạn bảo hộ bản quyền do các công ty đa quốc gia nắm giữ. Do độc quyền, nhóm thuốc này có giá cao. Thứ hai, nhóm Generic được một số công ty nhập khẩu và phần lớn sản xuất tại các nhà máy trong nước. Nhóm thuốc Generic do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất có giá thấp hơn nhiều so với thuốc nhập khẩu.

Thực chất thuốc nhóm Generic do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã trực tiếp làm giảm giá thuốc cùng loại nhập khẩu. Mặt khác, với những tiến bộ của công nghiệp dược Việt Nam những năm qua, WHO đã xếp loại trình độ phát triển công nghiệp dược quốc gia của Việt Nam ở mức 3 (trên tổng số 4 mức): “ có nền công nghiệp dược nội địa dựa trên nguyên liệu nhập khẩu, có xuất khẩu”.

- Với một công ty dược phẩm, ông có nghĩ vấn đề công nghệ đặt lên hàng đầu?

Đó là một trong những ưu tiên để có được những sản phẩm thuốc thích ứng nhu cầu bệnh tật và đảm bảo chất lượng. Chẳng hạn, Savipharm đã thực hiện đầu tư nhà máy sản xuất thuốc, hệ thống thiết bị phụ trợ, các phòng thí nghiệm và phòng nghiên cứu phát triển với công nghệ cao, trang thiết bị hiện đại, quản lý toàn bộ nhà máy và các hoạt động liên quan bằng hệ thống kiểm soát - thu thập dữ liệu tức thời (SCADA). Đồng thời rất coi trọng việc đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân lành nghề về quản lý nhà máy theo phong cách của châu Âu; thẩm định chất lượng (QC, QA )... Chính vì vậy, các sản phẩm của Savipharm đã được các bệnh viện và người sử dụng thuốc đánh giá tốt.

- Để khẳng định vị thế nền công nghiệp dược trong nước, không thể thiếu sự tiếp cận về công nghệ và nguồn dược liệu. Nhưng cả hai yếu tố đó còn quá non kém. Giải pháp nào ông có thể đưa ra?

Thực tế những năm qua, dự báo những năm sắp tới nhu cầu thuốc phòng và chữa bệnh của Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng bình quân 20%/ năm. Thách thức đối với các doanh nghiệp là phải có các sản phẩm chất lượng cao, đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp với mô hình bệnh tật của Việt Nam.

Để không bỏ lơ những cơ hội phát triển, ngành sản xuất dược phẩm phải quan tâm mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, tiếp cận các công nghệ mới, hiện đại; song song cần đầu tư mạnh cho hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm mới.

Để khắc phục nguồn dược liệu cạn kiệt và thúc đẩy sản xuất dược phẩm từ nguồn dược liệu, chúng ta không có biện pháp nào khác là tổ chức các trại trồng cây thuốc quy mô từ nhỏ đến lớn, tổ chức trồng cây thuốc theo các địa bàn dân cư với sự hướng dẫn về KHCN của các tổ chức chuyên ngành, đồng thời đảm bảo dược liệu sản xuất ra có nơi tiêu thụ.

Để nâng cao chất lượng dược liệu và sản phẩm dược liệu, việc trồng trọt phải hướng tới áp dụng tiêu chuẩn thực hành trồng cây thuốc tốt (GAP), và chỉ có những dược liệu được sản xuất theo tiêu chuẩn này mới được đưa vào sản xuất dược phẩm…

Cũng như hầu hết các nước đang phát triển, để ngành công nghiệp dược Việt Nam có bước phát triển mạnh hơn, giảm dần sự phụ thuộc vào nước ngoài, ngoài việc phải hiện đại các nhà máy sản xuất thuốc, cần phải mạnh dạn đầu tư vào công nghiệp sản xuất một số nhóm nguyên liệu thiết yếu (kháng sinh, hóa dược, dược liệu có nhu cầu sử dụng lớn); đầu tư mới với công nghệ phù hợp để sản xuất một số loại bao bì sử dụng cho ngành dược như các bao bì nhựa, giấy, tuýp thủy tinh (cho sản xuất thuốc tiêm). Kinh nghiệm thành công bước đầu trong sản xuất kháng sinh là Amoxylin, Ampicilin (tại Mekopha) viên nang cứng (tại Vicancap) cho chúng ta sự khẳng định có mạnh dạn đầu tư mới thành công.

- Xin cảm ơn ông.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục