Khuất tất ở chợ tự phát Căn cứ 26

Chợ Căn cứ 26 (phường 17, quận Gò Vấp, TPHCM) đã hoạt động từ nhiều năm nay, dù chính quyền đã có quyết định giải tỏa trắng nhưng không có chuyển biến. Thậm chí, vài năm nay lại có việc cho tiểu thương thuê sạp không khác gì chợ truyền thống.
Khuất tất ở chợ tự phát Căn cứ 26

Chợ Căn cứ 26 (phường 17, quận Gò Vấp, TPHCM) đã hoạt động từ nhiều năm nay, dù chính quyền đã có quyết định giải tỏa trắng nhưng không có chuyển biến. Thậm chí, vài năm nay lại có việc cho tiểu thương thuê sạp không khác gì chợ truyền thống.

Cho thuê sạp bán giữa ngã ba đường

Vào hẻm 113 đường Lê Đức Thọ, dưới tấm biển “Nhân dân khu phố 13 quyết tâm xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” là chợ tự phát Căn cứ 26. Chợ chiếm trọn con hẻm và còn ăn ra các hẻm nhánh (thuộc khu phố 12, 13 của phường 17, quận Gò Vấp). Chợ tự phát này hoạt động nhộn nhịp suốt từ 6 giờ đến 19 giờ mỗi ngày, bán rất nhiều mặt hàng. Gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, cư dân trong hẻm 113 cho biết, chợ tự phát Căn cứ 26 hoạt động như chợ truyền thống, gây ô nhiễm và mất an ninh trong khu dân cư. Tuy không có ban quản lý chợ nhưng các khu đất công cộng là ngã ba đường vẫn được bảo vệ khu phố 12 là ông Thắng và bảo vệ khu phố 13 là ông Nam chia ra để cho thuê. Sau nhiều ngày đi ghi nhận thực tế, chúng tôi thấy chợ Căn cứ 26 chiếm 5 ngã ba và điểm ngã ba nào cũng đã có chủ, họ cho tiểu thương thuê lại kiếm tiền phí chợ. Thậm chí ngã ba số 5 là chốt bảo vệ dân phố cũng được cho thuê xung quanh để bán tôm, cá, rau và cả chim, gà sống vặt lông tại chỗ, vòi nước được câu ra từ… chốt này.

Vào vai một người đi thuê điểm bán hàng, chúng tôi gặp ông Nam. Ông Nam gọi một phụ nữ tên Mai lại để giao dịch với chúng tôi. Bà Mai cho biết xung quanh đã cho thuê hết, bây giờ chỉ còn điểm trước cửa chốt bảo vệ dân phố, nhưng chỉ cho thuê để trưng bày hàng tiếp thị, mỗi buổi 50.000 đồng. Chúng tôi hỏi về chỗ ngồi tại các ngã ba khác, bà Mai bảo đều đã có chủ. Dạo một vòng, xuống ngã ba số 4, chúng tôi ngỏ ý muốn ngồi bán tại một điểm còn trống thì được các hộ kinh doanh cho biết ở đây người ta “xí phần” hết rồi. Chị D. nói: “Tụi tôi thuê chỗ này mấy năm nay, giá 1,8 triệu đồng/tháng, chứ có phải chỗ công cộng đâu mà muốn ngồi thì ngồi”. Chúng tôi hỏi thuê của ai thì chị D.cho biết “thuê của bảo vệ khu phố, giờ muốn ngồi thì phải bỏ tiền ra thuê lại”. Vừa nói, chị D.vừa chỉ bà N. và bảo chúng tôi ra đó thương lượng vì mấy sạp này là của bà ấy. Bà N.ra giá 100.000 đồng thuê bán buổi sáng, 150.000 đồng thuê bán buổi chiều. Chúng tôi hỏi sạp này có bán sang tên không, thì bà N.nói: “Đất của Nhà nước sao sang tên được, tụi này chỉ thỏa thuận với mấy ông ở tổ bảo vệ khu phố để buôn bán thôi!”.

Xung quanh chốt bảo vệ dân phố tại ngã ba số 5 đều đã cho thuê bán dưới lòng đường

Lui về phía ngã ba số 1 và 2 thì giá rẻ hơn, 1,5 triệu đồng/tháng, thuê lại theo ngày thì 70.000 đồng/buổi, khu này do ông Thắng, bảo vệ khu phố 12 quản lý. Chính vì việc được “hợp thức hóa” của bảo vệ dân phố mà 5 ngã ba này hoạt động không khác gì sạp trong chợ, họ làm sạp cố định, sáng dọn hàng ra bán, cuối ngày cứ để hàng tại đó và phủ bạt lên là được, khỏi mất công.

Dân cần nhưng quan chưa vội

Trả lời chúng tôi về hoạt động của chợ tự phát Căn cứ 26, ông Nguyễn Đức Huy, Phó Chủ tịch UBND phường 17, cho biết: “Điểm mua bán tự phát này hình thành từ hơn 10 năm nay. Phường không chủ trương lấy đất công đem phân sạp để cho thuê và đã ban hành Chỉ thị 03 để lên kế hoạch chấn chỉnh điểm mua bán tự phát này”. Chúng tôi đã cung cấp thông tin cho ông Huy về thực trạng, các tiểu thương bày kệ tầng bằng gỗ, bàn ghế hoặc kê sạp gỗ để hàng hóa cố định từ ngày này qua ngày khác, tối đến họ phủ bạt lên rồi để hàng ngay tại đó, hôm sau chỉ việc mở bạt ra bán tiếp. Ông Huy ghi nhận thông tin này và cho biết sẽ xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo phường, đồng thời tiến hành kiểm tra thực tế rồi hẹn trả lời phóng viên sau đó 5 ngày. Ngày 21-6, theo lịch hẹn, chúng tôi trở lại UBND phường 17, thì ông Huy vẫn trả lời do các xe đẩy tụ lại buôn bán thành tiểu đảo, lực lượng đô thị của phường tới thì họ tản ra, rồi sau đó tụ lại tiếp tục buôn bán, nên việc giải quyết không dễ. Bên cạnh đó, việc kiểm tra thông tin cho thuê sạp giữa ngã ba đường cần có thời gian, nếu phát hiện vi phạm thì sẽ xử lý. Khi chúng tôi nhấn mạnh rằng hầu hết tiểu thương đặt kệ hàng tạo thành tiểu đảo chứ không phải xe đẩy, ông Huy lại nói sẽ tiếp tục kiểm tra lại.

Thật lạ lùng, sau 5 ngày tiếp nhận thông tin, lãnh đạo UBND phường 17 vẫn chưa nắm được thực tế hoạt động buôn bán tại chợ tự phát Căn cứ 26, trong khi  chỉ cần đi ngang qua là đã thấy (?!)

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục