Không thể phủi bỏ trách nhiệm

Tháng 6-2014, bà Mai Ánh Điệp (ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM) cho bà Trần Thị Sanh (ngụ tại quận 8, TPHCM) mượn 200 triệu đồng. Cuối năm 2014, đến hạn trả nợ, bà Sanh vẫn không trả tiền và theo gia đình chuyển về Bình Dương sinh sống. Bà Điệp đã kiện bà Sanh tại TAND tỉnh Bình Dương. 
Qua 2 phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Dương tuyên bà Sanh có trách nhiệm thanh toán cho bà Điệp số tiền 228,5 triệu đồng. 
Bà Điệp đã được Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Thủ Dầu Một cấp giấy giới thiệu để đến Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM chi nhánh quận 8 (gọi tắt là Chi nhánh quận 8) xác minh tính pháp lý căn nhà tại địa chỉ 290/63/1B đường Dương Bá Trạc (phường 1, quận 8) - là nhà của bà Sanh - để làm tài sản thi hành án; sau đó đã có giấy ủy quyền Chi cục THADS quận 8 giải quyết vụ việc. Tháng 3-2017, Chi cục THADS quận 8 ra quyết định về việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của bà Sanh tại địa chỉ nêu trên. Tháng 5-2017, bà Điệp tiếp tục liên hệ Chi nhánh quận 8 để xác minh tính pháp lý căn nhà của bà Sanh. Văn bản trả lời cho biết tài sản nêu trên là của bà Sanh và đang ngăn chặn theo Quyết định 43 của Chi cục THADS quận 8. Tháng 7-2017, xét thấy bà Sanh có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành, Chi cục THADS quận 8 ra quyết định kê biên căn nhà nêu trên; sau đó ra thông báo cưỡng chế thi hành án đối với bà Sanh vào sáng 12-9-2017. 
Thế nhưng, khi còn 1 tuần lễ nữa đến ngày cưỡng chế, Chi nhánh quận 8 lại có Công văn số 308 gửi Chi cục THADS quận 8 cho hay: Từ năm 2014, bà Sanh đã chuyển nhượng căn nhà này cho ông Đỗ Quốc Việt và bà Võ Thị Thanh Thúy; việc chuyển nhượng đã được Chi nhánh quận 8 cập nhật ngày 27-11-2014. Trả lời về việc vì sao có sự bất nhất trong việc xác định tính pháp lý căn nhà này, ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Chi nhánh quận 8, cho biết: “Chúng tôi đã xem xét kỹ các hồ sơ lưu trữ, việc chuyển nhượng nhà của bà Sanh là đúng pháp luật. Đây là sơ sót khá hy hữu. Hiện nay, việc quản lý hồ sơ rất chặt chẽ bằng công nghệ thông tin; chúng tôi đã cập nhật hồ sơ, số liệu, nhưng nhân viên lưu trữ lại sơ sót không cập nhật trường hợp chuyển nhượng này”. 
Trường hợp sơ sót này rất đáng ngờ, bởi lẽ người mà bà Sanh chuyển nhượng nhà chính là vợ chồng con gái của bà Sanh. Thời gian chuyển nhượng cũng khá nhạy cảm: cuối năm 2014 - thời điểm bà Sanh có trách nhiệm trả nợ. Những lần bà Điệp tốn tiền xác minh về tính pháp lý của căn nhà, các văn bản của Chi nhánh quận 8 đều xác định bà Sanh là chủ sở hữu, để rồi đến “phút 89” thì lại có văn bản khác. 
Phân tích vụ việc này, luật sư Nghiêm Xuân Lý (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: “Tài sản đã sang nhượng đúng pháp luật và trước khi có bản án. Do vậy, bà Điệp rất khó khởi kiện lại vụ án. Bởi lẽ, vụ việc này tòa án đã có quyết định xét xử. Bà Điệp chỉ còn cách tìm tài sản khác của bà Sanh để được thi hành án. Chi nhánh quận 8 có tắc trách trong việc trả lời các xác minh. Bà Điệp có thể làm đơn yêu cầu đơn vị này đền bù tổn thất trong suốt quá trình đeo bám vụ kiện. Trong đó, chi phí xác minh tài sản và tiền tạm ứng chi phí cho việc cưỡng chế có thể dễ xác định, vì có phiếu thu. Tuy nhiên, còn các tổn thất về tinh thần, vật chất trong suốt hơn 2 năm thì rất khó xác định”. 
Là một cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, trong vụ việc này, Chi nhánh quận 8 không thể chỉ nói rằng do “nhân viên lưu trữ sơ sót không cập nhật trường hợp chuyển nhượng này”, rồi phủi hết trách nhiệm.

Tin cùng chuyên mục