Yếu tố chính nằm ở trách nhiệm, đạo đức kinh doanh của DN với người tiêu dùng. Nói như giám đốc một thương hiệu xuất khẩu tên tuổi ở TPHCM, DN phải có lòng tự trọng thì mới “lớn” được. Nếu chỉ mãi ăn theo, bám đuôi người khác (các doanh nghiệp đã gầy dựng được tiếng tăm) kiểu được chăng hay chớ thì không bao giờ đủ sức vươn ra biển lớn, sẽ mãi sống đời “gà què quanh quẩn cối xay” mà thôi.
Trở lại với vấn đề nóng hổi ở trên là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Một bạn đọc ngụ tại quận Gò Vấp đã vô cùng bức xúc, dẫn chứng trên cùng tuyến đường Quang Trung nhưng cách vài mét là có một cửa hàng lần lượt mang thương hiệu PT4000, PT10000, PT8000… để ăn theo thương hiệu PT2000. Kế đến là thương hiệu thời trang Việt Tiến với VT.Tiển, V.Tiễn… trên một số tuyến đường khác của TPHCM khá giống về mẫu mã, dấu hiệu nhận diện thương hiệu. Giày dép Bita’s cũng đang kêu trời vì bị một thương hiệu khác làm nhái. Tất nhiên, cơ quan chức năng có kiểm tra, xử phạt thì cũng chẳng ăn thua vì các thương hiệu sinh sau, biết mình làm nhái những DN đi trước nên cứ “chịu đấm ăn xôi” cho qua chuyện. Với lại, nói như một cán bộ chuyên trách, thì các vụ xử phạt về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường mất khá nhiều thời gian, công sức nên hầu như các doanh nghiệp bị hại cũng chẳng muốn kiện cáo chi cho mất công.
Trao đổi nhanh với hàng chục doanh nghiệp bị hại, đại diện công ty nào cũng nói như mếu rằng, quá đuối với hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thậm chí, có doanh nghiệp ra đời được 22 năm thì hơn 20 năm phải “gồng mình” chống hàng giả. Tất nhiên, số tiền chi cho các vụ này, bao gồm điều tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thu thập chứng cứ gửi cơ quan chức năng… cũng tiêu tốn đáng kể, “ăn” cả vào lợi nhuận của doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp héo hắt, điêu đứng vì hàng dỏm. “Đã đến lúc cơ quan chức năng phải mạnh tay hơn chứ không thể mãi ngồi bàn, xử lý cho qua chuyện được”, lãnh đạo một doanh nghiệp bức xúc.