Ít ai biết rằng, trên quê hương Quảng Nam – mảnh đất anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm có một đặc khu: Khu kháng chiến Hạ Lào trên đất Quảng (đóng tại xã Tam Dân, nay là xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh). Thời kháng Pháp, phía Tây dãy Trường Sơn là chiến trường Hạ Lào ác liệt; phía Đông là Khu kháng chiến Hạ Lào trên đất Quảng Nam vừa làm hậu phương vừa làm nơi huấn luyện quân sự, chính trị… để chi viện cho chiến trường Hạ Lào.
Tháng 2-1949, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông cử đồng chí Khăm-tày-xi-phăng-đon (đại diện Chính phủ Lào) và đồng chí Xỉ-thôn-com-ma-đăm (Chỉ huy trưởng Quân khu Hạ Lào) vượt dãy Trường Sơn sang Việt Nam gặp đồng chí Phạm Văn Đồng trao công hàm, đề nghị Chính phủ Việt Nam giúp đỡ Lào thành lập khu kháng chiến Hạ Lào. Ngay sau đó, Khu kháng chiến Hạ Lào tại Quảng Nam được thành lập do đồng chí Xỉ-thôn-com-ma-đăm làm Khu trưởng, đồng chí Xổm-man-nô-viêng và đồng chí Đoàn Huyên làm Phó Trưởng khu. Trụ sở của Khu kháng chiến Hạ Lào là ngôi nhà cổ khang trang của ông Nguyễn Soạn (thôn Thạnh Đức xã Tam Dân, nay thuộc địa bàn xã Tam Vinh).
Từ đó, xã Tam Dân được coi như hậu cứ, căn cứ đứng chân cho chiến trường Hạ Lào với nhiệm vụ tiếp nhận, viện trợ vũ khí, quân trang quân dụng, trực tiếp huấn luyện quân sự, chính trị, cung cấp chuyên gia quân sự, giúp các đơn vị quân đội Việt Nam và Lào hoạt động trên chiến trường Hạ Lào. Đây cũng là “thao trường” để bộ đội 2 nước tập trung về học tập, huấn luyện quân sự.
Trong suốt thời gian từ 1948 đến 1951, tại đây thường xuyên có nhiều hoạt động như đào giao thông hào, địa đạo tập luyện chiến đấu, học tập chính trị, quân sự, học tiếng Lào, tiếng Việt. Mỗi đợt huấn luyện có trên 600 chiến sĩ của Lào, được nhân dân xã Tam Dân cho cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt.
Đặc biệt, trong Chiến dịch xuân hè 1954, Quảng Nam đã cung cấp nhân lực, vật lực giúp nước bạn Lào kháng Pháp. Xã Tam Dân nói riêng, các địa phương khác nói chung của tỉnh Quảng Nam trở thành căn cứ địa cách mạng, hậu cứ vững chắc nhằm huấn luyện quân sự, chi viện sức người, sức của cho chiến trường Hạ Lào và sau này cho cả Đông Bắc Campuchia.
Quảng Nam còn chi viện cán bộ, công nhân, bộ đội, dân công hỏa tuyến, lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ không chỉ quân đội mà còn cho nhân dân nước bạn Lào. Không những thế, xã Tam Dân trở thành nơi đi lại, ăn ở, học tập, chữa bệnh, điều dưỡng (Bệnh viện Quân y tại Ao Lầy và Bệnh viện tỉnh - Cây Sanh) của cán bộ chiến sĩ, thương bệnh binh từ chiến trường Hạ Lào.
Hòa bình lập lại, những cựu chiến binh đã từng sống, huấn luyện ở Khu kháng chiến hạ Lào tại Quảng Nam cũng như lãnh đạo Chính phủ Lào nhiều lần trở lại thăm chiến khu xưa.
Với giá trị khoa học lịch sử đặc biệt, tình hữu nghị thủy chung hai nước Việt – Lào, ngày 9-8-1999, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định bảo vệ di tích và cơ quan chuyên môn Khu kháng chiến Hạ Lào tại xã Tam Dân (nay là xã Tam Vinh) đồng thời cho xây dựng bia tưởng niệm đối với di tích lịch sử này. Đến tháng 8-2011, di tích này được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích cấp quốc gia. Đây không chỉ là di tích lịch sử mà còn là “mốc son” của tình hữu nghị Lào – Việt, nơi giáo giục truyền thống cho thế hệ trẻ hai nước Lào – Việt.
Nguyên Khôi