Khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Long An: Quy hoạch tràn lan rồi bỏ hoang!

Khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Long An: Quy hoạch tràn lan rồi bỏ hoang!

Một tỉnh nằm chếch về miền Tây Nam bộ “quê em hai mùa mưa nắng” với đủ ngọt, phèn, chua, mặn nhưng có lẽ vì sát nách TPHCM nên tốc độ quy hoạch phát triển công nghiệp Long An nhanh đến nỗi các tỉnh miền Tây phải trầm trồ thán phục. Tuy nhiên, trên thực tế đã phát sinh vấn đề về thời gian thực hiện dự án. Có nhiều hộ nông dân trong vùng quy hoạch phải ngồi chờ đền bù giải tỏa, còn đất thì bỏ hoang…

Công nghiệp: trăm hoa đua nở!

Tính đến cuối năm 2007, tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp của Long An lên đến gần 13.900ha với 62 khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN)! Con số này quá sức tưởng tượng, nhiều hơn cả diện tích đất dành cho công nghiệp của hai địa phương thuộc hàng đầu cả nước về công nghiệp là TPHCM và Đồng Nai cộng lại. Tại TPHCM hiện có 3 khu chế xuất và 12 KCN với tổng diện tích là 2.354ha. Đồng Nai đã hình thành được 15 KCN với tổng diện tích là 4.751ha trong tổng diện tích đất quy hoạch KCN là 8.121ha.

Khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Long An: Quy hoạch tràn lan rồi bỏ hoang! ảnh 1

Cụm công nghiệp Hải Sơn 6, tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An vẫn mênh mông ruộng lúa.

Vậy việc khai thác ra sao? Trong 16 KCN tổng diện tích 6.906,9ha, tính đến 6 tháng đầu năm 2008, theo nhận định của Thanh tra Chính phủ: “Tỷ lệ lấp đầy, cho thuê đất rất thấp, kể cả các KCN đã được Thủ tướng chấp nhận thành lập.

Duy nhất có dự án KCN Đức Hòa 1 là lấp đầy nhưng thực tế cũng chưa xây dựng hết diện tích đất công nghiệp. Chỉ có 3 dự án đã lấp đầy trên 60% diện tích là Tân Đức giai đoạn 1, Đức Hòa 1 giai đoạn 1 và Thuận Đạo giai đoạn 1”. Tất nhiên sự khó khăn này tăng lên gấp bội từ khi suy thoái kinh tế xảy ra.

Ông Mai Văn Nhiêu, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Long An minh chứng: Dự kiến trong năm 2008 sẽ có 25 dự án đầu tư triển khai nhưng đến cuối tháng 11 còn đến 9 dự án chưa có dấu hiệu triển khai, trong đó có những dự án bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, đặc biệt các nhà đầu tư đến từ khu vực châu Âu! Còn CCN, trong 6.985ha diện tích được tỉnh chấp thuận triển khai theo quy hoạch, chỉ mới thu hồi và đưa vào sử dụng được 607ha (đạt 8,7%), trong đó mới chỉ lấp đầy khoảng 240ha.

Ở Long An, việc tìm ra những dự án KCN, CCN chỉ có “vỏ” chứ không có “ruột” dễ ợt. Chẳng hạn KCN Tân Đức giai đoạn 2 rộng 293ha, được UBND tỉnh Long An cho phép đầu tư từ ngày 5-2-2002, đồng thời có quyết định thu hồi tổng thể để bồi thường cho các hộ dân. 6 năm trôi qua, theo báo cáo của UBND huyện Đức Hòa chủ đầu tư đền bù được 233,8ha nhưng mới san lấp được khoảng… 70ha! Hoặc dự án do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng KCN Sài Gòn - Long An, diện tích gần 186ha, văn bản pháp lý cho phép giai đoạn 1 tháng 3-2002, rồi giai đoạn 2 năm 2004 nhưng đến nay cũng chỉ dừng lại là triển khai san lấp mặt bằng và thi công đường sá!?

Giao đất tùy tiện, hậu quả khôn lường!

Tuy nhiên, trường hợp cụm công nghiệp Hải Sơn - do Công ty TNHH Hải Sơn làm chủ đầu tư – thực sự là một ví dụ điển hình. Sự hiện diện của Công ty TNHH Hải Sơn (gọi tắt Hải Sơn) tại xã Đức Hòa Hạ vào tháng 3-2003, khi UBND tỉnh Long An phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đất 41ha tại ấp Bình Tiền 2 để đầu tư hạ tầng CCN. Từ một dự án nhỏ bé ban đầu, đến nay, tổng cộng diện tích đất mà UBND tỉnh Long An đã chấp thuận cho Hải Sơn đầu tư làm hạ tầng CCN là 855ha. Hải Sơn đã đầu tư như thế nào?

Theo thông tin của UBND huyện Đức Hòa, tại cụm công nghiệp Hải Sơn giai đoạn 1 (41ha) về cơ bản đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, có 15 doanh nghiệp đi vào đầu tư lấp kín dự án. Đối với giai đoạn 2 diện tích 76ha, hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, chủ đầu tư tiếp nhận 35 doanh nghiệp vào đầu tư với 90% diện tích đã đăng ký, nhưng chỉ có 10 doanh nghiệp đi vào hoạt động.

Theo điều tra của phóng viên, hiện tại vẫn còn 2 hộ chưa chấp thuận di dời mà theo giải thích của ông Nguyễn Tuyển Bình, Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Hạ là “do khu tái định cư làm quá chậm”. Tại Hải Sơn giai đoạn 3, hiện nay chỉ là vùng ruộng phèn lác đác vài cây mía cùng với nhiều dãy hoa mua nở tím ngắt, chủ đầu tư chưa có dấu hiệu gì làm hạ tầng. Kế bên đó là Hải Sơn 4 với diện tích 140ha thì đang lập quy hoạch. Còn dự án đầu tư hạ tầng CCN tại xã Đức Hòa Đông cũng “đang triển khai đo đạc và lập quy hoạch chi tiết” - theo lời Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa Phan Văn Liêm.

Sự dang dở tiếp nối tại dự án thứ 6 tại xã Long Thượng, Cần Giuộc. Một cán bộ của UBND xã Long Thượng cho biết, dự án ảnh hưởng đến 403 hộ dân, trong đó phần lớn bị di dời nhưng chủ đầu tư chỉ bố trí có 212 lô tái định cư nên phải điều chỉnh để tăng nền tái định cư. Hiện tại dự án vẫn là đất lúa mênh mông. Tuy nhiên, đã có một số người là “nạn nhân” của dự án vì đã nhận tiền đền bù rồi tiêu sạch, nay trở thành trắng tay như trường hợp chị T.T.M. Nhà đất của chị nằm trong diện giải tỏa trắng, được đền bù hơn 200 triệu đồng và có nền tái định cư. Vì nhà đông con, không có nghề nghiệp ổn định nên số tiền đó đã đội nón ra đi, rồi chị lại bán tiếp nền tái định trên giấy để chi tiêu!!!

Từ câu chuyện của Hải Sơn, có thể thấy rằng chủ trương phát triển công nghiệp của tỉnh Long An là quá dễ dãi, không cân nhắc đến năng lực tài chính, năng lực quản lý thực sự của chủ đầu tư cũng như khả năng thu hút đầu tư (đầu ra) trên địa bàn.

Đất quy hoạch làm công nghiệp của Long An rải 6 huyện: Thủ Thừa, Cần Đước, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Tân Trụ. Cỗ xe công nghiệp đang lê bánh ì ạch dẫn tới đời sống người dân bị tác động khá mạnh. Khi chấp thuận chủ trương quy hoạch và triển khai quy hoạch dễ dãi, chính quyền đã tạo ra những hệ lụy: Dự án triển khai chậm (do chủ đầu tư không đủ năng lực) thì đất bị bỏ hoang, người dân thất nghiệp, cuộc sống việc làm không ổân định; nhận tiền đền bù mà không có nghề nghiệp căn bản thì rất dễ trắng tay. Đáng nói hơn, đó là “kẽ hở” để một số nhà đầu tư lợi dụng xí đất để bán dự án… Cứ thế, đất đai tuy quy hoạch làm công nghiệp phủ khắp nhưng thực tế là đang tạo ra một kiểu hoang hóa mới… 

LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục