Tính đến hôm qua, sau CLB Navibank Sài Gòn thì 2 đội khác là CLB Bóng đá Hà Nội và Trẻ Hà Nội cũng nộp đơn xin rút khỏi mùa giải 2013. Nếu không có gì thay đổi, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm 2 CLB khác xin rút lui hoặc giải thể. Nhiều khả năng, nếu mùa giải 2013 vẫn tổ chức theo kế hoạch thì chỉ còn khoảng 7-8 CLB tham gia.
Thực tế đang biến động từng ngày, luôn theo chiều hướng xấu đi, vậy mà đến hôm qua, lãnh đạo VFF vẫn tuyên bố sẽ không hoãn mùa bóng mới, “còn bao nhiêu, đá bấy nhiêu”. Ở đây, không bàn luận về việc hoãn hay không hoãn, vì nói cho cùng, nếu xét dưới góc độ bóng đá là một trò chơi thì ít hay nhiều vẫn có thể chơi được. Tuy nhiên, đứng trước một biến cố lớn, có khả năng tác động đến lâu dài, điều quan trọng nhất là phải tập trung tối đa nguồn lực để giải quyết thực trạng chứ không phải tìm mọi cách để phô diễn cho có. Nói cách khác: Nếu không giải quyết ngay những thực tế không ổn thì hậu quả của nó sẽ vô cùng lớn về sau.
Hơn nữa, giải quyết cái hiện tại cũng là để biết mình sai chỗ nào, đang trong hoàn cảnh thế nào để tìm ra chiến lược phát triển. Bỏ qua nó, dù là vô tình hay hữu ý, sẽ dẫn đến sai lầm nghiêm trọng hơn.
Bởi phải nhìn nhận cho đúng rằng: bóng đá mà không có nguồn đầu tư từ xã hội, cụ thể là các doanh nghiệp thì không bao giờ có thể phát triển được bóng đá chuyên nghiệp. Hơn 10 năm qua, các nhà quản lý đã mở cửa một cách vô tội vạ, tìm đủ mọi cách để lôi kéo, thậm chí “ép” các doanh nghiệp tham gia bóng đá để qua đó “tự phong” cho nền bóng đá mình là “chuyên nghiệp”.
Với kiểu “mở cửa” như thế, các doanh nghiệp không phải ai cũng nghiêm túc đầu tư cho bóng đá. Đấy là nguyên nhân dẫn đến sự hỗn loạn về giá trị trên thị trường chuyển nhượng, mất cân đối về thu nhập trong mặt bằng xã hội và đẩy bóng đá Việt Nam vào hoàn cảnh như bị “bắt làm con tin” cho những mục đích ngoài bóng đá.
Đương nhiên, doanh nghiệp nào làm sai, cố tình “đem con bỏ chợ” khi không đạt được mục đích thì dư luận soi xét. Nhưng không thể vì vậy mà các nhà quản lý bóng đá được phép rũ bỏ trách nhiệm của mình. Không thể trách các doanh nghiệp lấy bóng đá để kinh doanh thứ khác khi mà họ hoàn toàn không thu được đồng nào từ bóng đá. Không thể trách các doanh nghiệp làm đảo lộn giá trị cầu thủ bằng những bản hợp đồng ảo khi chính những nhà quản lý không đủ khả năng chế tài, xử lý. Không thể phê phán những ông bầu chỉ ham “lướt sóng”, mua danh bán thành tích khi chính nhà quản lý cho phép điều đó. Một CLB là một doanh nghiệp, ngoài việc chịu sự quản lý của luật pháp, còn phải tuân thủ quy định riêng của bóng đá. Vì vậy, để cho tình trạng bát nháo rồi dẫn đến sự đổ vỡ hiện nay, trách nhiệm của những cơ quan trực tiếp như LĐBĐ Việt Nam (VFF) và gián tiếp như Tổng cục TDTT là rất lớn.
Rất tiếc cho đến nay, VFF chưa hề nhận lỗi về phần mình. Cách duy nhất họ đang dùng để giải quyết đó là “còn bao nhiêu, đá bấy nhiêu” vô cùng thụ động. Họ không đề ra bất kỳ phương án giải quyết nào khác như tìm cách tăng nguồn thu, hỗ trợ công tác đào tạo, thậm chí hoãn mùa bóng một thời hạn để giúp các CLB rà soát và trả giá trị cầu thủ về đúng chỗ của nó. Thay vào đó, VFF cho rằng nếu không có doanh nghiệp thì các CLB vẫn có thể thi đấu được và bằng mọi giá, sẽ tổ chức thi đấu để duy trì phong trào. Làm như vậy chẳng khác nào phủ nhận một thập niên phát triển chuyên nghiệp vừa qua cũng như xóa sạch những đóng góp ở khía cạnh tích cực mà các doanh nghiệp đã làm cho bóng đá Việt Nam.
Hãy tỉnh táo để nhìn thẳng vào thực trạng, gỡ bỏ từng khó khăn và chấp nhận những mất mát để còn có cơ hội duy trì con đường tiến lên bóng đá chuyên nghiệp hợp quy luật.
VIỆT QUANG