Khu công nghệ cao TPHCM mất dần tính hấp dẫn

Ban quản lý Khu công nghệ cao (CNC) TPHCM (SHTP) vừa tổ chức hội nghị “Đánh giá 10 năm công tác xúc tiến đầu tư và hoạt động doanh nghiệp tại SHTP”. Với nhiều ý kiến đóng góp, các chuyên gia cho rằng để thu hút đầu tư vào SHTP, thành phố cần có thêm nhiều chính sách khác biệt vì hiện nay cách thu hút đầu tư của SHTP không khác mấy so với các KCX-KCN trên địa bàn thành phố và các khu vực lân cận.
Khu công nghệ cao TPHCM mất dần tính hấp dẫn

Ban quản lý Khu công nghệ cao (CNC) TPHCM (SHTP) vừa tổ chức hội nghị “Đánh giá 10 năm công tác xúc tiến đầu tư và hoạt động doanh nghiệp tại SHTP”. Với nhiều ý kiến đóng góp, các chuyên gia cho rằng để thu hút đầu tư vào SHTP, thành phố cần có thêm nhiều chính sách khác biệt vì hiện nay cách thu hút đầu tư của SHTP không khác mấy so với các KCX-KCN trên địa bàn thành phố và các khu vực lân cận.

Doanh nghiệp so bì

Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn thiếu và yếu, nhiều chính sách được cho là ưu đãi dành cho doanh nghiệp CNC nhưng những nơi khác đã áp dụng. Cần phải có cơ chế thật sự khác biệt, để thu hút các nguồn lực về Khu CNC

Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Văn Lạng

Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Quản lý SHTP cho biết, đến nay có 61 dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn 2,056 tỷ USD. Trong đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có 29 dự án với tổng vốn 1.675 triệu USD, chiếm 82% tổng vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp thành phố. Đặc biệt, SHTP đã cấp phép cho nhiều công ty đến từ các quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Nhật, Italia… Giá trị sản xuất trong năm 2011 đạt hơn 1.000 triệu USD, riêng nhà máy Intel (Mỹ) đạt 450 triệu USD (chiếm 45%)…

Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trong cùng một khu CNC nhưng “thủ tục” của mỗi doanh nghiệp một khác, nên doanh nghiệp so bì với nhau. Ông Trần Tiến Phát (Công ty TNHH Datalogic Scanning VN), cho rằng: “Intel khai báo hải quan hoàn toàn là hải quan điện tử. Câu hỏi tôi đưa ra: Khi nào các công ty khác được thông quan điện tử như Intel? Nói điều này vì tôi mong đợi ở đây chỉ có một chính sách cho tất cả các nhà đầu tư, không nên phân biệt “đại gia” và “tiểu gia”(!)”.

Dây chuyền sản xuất thuốc một doanh nghiệp trong SHTP.

Dây chuyền sản xuất thuốc một doanh nghiệp trong SHTP.

Với Công ty TNHH Datalogic Scanning VN, vấn đề còn nằm ở chuỗi cung ứng vật tư thiết bị, ông Trần Tiến Phát giải thích: “Mọi người đều biết rằng hơn 90% vật tư nguyên liệu dùng trong dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp FDI hiện nay là nhập khẩu; các doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ có thể cung cấp được một ít linh kiện nhựa, kim loại và vật tư cho bao bì đóng gói. Thậm chí ngay bên cạnh nhà máy của chúng tôi là các nhà cung cấp cùng chủng loại mà chúng tôi cần nhưng khi chúng tôi xin báo giá thì họ ra giá cao hơn giá chúng tôi nhập khẩu từ các nước khác”.

Ông Trần Tiến Phát đặt thêm câu hỏi: “Có thể làm gì để thúc đẩy việc phát triển chuỗi cung ứng nội địa? Chúng tôi cần hành động cụ thể từ lãnh đạo TPHCM và Chính phủ”.

Mất dần tính cạnh tranh

Thứ trưởng Bộ KH-CN, Nguyễn Văn Lạng cho rằng, khu CNC hiện tại không khác nhiều so với các khu công nghiệp, khu chế xuất bình thường khác. Các thủ tục hành chính hiện còn rườm rà. Quyết toán thuế còn mất khá nhiều thời gian. Đặc biệt, việc thực hiện khai báo hải quan điện tử vẫn còn “phân biệt” giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ... khiến SHTP mất dần tính hấp dẫn thu hút đầu tư.

Với thủ tục hải quan, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Cục phó Cục Hải quan TPHCM, lý giải: Điểm yếu lớn nhất của doanh nghiệp là thiếu gắn kết với các đơn vị quản lý nhà nước, đặc biệt là các sở, ngành có liên quan trực tiếp đến việc kinh doanh, từ đó dẫn đến khó nắm bắt các thủ tục, quy định của Nhà nước. Đối với các doanh nghiệp trong SHTP, việc đăng ký và được cấp phép trở thành doanh nghiệp ưu tiên không quá khó. Doanh nghiệp cần chủ động liên lạc với hải quan để giải quyết vấn đề này.

Mất dần tính cạnh tranh còn thể hiện khá rõ qua ý kiến của ông Lê Trọng Hiếu, quản lý cấp cao của Công ty TNHH CB Richard Ellis Việt Nam: Lấy Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore làm ví dụ, hiện tại họ có đến 5 khu công nghiệp tại 4 tỉnh trên cả nước. Thực tế cho thấy sự phát triển của họ dựa khá nhiều vào mức đầu tư của các doanh nghiệp cũ (chỉ khoảng 20% doanh nghiệp mới đăng ký mỗi năm), nhờ mức hậu đãi và chăm sóc doanh nghiệp của người quản lý khu công nghiệp này. Đây là cách làm SHTP cần học hỏi. Ngoài ra, cần thực hiện chế độ miễn giảm thuế TNCN dành cho người lao động trong SHTP, như vậy mới tạo ra sự khác biệt, dễ dàng thu hút nhân tài.

PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP, cho rằng những ý kiến mà các đại biểu góp ý và chia sẻ thật sự khiến ban quản lý phải nhìn nhận lại mình sau 10 năm SHTP đi vào hoạt động. Bên cạnh khả năng thu hút nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật cũng là yếu tố mà ban quản lý khu cần phải phát triển trong thời gian tới, nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào SHTP. Trước mắt, ban quản lý sẽ đề ra các chế độ ưu đãi ngoài các quy định hiện hành nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp đang hoạt động. Bên cạnh đó, sẽ kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 1/3 kinh phí cho khu CNC bởi hầu hết kinh phí SHTP đang sử dụng lấy từ nguồn thành phố. Đồng thời, lên kế hoạch dài hạn hỗ trợ để các doanh nghiệp nội địa phát triển. “Phải thay đổi cách làm, để SHTP không phải là nơi lắp ráp CNC mà phải tạo ra được giá trị gia tăng trong từng sản phẩm”, PGS-TS Lê Hoài Quốc nhấn mạnh.


Bá Tân - Tường Hân

Tin cùng chuyên mục