Nhiều lý giải đã được đưa ra cho thất bại của Man United, mà nói thẳng ra là thất bại của Mourinho, trong chuỗi 3 trận vừa qua. Hơn thế nữa, từ 3 trận thua ấy, những kiến giải không chỉ còn gói gọn trong cái gọi là kết quả, mà bắt đầu mở rộng sang tiến trình cũng như những thể hiện bên ngoài của đội bóng. Tất cả đều nhìn thấy Man United chưa đổi mới, chưa khởi sắc. Và khi Maroune Fellaini lên tiếng thừa nhận: “Chúng tôi đang khủng hoảng”, càng nhiều người hơn tin vào một thất bại sắp tới của Mourinho, ở CLB mà ông vẫn cho là mơ ước trong sự nghiệp của mình.
Một trong những kiến giải, khá lý thú, rơi vào vấn đề tuổi tác. Mourinho, cũng như nhiều HLV khác, được cho rằng đã không còn dồi dào năng lượng nữa ở tuổi 50 và khó bề có thể thành công ở lứa tuổi ấy.
Kiến giải đó nghe có vẻ vô lý vì vẫn nhiều HLV ở tuổi trên 50 gặt hái thành công trong lịch sử bóng đá. Song, nếu chỉ soi chiếu trong giới hạn hẹp của hiện tại, của bóng đá đương đại, chúng ta có thể nhận ra rằng trên 50 tuổi, HLV rất khó gặt hái kết quả tốt.
Tất nhiên cũng có những ngoại lệ, như Ranieri ở mùa giải trước. Song, một Ranieri vô địch Premier League ở tuổi 64 có điểm khác biệt là ông không phải tái thiết lại đội hình Leicester City, mà chỉ hoàn chỉnh nó. Hơn nữa, đó lại là một mùa giải kỳ dị khi tất cả các đội bóng mạnh đều bỗng nhiên đồng loạt sa sút. Bởi thế, thành công của Ranieri cũng thuộc loại hiếm có dị thường.
Một ví dụ khác, là Koeman, người cũng ở tuổi 50. Koeman đang dẫn dắt Everton khá tốt. Tuy nhiên, ở Everton, áp lực rất nhỏ, nên lý giải cho sự khá tốt ấy cũng không quá khó.
Quay lại với Mourinho, ông ở một CLB áp lực cực lớn, mà chính HLV Ron Atkinson đã nhận xét rằng: “Man United là một thương hiệu toàn cầu mà bạn không thể vận hành nó như thể nó là lãnh địa của mình”. Chừng đó đủ để biết Mourinho đang sống dưới áp lực lớn thế nào.
Cả nước Anh soi vào Man United vì họ chia thành hai nửa tranh cãi với nhau rằng Mourinho sẽ làm Man United trở lại là một thế lực hoặc ông sẽ phá hủy CLB ấy. Và ở tuổi 50, Mourinho không thể chống chọi lại áp lực lớn như ông vẫn từng quen làm. Đó chính là dấu hiệu của cuộc khủng hoảng tuổi tác mà có thể ngay cả ông cũng chưa nhận ra.
Thường thì đàn ông ở tuổi 30-40 rất mạnh mẽ, nhiều khát vọng và luôn muốn đạt được những điều tuổi trẻ của mình không đạt được. Sức kháng cự với thời cuộc của lứa tuổi đó rất lớn. Nhưng sang tuổi 50, đàn ông bắt đầu gặp khó khăn khi nhận ra, và chấp nhận, rằng mình đã già. Họ có thể buông xuôi, né tránh, chán nản và thậm chí ít nói hơn. Đặc biệt với Mourinho, ông đã đủ đầy danh hiệu, đủ đầy chinh phục ở tuổi 40. Bởi thế, khát vọng của ông cũng nguội rất nhanh, nếu gặp một thời cuộc không như ý.
Thực tế, dấu hiệu khủng hoảng tuổi 50 của Mourinho đã bắt đầu từ khi ông trở lại Chelsea. Khi ông nói: “Tôi là người hạnh phúc”, điều đó cho thấy cái chất cá tính trong phát ngôn của ông đã nhạt dần. Và khi những phát ngôn của ông không còn mạnh mẽ như xưa, nó chính là chỉ dấu cho sự giảm ham muốn tranh đấu trong ông. Nó khiến cho chúng ta nghĩ rằng: “Mourinho không còn là chính mình nữa”.
Premier League hiện nay là cuộc chơi của nhiều HLV trẻ hơn Mourinho. Đó là Pep: 45 tuổi, Pochettino: 44 tuổi, Conte: 47 tuổi, là Klopp: 49 tuổi. Họ còn sung sức hơn Mourinho rất nhiều, còn khát vọng hơn Mourinho rất nhiều. Trong khi đó, Mourinho đã cái tuổi mà Á đông gọi là “nhi thi thiên mệnh”, tức đã buông xuôi thuận theo mệnh trời.
Đàn ông vốn được coi là phái mạnh, không phải chỉ vì cấu tạo thể chất mà còn do tâm sinh lý của họ. Nhưng một khi họ đã buông xuôi, họ có khi sẽ không mạnh hơn một người phụ nữ.
Như Nietzsche đã viết: tinh thần có 3 giai đoạn biến hoá, đầu tiên biến thành con lạc đà, rồi hoá con sư tử và sau cùng sư tử hóa thành đứa trẻ. Ở thời làm trợ lý tại Barca, Mourinho mang tinh thần con lạc đà, chấp nhận gánh vác mọi niềm tin một cách khổ hạnh. Rồi khi làm HLV trưởng, tinh thần của ông là con sư tử, chống lại mọi tín điều để khẳng định mình. Bây giờ, có lẽ ông trở thành đứa trẻ, ngây thơ thuận mệnh với cuộc sống và vòng quay của nó…
HÀ QUANG MINH