Khu bảo tồn Ea Sô lâm nguy

Bài 1: Vào vai kiểm lâm
Khu bảo tồn Ea Sô lâm nguy

Bài 1: Vào vai kiểm lâm

Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô nằm ở huyện Ea Kar (Đắc Lắc) với tổng diện tích 27.800ha và giáp ranh với huyện Sông Hinh (Phú Yên), huyện Krông Pa (Gia Lai). Nơi đây có hệ sinh thái phong phú, đa dạng và có nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm đang sinh sống như: bò tót, bò rừng… Trong thời gian qua, lâm tặc thường xuyên xâm nhập vào những khu rừng giáp ranh và đe dọa đến sự an nguy của khu bảo tồn này. Vào cuối tháng 8 vừa qua, chúng tôi đã có hành trình hai ngày lội bộ cùng những kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô qua những khu rừng giáp ranh đang bị lâm tặc đua nhau tàn phá. Vất vả, gian nan và nguy hiểm, đó là những thử thách với họ trong nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn cho Khu BTTN Ea Sô.

Phát hiện lâm tặc đang chở gỗ ở tọa độ 0520080,1439496.

Phát hiện lâm tặc đang chở gỗ ở tọa độ 0520080,1439496.

  • Vượt suối, băng rừng...

Khi mặt trời vừa ló đầu ngọn núi, tôi cùng 3 đồng nghiệp và 4 kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô lên đường truy bắt lâm tặc với hành trang đầu đội mũ cối, vai mang ba lô, đeo bình nước, chân đi giày vải, khoác áo rằn ri… Nhìn từ đầu đến chân, đoàn chúng tôi chẳng khác gì một tiểu đội bộ binh hành quân. Mới là những “kiểm lâm tập sự”, chúng tôi không phải mang gạo, thức ăn, nước uống, xoong nồi… lỉnh kỉnh như mấy anh kiểm lâm thứ thiệt. Anh Phan Văn Quang (Trạm phó Trạm Kiểm lâm số 5) hỏi: “Chúng ta phải đi bộ khoảng 7 giờ, vượt qua nhiều đồi cỏ tranh, nhiều con suối và nhiều dốc núi mới tiếp cận được lâm tặc, các nhà báo đi có nổi không?”.  Mặc dù dõng dạc tuyên bố “đi tốt”, nhưng tôi vẫn thấy e ngại cho quãng đường trước mắt.

Vừa ra khỏi Trạm kiểm lâm số 5 khoảng 1km, chúng tôi gặp thử thách đầu tiên - vượt suối E Puich. Anh Phạm Văn Định (Đội Kiểm lâm cơ động) được cử bơi qua trước để dò đường. Tưởng chừng mọi người cũng phải bơi theo anh Định, bỗng nghe tiếng anh từ bên kia suối: “Có thuyền”. Trong chốc lát, anh xuất hiện với chiếc thuyền nhỏ vượt qua dòng nước xiết đón cả đoàn. Tôi và anh Quang xuống thuyền trước. Con thuyền bị sóng đẩy lắc lư, nhiều lúc suýt lật làm tôi hoảng hốt. Qua 10 phút chòng chành, cuối cùng thuyền cũng cập bờ. 5 đồng đội còn lại cũng lần lượt vượt suối sau hai lần đưa đò của anh Định. Ngồi hong khô trên bãi cát chừng 5 phút, chúng tôi chỉnh trang đội ngũ băng rừng.

Hành trình băng rừng khó khăn gấp bội. Chúng tôi băng qua giữa mênh mông lau lách không một lối mòn. Từ chân tới mặt đều bị lau lách cứa đứt da thịt đau nhói. Đá lổm nhổm cản bước chân, dây leo chằng chịt cản lối đi và chỉ cần chậm chân chút xíu sẽ mất dấu đồng đội. Mỗi lúc như thế, tôi lại trèo lên một tảng đá để dõi mắt tìm dấu vết. Từng lội rừng nhiều năm, nhưng lần này tôi mới có hành trình băng rừng không lối mòn. “Chúng tôi phải dẫn nhà báo đi dọc sông vì sợ các anh không đủ sức leo núi. Đi đường này chịu lau cắt một tí nhưng đỡ mệt hơn”, anh Quang trần tình.  

  • Truy đuổi lâm tặc

Men theo bờ sông Krông H’năng - một chi lưu của sông Ba - khoảng 4km, chúng tôi đến cột mốc ranh giới giữa Khu BTTN Ea Sô và huyện Krông Pa. Đi theo hướng Tây Bắc về phía Gia Lai trên con đường mòn trong rừng chừng 1km nữa, chúng tôi bắt gặp con đường vận chuyển gỗ lậu từ rừng Krông Pa về sông Krông H’năng.

Tại cuối dốc con đường đổ ra sông Krông H’năng, lâm tặc còn bỏ lại chiếc cáng chở gỗ ra sông. Anh Lê Xuân Tùng (Đội phó Đội Kiểm lâm cơ động) cho biết, đây là nơi lâm tặc thường đưa gỗ hương xuống sông, cột thành bè và sau đó bơi theo gỗ đưa về bến ông Hai Cả ở xã Krông Năng và Ia Ré (huyện Krông Pa), cách đó chừng 5km đường sông.

Dừng chân tại tọa độ 0519314, 1437426, trong chốc lát đã nghe tiếng cưa máy xẻ gỗ ào ào từ xa. Chúng tôi chia làm hai tốp lần theo tiếng cưa máy vào rừng. Tôi đi theo Tùng chừng 200m thì bắt gặp 3 người dân đang chặt đẽo hương rục - tức gỗ hương đã khô. Ông K’sor Súp (ở xã Ia Ré) cùng con trai K’sor Tương và con rể Nay Tu (ở xã Krông Năng) ngỡ ngàng buông rìu khi chúng tôi đến. Ông K’sor Súp nài nỉ xin tha cho vì chỉ mới chặt có mấy khúc gỗ hương rục. “Cha con tôi mới lần đầu vào rừng chặt gỗ, xin mấy chú tha cho. Thấy cả buôn đua nhau vào rừng chặt gỗ, chúng tôi đi theo thôi mà!”, ông K’sor Súp than thở. Thời gian gần đây, gỗ hương rục được các đầu nậu mua với giá 4.000 - 5.000 đồng/kg, vì thế cha con K’sor Súp cùng mọi người trong buôn đua nhau đi chặt hương rục về bán. Sau khi lấy lời khai, thu tang vật và bắt viết cam kết không phá rừng nữa, chúng tôi để cha con K’sor Súp về buôn.

Trên con đường mòn theo hướng Tây Bắc về huyện Krông Pa, đâu đâu cũng thấy những cây gỗ hương, căm xe bị đốn hạ nằm ngổn ngang lối đi. Gỗ hộp, gỗ ván, gỗ xẻ… đều có hết. Tiếp tục hành trình qua những công trường khai thác gỗ, đến tọa độ  0519352, 1437732, chúng tôi lại gặp 3 người dân xã Krông Năng đang phá rừng.  Phát hiện có tiếng người, Y Thu, Y Thanh và Y Wang nhanh chóng đem giấu cưa máy, can nhựa, rìu và lấy cơm ra ăn. Dù căn vặn thế nào, Y Thu cũng ngoan cố bảo 3 chú cháu đi lấy măng chứ không phải chặt gỗ. Thu hết rìu, cưa máy và can nhựa, chúng tôi bảo họ ra khỏi rừng. “Mỗi tháng chúng tôi đi tuần tra khu vực này khoảng 4 lần, nhưng không có lần nào về tay không. Phải ngăn chặn từ xa, nếu không chẳng bao lâu nữa họ sẽ xâm phạm đến khu bảo tồn của mình”, anh Tùng tâm sự.

Sau một ngày truy đuổi lâm tặc, chúng tôi hạ trại ở tọa độ 0520080, 1439496, nằm cách suối E Bát chừng 200m và tìm cây mắc võng trước khi trời tối. Chưa từng ngủ võng giữa rừng, tôi và 3 đồng nghiệp loay hoay mãi mới hoàn thành việc mắc võng, che bạt… Cử anh Tùng ở lại trông nom đồ đạc và canh chừng lâm tặc, cả đoàn mang thức ăn ra suối E Bát chế biến. Rau rừng, măng rừng, cà muối và thịt gà mang theo là thức ăn cho buổi tối. Dù nước suối E Bát đục như nước gạo, mọi người vẫn phải lấy nấu cơm và nước uống. “Bọn mình ăn uống nước suối quen rồi nên không hề gì. Nhà báo nào sợ nhịn đói nhé, kẻo đêm bị “tào tháo” đuổi đấy”, anh Định tếu táo hù chúng tôi. Mọi người đang cười vang, bỗng nghe tiếng anh Tùng gọi: “Lâm tặc chở gỗ đấy, anh em ơi mau lên”!

Cả đoàn chạy đến nơi, 3 chiếc xe máy chở gỗ cũng vừa bị anh Tùng chặn dừng. Trên xe có K’pôl Rin, K’pa Thiu và K’pool (ở Buôn Ban, xã Krông Năng), xe nào cũng chở khoảng ba tấc gỗ hương mới xẻ. Từ đầu tới đuôi, ba chiếc xe “độ chế” này chẳng giống chiếc xe nào tôi từng gặp: Bánh trước 4 nhún, bánh sau 8 nhún, bình xăng bằng can nhựa đựng nước, ba phanh và không biển số. “Họ phải độ chế như thế mới chạy được vào rừng chở gỗ. Năm nào khu bảo tồn cũng bắt được hàng trăm chiếc xe thế này”, anh Quang cho biết. Thu tang vật, lập biên bản xong, chúng tôi đi ăn tối. Bữa ăn tối trong rừng kết thúc chóng vánh khi những ngọn nến dần tắt và tôi có giấc ngủ đầu tiên giữa rừng bên cánh võng.

  • Tan nát rừng gỗ quý...

Sáng sớm ngày thứ hai, chúng tôi leo núi hơn 6km về khu rừng hương, rừng căm xe. Khu vực rừng hương, rừng căm xe, nằm tiếp giáp giữa tiểu khu 613, 616, 617 và 618 Khu BTTN Ea Sô với các dự án trồng rừng, trồng cao su của Công ty Tân Tiến, Công ty MDF và Hoàng Anh Gia Lai. Thời gian qua, lâm tặc thường xuyên vào đây đốn hạ hàng trăm mét khối gỗ hương, căm xe và đe dọa đến sự an toàn của những cánh rừng Khu BTTN Ea Sô. Trên con đường mòn lên đỉnh núi, chỗ nào cũng thấy gỗ hương, gỗ căm xe bị cưa xẻ. Những gốc hương, gốc căm xe còn lại cao khoảng 50cm, lâm tặc cũng không tha và đưa cưa máy khoét ruột. Có những cây gỗ hương, căm xe có đường kính 50-80cm vừa mới bị đốn hạ còn rỉ nhựa. Cứ thấy đường vào rừng là thấy gỗ bị đốn hạ nằm ngổn ngang, cảnh tượng chẳng gì một công trường xẻ gỗ. “Nghe đâu, họ bảo những cánh rừng này là rừng nghèo và tỉnh Gia Lai đã giao cho doanh nghiệp chuyển đổi trồng cao su. Nhưng chẳng lúc nào thấy chủ rừng xuất hiện. Còn Hạt Kiểm lâm Krông Pa ở xa quá nên bây giờ khu này gần như thành rừng vô chủ rồi”, anh Quang lo lắng. Nhiều gỗ quý thế này mà xếp vào rừng nghèo và chuyển đổi trồng cao su thì quả thật đáng tiếc…

Từ khu vực tiếp giáp tiểu khu 618, chúng tôi vượt qua suối E Bát về những khu rừng của huyện Krông Pa tiếp giáp với khu bảo tồn ở tiểu khu 613, 616 và 617. Nơi đây, cảnh tượng phá rừng còn khủng khiếp hơn. Không chặt tỉa và không chọn cây lớn, khu vực này bị san bằng cả cây nhỏ lẫn cây lớn. Gỗ quý không có cơ hội sống sót, gỗ tạp cũng bị vạ lây để mở đường cho gỗ quý về xuôi. Nhìn những cây gỗ vừa bị đốn hạ, anh Định ngậm ngùi: “Rừng vô chủ mất rồi!”. Bên này rừng đang bị chặt phá, bên kia doanh nghiệp đang trồng bạch đàn, trồng keo, chẳng bao lâu nữa lâm tặc sẽ dễ dàng vào khu bảo tồn. Khi chúng tôi có mặt ở đây, một đội kiểm lâm khác của khu bảo tồn cũng đang tuần tra dọc đường biên giáp với huyện Krông Pa. Họ thông báo rằng đã bắt gặp rất nhiều lâm tặc đang khai thác gỗ những khu rừng giáp ranh. Nghe tin đó, tôi chợt nghĩ về một ngày không xa nữa, những cánh rừng này sẽ biến mất và bạch đàn, keo, cao su… hay một cây gì khác sẽ được trồng lên thay thế (!)

Công Hoan


Bài 2: Giữa vòng vây lâm tặc

Ngoài việc phải chống chọi với lâm tặc tỉnh nhà, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô còn phải đối mặt với vòng vây xâm hại của lâm tặc tỉnh bạn. Từ đường bộ cho tới đường sông, lâm tặc tìm đủ mọi cách xâm nhập vào khu vực giáp ranh giữa khu bảo tồn với huyện Sông Hinh (Phú Yên) và Krông Pa (Gia Lai) đốn hạ gỗ quý.

  • Xâm nhập đường bộ...
Lâm tặc bỏ lại gỗ và bơi qua sônag Krông H’năng trốn thoát khi bị đoàn kiểm lâm phát hiện.

Lâm tặc bỏ lại gỗ và bơi qua sônag Krông H’năng trốn thoát khi bị đoàn kiểm lâm phát hiện.

Khi đoàn chúng tôi có mặt tại những khu rừng giáp ranh giữa Khu BTTN Ea Sô với Gia Lai, hàng trăm cây gỗ quý đã bị đốn hạ không thương tiếc và nguy cơ tấn công vào khu bảo tồn đã cận kề. Ông Lê Đắc Ý, Giám đốc Khu BTTN Ea Sô, cho biết: Thời gian qua, tại khu vực giáp ranh giữa khu bảo tồn với huyện Krông Pa, lâm tặc mượn danh nghĩa của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã dùng cưa máy, xe máy độ chế và các loại máy móc khác khai thác trên diện rộng, vận chuyển với khối lượng lớn các loại gỗ quý nhóm IIA (như: trắc, hương, cà te…) trái phép. Trong đợt kiểm tra gần đây nhất tại khu vực giáp ranh tại huyện Krông Pa, lực lượng kiểm lâm khu bảo tồn đã phát hiện hơn 30 cây gỗ hương với khối lượng trên 100m3 bị khai thác trái phép. Nhưng trên thực tế, khối lượng bị khai thác lớn gấp nhiều lần. “Đó là con số một đợt kiểm tra sơ bộ để báo cáo thôi, chứ gỗ quý khu vực này bị khai thác trái phép không đếm xuể đâu. Đây không phải địa bàn quản lý của khu bảo tồn, vì thế chúng tôi cũng không thể thống kê hết và chỉ kiểm tra từ xa để ngăn chặn lâm tặc xâm nhập khu bảo tồn mà thôi”, anh Lê Xuân Tùng, Đội phó Kiểm lâm cơ động nói.

Khu BTTN Ea Sô có đường biên giáp ranh với xã Ia Ré, Krông Năng (huyện Krông Pa) khoảng 30km đường rừng. Khu vực này có nhiều công ty đang thực hiện các dự án trồng rừng, trồng cao su như: Công ty Tân Tiến, Công ty MDF, Hoàng Anh Gia Lai… giáp tiểu khu 613, 616, 617 và 618 của khu bảo tồn. Lâm tặc từ huyện Krông Pa xâm nhập rừng giáp ranh khu bảo tồn phải qua địa phận quản lý của các doanh nghiệp nói trên. Sau đó, gỗ được chở về những xưởng cưa ở huyện Krông Pa chế biến và từ đây sẽ đi về huyện Phú Thiện và thị xã Ajunpa (Gia Lai) tiêu thụ.

Trong khi đó, trên đường biên giáp với huyện Krông Năng (Đắc Lắc), đang diễn ra những hoạt động săn bắn động vật hoang dã trái phép. Lâm tặc tỉnh nhà tuyên truyền cho nhau thông tin: “Khu BTTN Ea Sô cùng Ban quản lý rừng phòng hộ Krông Năng đã giải thể, việc săn bắn không còn bị ngăn cấm, có thể vào săn tự do”. Vì thế, lâm tặc từ huyện Krông Năng trang bị súng tự chế đua nhau vào khu bảo tồn săn bắn động vật hoang dã, đe dọa đến sự an nguy của quần thể bò tót nơi đây. Tại khu vực này, kiểm lâm khu bảo tồn đã bắt và thu giữ rất nhiều súng săn, sau đó đã bàn giao các đối tượng cùng tang vật cho Công an huyện Ea Kar xử lý.
Vận chuyển đường sông

Sau hai ngày lội bộ vùng giáp ranh Khu BTTN Ea Sô, chúng tôi trở lại ngã ba con đường lâm tặc vận chuyển gỗ nối sông Krông H’năng khi trời đã chập choạng tối. Cả đoàn đang chuẩn bị nghỉ chân uống nước để lấy sức vượt 4km chặng đường lau lách còn lại, chợt anh Lê Xuân Tùng chỉ tay về phía sông hô lớn: “Lâm tặc kìa”! Mọi người vừa chạy kịp đến bờ sông đã thấy nhóm lâm tặc vứt lại bốn khúc hương rục rồi bơi sang phía bờ bên kia của thôn Tân Lập, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh (Phú Yên). Qua hai ngày lội bộ, đoàn chúng tôi cũng không còn sức để bơi qua sông truy đuổi lâm tặc và đành để chúng chạy thoát. Khu BTTN Ea Sô có đường biên giáp huyện Sông Hinh khoảng 6km đường sông, lúc nào đi tuần tra cũng bắt gặp lâm tặc từ huyện Sông Hinh bơi qua sông Krông H’năng và len lỏi vào khu rừng giáp ranh chặt hạ gỗ quý.

Anh Phan Văn Quang, Trạm phó Trạm kiểm lâm số 5, vừa gom bốn khúc hương rục đốt vừa nói: “Bọn lâm tặc này ở thôn Tân Lập, cứ sáng sớm chúng vào đây chặt hương rục và chiều đến vận chuyển theo sông Krông H’năng về bến ông Hai Cả tiêu thụ. Nếu ông Hai Cả mua không được giá, chúng lại bán cho những đầu nậu khác trong xã”. Theo anh Quang, ông Hai Cả trước đây đã bị phạt tù ba năm về tội hành hung cán bộ kiểm lâm khu bảo tồn. Sau khi ra tù, ông ta lập bến đò tại khúc sông Krông H’năng đi qua xã Ia Ré và Krông Năng (huyện Krông Pa) để chuyên chở và tiêu thụ gỗ lậu. Mỗi chuyến đò vận chuyển gỗ, ông ta thu của lâm tặc từ 100.000 - 2.000.000 đồng. “Ông ta có cả đội quân theo dõi hành tung cán bộ kiểm lâm khu bảo tồn chúng tôi, vì thế, mỗi lần chúng tôi huy động lực lượng truy quét thì bến lại vắng tanh”, anh Quang chia sẻ.

  • Không phối hợp tuần tra

Trong vai người mua gỗ, chúng tôi về xã Ea Ly (huyện Sông Hinh, Phú Yên) để tìm hiểu hoạt động buôn bán gỗ lậu nơi đây. Đánh xe ô tô đi khắp xã Ea Ly, đâu đâu cũng thấy gỗ hương, căm xe chất đầy trong nhà dân. Ghé nhà ông T.H.P. (cách trạm kiểm lâm địa bàn huyện Sông Hinh chừng 100m), chúng tôi nhận được những lời mời chào vồn vã của chủ nhà: “Gỗ hương trăm phần trăm đó, các anh muốn mua bao nhiêu cũng có. Đây toàn gỗ xịn từ Gia Lai và Đắc Lắc mang về, không phải lo vấn đề chất lượng đâu”. Ngôi nhà xây hai gian không rộng lắm nhưng tất cả đồ đạc được xếp gọn vào góc nhà, dành chỗ để chứa những khúc gỗ hương mới đưa về. Cách sân nhà khoảng trăm mét, hai người đàn ông lực lưỡng đang xẻ những khúc gỗ quý đóng đồ  cho khách. Dẫn chúng tôi xem gỗ xong, ông P. hét giá: “Gỗ hương 35 triệu/m3, căm xe 25 triệu/m3, đó là giá mua tại đây. Nếu các anh muốn vận chuyển tận nơi phải trả thêm tiền vận chuyển 1 triệu đồng/m3”. Dọc con đường quốc lộ 29 chạy qua xã Ea Ly, chúng tôi đếm được khoảng 5 xưởng chế biến gỗ như thế.

Ông Lê Đắc Ý cho biết, trước đây Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô đã ký quy chế phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh và huyện Krông Pa để ngăn chặn lâm tặc từ hai địa phương này xâm nhập vùng giáp ranh khu bảo tồn. Nhưng hiện nay chỉ có lực lượng kiểm lâm của khu bảo tồn truy bắt lâm tặc vùng giáp ranh, còn không hiểu sao Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh và huyện Krông Pa lại không cử lực lượng tuần tra khu vực này. Quả là hai ngày theo chân kiểm lâm khu bảo tồn tuần tra ở khu vực giáp ranh với huyện Krông Pa và huyện Sông Hinh, chúng tôi cũng không hề gặp kiểm lâm hai huyện này, dù cho lâm tặc đang làm mưa, làm gió trong những cánh rừng của họ. Anh Phan Văn Quang bức xúc: “Ký quy chế phối hợp cho có thôi, chứ chưa lần nào đi tuần tra phối hợp cả. Vì sợ lâm tặc phá hết khu rừng này sẽ phá sang khu bảo tồn, chúng tôi phải tuần tra lấn sang đây”.  

Hồi tháng 3, khi phát hiện lâm tặc hành hoành khu vực rừng giáp ranh với huyện Krông Pa và huyện Sông Hinh, Khu BTTN Ea Sô đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Đắc Lắc có ý kiến với tỉnh Phú Yên và tỉnh Gia Lai phối hợp tuần tra, truy quét lâm tặc vùng giáp ranh. Nhưng từ đó đến nay vẫn chưa làm được, đây sẽ là cơ hội cho lâm tặc xâm nhập sâu, và Khu BTTN Ea Sô thật sự đang lâm nguy.

Bộ NN-PTNT chỉ đạo xử lý dứt điểm việc phá rừng tại Đắc Lắc

Bộ NN-PTNT vừa có công văn yêu cầu UBND tỉnh Đắc Lắc xử lý việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Theo đó, bộ yêu cầu tỉnh phải kiên quyết xử lý dứt điểm các điểm nóng về phá rừng; lấn chiếm, mua bán, sang nhượng đất rừng; khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến gỗ trái pháp luật. Phải tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi diện tích đất rừng bị phá, lấn chiếm trái phép tại các địa bàn trọng điểm giao lại cho chủ rừng để phục hồi lại rừng. Được biết, trong 8 tháng đầu năm nay, Đắc Lắc phát hiện 1.349 vụ xâm hại rừng, trong đó phá rừng trái phép đã làm mất 235ha rừng.


CÔNG HOAN 

Tin cùng chuyên mục