Khuyến mãi phải hướng đến thực chất

Cuối năm, hàng loạt chương trình giảm giá, kích cầu tiêu dùng được các doanh nghiệp (DN) tung ra thu hút khách hàng. Đáng chú ý, trong số này phải kể tới Ngày mua sắm trực tuyến 4-12 “Online Friday” lớn nhất trong năm do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Vecita), Bộ Công thương tổ chức. Khách hàng có thể online để lựa chọn hàng chục ngàn sản phẩm khuyến mãi, so sánh giá cả để đưa ra những quyết định mua sắm hợp lý. Bên cạnh đó, người mua còn được ưu đãi vận chuyển, đổi hàng miễn phí, tùy vào chiến lược bán hàng của từng DN.

Dễ nhận thấy, thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo dự báo của Vecita, khoảng 30% dân số Việt Nam mua sắm trực tuyến vào năm 2020; doanh số DN bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng (B2C) ước đạt khoảng 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ. Tuy vậy, ông Trần Đình Toản, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB, nhận định: “Tiềm năng thương mại điện tử tại Việt Nam là rất lớn, nhưng không phải DN nào cũng ý thức và có những bước đầu tư, kinh doanh bài bản, nghiêm túc”.

Bằng chứng cụ thể, mặc dù gần đây các DN tổ chức khuyến mãi, giảm giá kích cầu… đã không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng thực tế, không ít đơn vị bị người tiêu dùng phản ánh tới ban tổ chức. Điều khiến khách hàng phàn nàn nhiều nhất vẫn là chất lượng sản phẩm, khuyến mãi ảo không đúng thực tế… Ví dụ, khi khách hàng cẩn thận tra cứu thông tin, giá bán một sản phẩm cùng loại tại nhiều địa chỉ trên mạng, đã phát hiện sản phẩm này không hề giảm giá như quảng cáo. Giám đốc một công ty du lịch tại TPHCM cũng thừa nhận, việc giảm giá ảo để hút khách là chuyện… cơm bữa đối với công ty nhỏ, ít tên tuổi. Vị này phân tích, mặt bằng giá tour rất khó giảm, vì giá máy bay, tàu xe, dịch vụ khách sạn, nhà hàng… hầu như không giảm. Trường hợp nếu giảm giá cũng không đáng kể. Nếu khách ham các tour giá quá rẻ (thông thường các DN lớn hầu như không giảm giá mạnh, đưa ra tour siêu rẻ như thế) sẽ phải chấp nhận dịch vụ kém hoặc mua trúng tour khuyến mãi ảo.

Rõ ràng những “con sâu” kinh doanh kiểu “ăn xổi” đã làm ảnh hưởng tới cộng đồng DN làm ăn chân chính; tạo cho người tiêu dùng tâm lý dè dặt, nghi ngờ khi tham gia vào hoạt động mua sắm trực tuyến. Câu nói của người xưa rất đúng trong trường hợp này: “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Chính ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, tại một hội thảo về thương mại điện tử, vừa diễn ra ở TPHCM, cũng đã khuyến cáo: Khi tham gia các hiệp định thương mại, DN Việt cần phải chủ động chen chân vào chuỗi thương mại toàn cầu; phải khẳng định chính mình, không thể ỷ lại. Việc kinh doanh chụp giựt kiểu “ăn xổi” chắc chắn sẽ không thể tồn tại lâu dài, trong một môi trường cạnh tranh kinh doanh đầy khốc liệt.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục