Khủng hoảng đối ngoại

Thời gian gần đây, từ Saudi Arabia đến Israel rộ lên nghi ngờ về việc Mỹ đang cố tình bỏ mặc họ để tránh bị sa lầy ở khu vực Trung Đông vốn đang phải đối mặt với các cuộc xung đột giáo phái và mối quan ngại về việc Tehran đang theo đuổi chế tạo bom hạt nhân.

Thời gian gần đây, từ Saudi Arabia đến Israel rộ lên nghi ngờ về việc Mỹ đang cố tình bỏ mặc họ để tránh bị sa lầy ở khu vực Trung Đông vốn đang phải đối mặt với các cuộc xung đột giáo phái và mối quan ngại về việc Tehran đang theo đuổi chế tạo bom hạt nhân.

Theo hãng tin Reuters, mối e ngại của các nước đồng minh về việc Mỹ không muốn can thiệp sâu vào khu vực Trung Đông ngày càng tăng khi kết quả của các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người Mỹ phản đối mạnh mẽ việc can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria. Điều tra của Reuters/Ipsos cho thấy chỉ có 13% số người Mỹ ủng hộ Mỹ can thiệp vào Syria.

Để bác lại nghi ngờ, một quan chức của Mỹ cho biết Tổng thống Mỹ chưa hành động bởi những diễn biến tại Syria hay Iran chưa đụng chạm đến quyền lợi của Mỹ và các đồng minh.

Có một thực tế là ông Obama đã chống lại sức ép từ phía Saudi Arabia buộc Washington phải có hành động tích cực hơn ở Damascus. Ông Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, cho biết Tổng thống Obama đặc biệt thận trọng về sự can thiệp quân sự không xác định thời hạn của Mỹ vào khu vực Trung Đông. Elliott Abrams, cố vấn chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống George W.Bush, thì cho hay Tổng thống Obama hiện đã quá mệt mỏi với khu vực này. Ông Abrams nhận định ông Obama đang nắm giữ quan điểm rằng “Trung Đông đang vô cùng hỗn loạn” và cách tốt nhất là nên hạn chế hành động quân sự.

Saudi Arabia tỏ rõ sự khó chịu về việc Mỹ không thực hiện lời hứa tiến hành tấn công Syria. Một hoàng tử của Saudi Arabia đã cảnh báo nước này có thể thay đổi chiến lược với Mỹ sau nhiều thập kỷ hợp tác về quân sự và kinh tế chặt chẽ. Tuy nhiên, giới chức Mỹ nhìn nhận cảnh báo trên không đáng ngại. Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Saudi Arabia muốn giảm bớt hay đóng cửa các cơ sở quân sự của Mỹ.

Sự phát triển vượt bậc trong sản lượng dầu mỏ của Mỹ nhờ công nghệ tiên tiến đã khiến Mỹ giảm bớt phụ thuộc vào Saudi Arabia và các quốc gia Vùng Vịnh sản xuất dầu thô khác. Dù vậy, nếu Saudi Arabia quyết định biến lời đe dọa thành hành động, thì họ cũng có thể gây khó dễ cho Washington ít nhiều. Saudi Arabia có thể sẽ không giúp bù đắp nguồn cung dầu mỏ cho thế giới và giữ cho giá dầu nằm trong tầm kiểm soát để bù lại sản lượng xuất khẩu dầu mỏ giảm đi của Iran do các biện pháp trừng phạt quốc tế. Hoặc Saudi Arabia cũng có thể sẽ cung cấp thêm các vũ khí tiên tiến cho các phần tử Hồi giáo cực đoan để lật đổ Tổng thống Syria, giúp họ có được lợi thế về hỏa lực so với các nhóm nổi dậy ôn hòa được phương Tây hậu thuẫn.

Bên cạnh những nỗ lực nhằm xoa dịu quan hệ với Saudi Arabia và Israel, Nhà Trắng cũng đang vất vả ngăn chặn làn sóng phản đối từ châu Âu và các nước Mỹ Latinh về hành động NSA nghe lén điện thoại của lãnh đạo các nước khu vực này. Một nhà ngoại giao kỳ cựu của EU cảnh báo điều đáng lo ngại qua hàng loạt các sự kiện với đồng minh của Mỹ đó là chính sách đối ngoại của Washington đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Luôn tuyên bố muốn “hướng Đông” nhưng việc ông Obama không thể đến thăm châu Á do những vấn đề nội bộ cũng gây ấn tượng xấu ở một số quốc gia ASEAN, nơi Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục