Khu kinh tế mở (KKTM) Chu Lai (Quảng Nam) được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực miền Trung. Thế nhưng, sau hơn 10 năm hình thành, KKTM này đã bộc lộ nhiều yếu kém và gây không ít bức xúc cho hàng chục ngàn hộ dân do cuộc sống của họ bị ảnh hưởng.
Chủ trương lớn
Ngày 5-6-2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập KKTM Chu Lai và là một trong 5 nhóm khu kinh tế trọng điểm quốc gia, có tổng diện tích tự nhiên hơn 32.400ha, gồm 16 xã, phường, thị trấn của huyện Núi Thành và thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam). Có thể nói, tại thời điểm đó tỉnh Quảng Nam đã dồn tất cả tâm huyết, tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện. Nằm giữa vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, KKTM Chu Lai nối kết với thành phố Đà Nẵng, khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc và Khu công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất - Quảng Ngãi sẽ phát triển thành một chuỗi đô thị có khả năng phát triển kinh tế cao để tạo thế hài hòa trong chiến lược phát triển các vùng lãnh thổ của cả 3 vùng Bắc, Trung, Nam, là cửa ngõ cho vùng Tây nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và tiểu vùng sông Mêkông thông ra với thế giới bên ngoài.
Dân “kêu trời”
Những ngày đầu năm mới, khi đến tìm hiểu đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi KKTM Chu Lai, chúng tôi thật sự cảm thông với những bức xúc của người dân nơi đây. Bởi theo phản ánh, tình trạng quy hoạch “treo” kéo dài hàng chục năm qua đã đẩy đời sống của họ vào vô vàn khốn khó. Ông Nguyễn Văn Phát (thôn Vĩnh Đại, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành), bức xúc: “Làm gì thì làm nhanh, chứ cái kiểu quy hoạch rồi để đó thì dân sống sao nỗi. Nhà cửa hư hỏng không được sữa. Con cái đến khi lập gia đình cũng không được làm nhà để ở. Hàng chục con người phải sống chen chúc trong ngôi nhà mục nát thì ai chịu cho thấu”.
Còn bà Nguyễn Thị Thu (thôn Đại Phú, xã Tam Hiệp) than thở: “Trước đây, nhà có hơn 2 sào ruộng, canh tác 2 mùa lúa cũng đủ cái ăn cho gia đình 5 người. Thế nhưng từ ngày đất ruộng bị thu hồi thì chồng tôi phải đi làm thuê tận huyện miền núi Nam Trà Mi. Bản thân tôi hàng ngày phải tận dụng những rẻo đất quanh các xí nghiệp, nhà máy trong KKTM Chu Lai để trồng rau, bán mua gạo đắp đổi qua ngày. Cuộc sống khốn khó nên 2 đứa con đầu phải bỏ học giữa chừng”.
Những hộ dân nằm trong vùng quy hoạch “treo” khổ đã đành, đằng này những hộ đã được đền bù, di dời đến nơi ở mới cũng chẳng khá hơn là bao. Ông Nguyễn Văn Đành, nhà ở khu tái định cư Mỹ Bình, cho biết: Từ ngày giải tỏa, giao đất cho Ban Quản lý KKTM Chu Lai, gia đình ông cùng với gần 100 hộ dân khác chuyển vào khu tái định cư này sinh sống đến nay đã hơn 9 năm. Đó cũng chính là thời gian cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đất sản xuất không có, lại phải sống sát bên những nhà máy nên hứng chịu ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Điều khó hiểu là ngay trong một thôn, thậm chí chỉ cách nhau con đường bê tông rộng chưa đầy 2m thì một bên đã được đền bù, giải tỏa, di dời đi nơi khác. Một bên phải “nằm lại” gánh chịu bao nỗi bức xúc.
Chỉ tay về phía trước mặt nhà, bà Đoàn Thị Nữ (tổ 7, thôn Đại Phú), nói: “Mấy chú thấy đó, nhà họ cách nhà tôi có mấy mét mà đã được di dời cả năm nay rồi. Còn hàng chục gia đình chúng tôi bên này đã làm đơn gửi khắp các nơi, đề nghị được đền bù để đi nơi khác mà chẳng thấy hồi âm. Gặp bọn trộm lộng hành, chúng tôi mua gạch về xây cái cổng thì cũng bị ngăn cấm. Không những thế, từ ngày Công ty kính nổi Chu Lai chở bột cao su về tập kết ở khu vực này thì bao nhiêu bụi cao su theo gió thổi thẳng vào nhà. Ngày nào cũng hít thứ bụi này thì chắc chết sớm”.
Vướng cơ chế?
Phải thừa nhận rằng, từ khi KKTM Chu Lai ra đời đến nay đã mang lại một số kết quả nhất định. Tính đến nay, KKTM này đã thu hút được 92 dự án đầu tư với số vốn đăng ký gần 1,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, trong tổng số 92 dự án đăng ký đầu tư thì chưa đến 10 dự án hoàn thiện và đi vào hoạt động hoàn chỉnh, còn lại đang triển khai cầm chừng hoặc bỏ đất trống. Thậm chí, trong năm 2013, có 3 dự án bị rút giấy phép đầu tư vì không chịu triển khai thực hiện trong nhiều năm.
Trở lại vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư thì trong tổng số 32.400ha cho đến nay mới tiến hành thu hồi, bồi thường được trên 2.100ha (chiếm chưa đến 6,5%). Tổng số hộ bị ảnh hưởng là 24.268 hộ, nhưng cũng chỉ mới bố trí tái định cư được 2.870 hộ (chiếm 11,8%). Điều này cũng đồng nghĩa với việc hơn 21.000 hộ dân đang phải sống trong tình cảnh “đi chẳng được, ở chẳng xong”.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó ban Quản lý KKTM Chu Lai, thừa nhận, mặc dù đạt được những kết quả bước đầu, song so với những lợi thế về vị trí địa lý của KKTM Chu Lai thì những kết quả đạt được còn khiêm tốn và chưa thực hiện được mục tiêu mà Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ đề ra ban đầu. Nguyên nhân theo ông Quang chủ yếu do cơ chế tài chính cho KKTM Chu Lai thời gian qua không ổn định và không đáp ứng yêu cầu vốn đầu tư. Bởi theo tinh thần Quyết định số 108/2003/QĐ-TTg thì ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho KKTM Chu Lai tương ứng với 100% số thu phát sinh trên địa bàn KKTM trong 10 năm đầu và 50% trong 10 năm tiếp theo.
Tuy nhiên cơ chế này chỉ được thực hiện trong thời gian ngắn, đến khi Chính phủ ban hành Quyết định 185/2003/QĐ-TTg ngày 10-9-2003 bãi bỏ cơ chế này trên toàn quốc, kể cả đối với KKTM Chu Lai và chuyển sang cơ chế cấp phát ngân sách theo danh mục đầu tư được phê duyệt và tiến độ thực hiện dự án thì nguồn vốn ngân sách bị giảm đột ngột, từ 400 đến 500 tỷ đồng mỗi năm, xuống còn khoảng vài chục tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, cơ chế ưu đãi đầu tư chưa thật sự hấp dẫn và thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược; thiếu dự án động lực có tính chất lan tỏa, kích thích các dự án khác cùng triển khai hay kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội còn nhiều yếu kém, chưa đảm bảo cho phát triển… cũng là nguyên nhân khiến khu kinh tế trọng điểm này bỏ đất trống quá nhiều.
NGUYỄN HÙNG