Khuynh Diệp nặng lòng với đất phương Nam

Nhà văn - nhà báo Khuynh Diệp, tên khai sinh Phạm Ngọc Diệp là cây bút quen thuộc chuyên viết về nông thôn Nam bộ. Với ký sự Tâm điểm Đồng Tháp Mười, ông là một trong hai tác giả đoạt giải nhì (không có giải nhất) Cuộc thi Phóng sự - Ký sự báo chí 2015 - 2016 “Ấn tượng đất nước - con người Việt Nam” do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Hội Nhà báo TPHCM tổ chức. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà văn - nhà báo Khuynh Diệp.
Khuynh Diệp nặng lòng với đất phương Nam

Nhà văn - nhà báo Khuynh Diệp, tên khai sinh Phạm Ngọc Diệp là cây bút quen thuộc chuyên viết về nông thôn Nam bộ. Với ký sự Tâm điểm Đồng Tháp Mười, ông là một trong hai tác giả đoạt giải nhì (không có giải nhất) Cuộc thi Phóng sự - Ký sự báo chí 2015 - 2016 “Ấn tượng đất nước - con người Việt Nam” do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Hội Nhà báo TPHCM tổ chức. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà văn - nhà báo Khuynh Diệp.

* Phóng viên: Xin chúc mừng ông đoạt giải thưởng cao của cuộc thi. Cảm xúc của ông ra sao khi biết tin mình nhận giải?

- Nhà văn - nhà báo KHUYNH DIỆP: Thú thật tôi không có ý nghĩ viết để “kiếm giải” cao hay thấp mà viết để góp phần cùng với Báo SGGP và Hội Nhà báo TPHCM hoàn thành mục đích chính trị của cuộc thi. Mặt khác, qua bài viết của mình về Đồng Tháp Mười, tôi muốn cổ vũ, ca ngợi những con người, việc làm cụ thể để có sức lan tỏa rộng rãi, động viên cộng đồng hãy chung sức cùng nhau bảo vệ môi trường tốt đẹp và bền vững hơn. Tôi cũng mong Báo SGGP tiếp tục tổ chức những cuộc thi có ý nghĩa như thế này.

Tác giả Khuynh Diệp (thứ 2 từ phải sang) và tác giả Lê Bình nhận giải Nhì cuộc thi Phóng sự - Ký sự báo chí 2015 - 2016 ''Ấn tượng đất nước - con người Việt Nam''

* Ký sự được giải viết về sự đổi thay ở vùng trũng Láng Sen, tâm điểm của vùng Đồng Tháp Mười thành hồ chứa nước lũ và giữ lại những nguồn lợi thủy sản quý giá mà nhiều thế hệ dân khẩn hoang mơ ước. Điều này một lần nữa cho thấy, ông có nhiều duyên nợ với Nam bộ. Vốn là dân gốc miền Trung, ông nhận thấy có điều gì khác biệt cơ bản về vùng đất và con người Nam bộ so với các vùng miền khác?

- Theo tôi, hãy suy từ lịch sử, những con người ra đi và lập nghiệp tạo dựng nên vùng đất mới phương Nam chính là những lưu dân từ miền Bắc, miền Trung vào đây khẩn hoang. Về bản chất, nông dân các vùng miền đều giống nhau. Họ cần cù, chịu khó, sống có nghĩa khí và vị tha. Tuy nhiên, do được thiên nhiên ưu đãi và luôn phải chống chọi với những khó khăn trên vùng đất mới, như sự trở chứng của thời tiết hay đánh đuổi các loài thú dữ, về sau còn phải chiến đấu với các thế lực cường quyền, ngoại xâm… nên đã hun đúc cho người nông dân Nam bộ tính năng động, nghĩa khí và lòng hào hiệp. Điều đó đã thành lẽ sống của họ.

* Ông chính thức bắt đầu bước vào nghề báo, nghề văn từ khi nào?

Nhà văn - nhà báo Khuynh Diệp

- Năm 1971, tôi vào đến chiến trường Nam bộ, được tổ chức phân công tác tại Văn phòng Khu ủy Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn (I.4), trực tiếp làm thư ký riêng cho Phó Bí thư Thường trực Khu ủy. Nhờ đó, tôi thường xuyên được tiếp xúc với các vị lãnh đạo cao nhất của Khu ủy lúc bấy giờ.

Ông Mười Cúc - Nguyễn Văn Linh có lần khuyên tôi: “Chú muốn các cháu ở miền Bắc vào phải đi cơ sở. Qua phong trào quần chúng ở cơ sở, các cháu sẽ trưởng thành”. Vì đặc thù công việc như thế, nên dù muốn viết lách tôi vẫn chưa thể thực hiện. Đến gần thời điểm giải phóng miền Nam, theo nguyện vọng, tôi mới được các anh Giang Nam, Hoài Vũ, Viễn Phương xin về công tác tại Tiểu ban Văn nghệ khu Sài Gòn - Gia Định, nhưng việc viết văn vẫn chưa định hình.

Mãi năm 1976, anh Giang Nam, Hoài Vũ “kéo tôi” sang Báo Văn Nghệ Giải Phóng, sau đó là Báo Văn Nghệ, tôi mới chính thức viết truyện ngắn, làm thơ và viết bút ký. Giữa tháng 6-2016, tôi sẽ tổ chức ra mắt tác phẩm mới Một số vấn đề nông dân và ruộng đất ở Đồng bằng sông Cửu Long sau năm 1975, cũng là dịp kỷ niệm 40 năm tôi vào nghề cầm bút.

* Ông là cây bút đa năng, nhưng thể loại nào thực sự là sở trường của ông? Và với ông, mỗi thể loại có ưu thế ra sao khi ông muốn gửi gắm nỗi niềm?

- Mặc dù tôi sáng tác nhiều thể loại văn học nhưng sở trường tôi tâm đắc và dành nhiều bút lực nhất là ký văn học. Khi tham gia xuất bản tờ Nông Thôn Ngày Nay vào năm 1984 (tiền thân của Báo Nông Dân Việt Nam), tôi gắn bó với nghề báo. Nghề báo đã giúp tôi đi khắp nơi, khám phá nhiều và có thêm nguồn cảm hứng để viết văn, làm thơ.

* Hơn 40 năm sống ở Sài Gòn - TPHCM, ông có cảm nhận thế nào về thành phố này?

- Thành phố này đã trở thành quê hương thứ hai của tôi. Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi được nông dân vùng ven Sài Gòn - Gia Định đùm bọc mỗi khi từ căn cứ Khu ủy về công tác. Nhiều bà má cơ sở cách mạng coi tôi như con mình và gọi bằng cái tên rất dễ thương “Thằng Huế” (nhiều người gọi bộ đội giải phóng quê miền Bắc bằng thằng Huế - tức người ngoài Huế). Năm 1977, khi Báo Văn Nghệ Giải Phóng sáp nhập với Báo Văn Nghệ, tôi được nhà thơ Giang Nam điều ra phụ trách phòng trị sự của báo, nhưng cũng chỉ sống ở Hà Nội được 6 năm, lòng thắc thỏm mong trở lại TPHCM. Năm 1983, cơ duyên đã giúp tôi thực hiện ước nguyện “làm người Sài Gòn” cho đến hôm nay và chắc chắn trở thành công dân TPHCM đến cuối đời.

* Trên hành trình cầm bút, từ thời chiến đến thời bình, có những kỷ niệm hoặc bài học sâu sắc nào mà ông luôn ghi nhớ?

- Dù sáng tác văn học hay viết báo, điều để lại bài học với tôi là cái tâm và cái hậu của người cầm bút. Ngợi ca cái đẹp hay phê phán cái xấu, người cầm bút phải có tâm và có hậu ngay trong bài viết của mình. Đấy chính là đạo đức của nghề. Còn kỷ niệm với nghề báo thì nhiều lắm.

Tôi nhớ những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, sau khi Nghị quyết 10 của Bộ chính trị “Về đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp” ban hành như sự “cởi trói” đối với nông dân vùng ĐBSCL. Nông dân hân hoan, nôn nóng “cởi trói” thật lẹ để làm chủ mảnh đất của mình sau nhiều năm bị “tập thể hóa”. Sự nôn nóng của nông dân đã dẫn đến những khiếu kiện. Là nhà báo của nông dân, tôi không thể đứng ngoài cuộc, phải cất tiếng nói bảo vệ công bằng và lẽ phải. Mình làm việc nghĩa và trung thực, không vụ lợi vì cá nhân thì chẳng có gì phải sợ. Vụ việc này nhiều người quý tôi vẫn thường nhắc lại. Đấy chính là bản lĩnh nhà báo, là một trong nhiều kỷ niệm của tôi.

* Ông có những dự định sáng tác và xuất bản gì thời gian tới?

- Nay bước vào tuổi 70, tôi bị nhiều bệnh do nhiễm chất độc dioxin nên mọi dự định chưa nói trước điều gì. Chỉ mong có thêm sức khỏe để viết báo, viết văn và có hoài bão viết cuốn nghiên cứu thứ 2 về người nông dân ĐBSCL trong quá trình thay đổi tư duy từ sản xuất tiểu nông sang sản xuất hàng hóa và hội nhập kinh tế thế giới.

* Xin cảm ơn ông. Chúc ông mạnh khỏe để thực hiện dự định có ý nghĩa của mình!

HOÀNG THỦY

Tin cùng chuyên mục