Khu dân cư mới thiếu hạ tầng kỹ thuật, xã hội

Ngày 7-1, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý kiến cho đề tài nghiên cứu “Các vấn đề, nguyên nhân và giải pháp trong đầu tư xây dựng các khu dân cư mới trên địa bàn TPHCM”.
Khu dân cư mới thiếu hạ tầng kỹ thuật, xã hội

Qua các ý kiến tham dự hội thảo cho thấy, hiện nay tại các khu dân cư mới (KDCM) thiếu thốn hạ tầng xã hội, kỹ thuật, trở nên quá tải không theo kịp sự phát triển bùng nổ của đô thị.

Theo Thạc sĩ Phạm Trần Hải, chủ nhiệm đề tài, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc phát triển KDCM bị hạn chế, đầu tiên là chương trình phát triển đô thị TPHCM chưa được xây dựng và ban hành để làm cơ sở cho việc quản lý phát triển hệ thống KDCM đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung và quá trình phát triển đô thị nói chung.

Thứ hai, trách nhiệm các bên liên quan chưa được phân định rõ ở các bước đầu tiên trong vòng đời của một dự án KDCM, gồm: chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư.

Thứ ba, bất cập trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng: việc thẩm định và phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1:500 của các dự án KDCM chưa xem xét, đánh giá toàn diện các tác động của dự án KDCM đến hệ thống kết cấu hạ tầng của khu vực xung quanh.

Qua thống kê, từ năm 1993 - 2018, TP có hơn 770 dự án khu KDCM, lan tỏa khắp 24 quận huyện với tổng diện tích 5.673ha, thu hút hơn 2 triệu người đến sinh sống.

Phân tích các dữ liệu cho thấy, khu vực nội thành phát triển nhiều nhất với 492 dự án, đứng tiếp theo là khu vực phía Đông với 352 dự án, ít nhất là phía Bắc.

Đánh giá sơ bộ, sự tập trung các dự án KDCM, nhìn chung, khá trùng khớp so với định hướng phát triển không gian của TPHCM trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, giai đoạn 2010-2017 có sự khác biệt, việc tập trung đáng kể (về số lượng và diện tích) các dự án KDCM tại khu vực trung tâm (26,8% về số lượng và 8,1% về diện tích) là chưa phù hợp với định hướng “đa cực” được nêu tại Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025.

Mặt khác, số lượng dự án KDCM có vị trí tại các khu vực có cao độ thấp, khu vực có nguy cơ ngập nước là khá đáng kể. Các dự án KDCM thường nằm khá gần các tuyến giao thông chính theo quy hoạch đến năm 2020, vì phần lớn các tuyến giao thông này vẫn chưa hình thành nên gây áp lực nặng nề lên hệ thống giao thông hiện hữu.

Sau khi nghe góp ý của các đại biểu tham dự hội nghị, ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nhận xét, quy hoạch phải đảm bảo nguồn lực để thực hiện nhưng lâu nay quy hoạch theo ước mơ nhiều hơn vì khả năng không có nên mới treo, người dân thưa kiện vì treo rất nhiều, khu đô thị Sing - Việt thuộc huyện Bình Chánh bị treo rất lâu làm đại biểu Quốc hội TP “rất khổ sở”.

Thực tế cho thấy, pháp lý được ban hành rất chặt nhưng giám sát thực hiện chưa tốt; ở các nước thì xây dựng hạ tầng trước rồi mới xây dựng nhà ở, còn chúng ta xây dựng nhà ở trước bán lấy tiền rồi xây dựng đường sá sau, dẫn đến hạ tầng để lại không đảm bảo. Một số nơi, khâu bàn giao hạ tầng được nghiệm thu rất sơ sài, khi dân đến ở bắt đầu xì cống, xì nước, kẹt xe, ngập nước… Lúc đó báo quận huyện thì không có nguồn lực để sửa chữa, còn chủ đầu tư đã bàn giao và đi nơi khác.

“Tôi đã là nạn nhân trong khu vực như vậy. Đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp tục bổ sung thêm để chỉnh sửa hoàn thiện báo cáo để trình Thành ủy, UBND TP”, ông Trần Hoàng Ngân nói.

Tin cùng chuyên mục