Kịch đời

Chuẩn bị mãi, cuối cùng ngày đó cũng đến, đài truyền hình của tỉnh, của trung ương đến quay phim ghi hình cứ gọi là nườm nượp. Hội khuyến học, hội phụ huynh học sinh, hội phụ nữ, trung tâm bảo trợ xã hội cũng đến. Cả buổi, bà Mai cứ ngồi kè kè cạnh con bé Lan, hết cầm tay lại vuốt tóc cô cháu gái rất tình cảm. 
Kịch đời

Cuối ngày, bà Mai đập khẽ xấp tiền vào lòng bàn tay trước khi đếm. Ngón trỏ và ngón cái của bà hoạt động linh hoạt và đều đặn chẳng khác nào máy đếm tiền. Mùi thơm của mấy tờ polyme làm bà rạng rỡ hẳn. Không tươi tắn mới là lạ, gần đây tiền đổ vào nhà bà như nước. Công việc buôn bán của bà thuận lợi đã đành, mấy lô đất bà mua từ thời rẻ như bèo, giờ lại nằm trong diện quy hoạch, kiểu gì cũng được đền bù kha khá.

Thấy vợ đang vui vẻ, ông Hinh mới gợi chuyện. Nhưng đức ông chồng chưa nói được mấy câu đã thấy giọng bà Mai rít qua kẽ răng. Mắng chồng sa sả, nghỉ lấy hơi một chốc, bà lại than ngắn thở dài, ra điệu oan ức lắm. Cái giọng vừa chua vừa đanh của bà nghe một lần là nhớ, không lẫn lộn với ai được cả. Bà cất tiếng chào, người làng này không cần ngẩng đầu lên cũng biết là ai. Ông Hinh ngậm ngùi chẳng nói được câu nào. Bao năm nay, người làng ví ông như bù nhìn. Trên giấy tờ ông là giám đốc, nhưng việc lớn việc nhỏ gì “sếp bà” cũng phải nhúng tay vào mới vừa lòng. Tính ông lại thẳng, xưa nay chẳng luồn cúi, nịnh nọt, xin xỏ của ai cái gì. Thiên hạ biết tính ông thế nên chỉ mang quà đến lúc ông đi vắng. Thế là bao nhiêu “lộc lá” đều nằm trong túi bà Mai cả. Lời lãi từ việc buôn bán của ông Hinh, bà Mai cũng tìm đủ mọi cách tóm gọn trong lòng bàn tay. Bà bảo đàn ông giữ nhiều tiền làm gì. Lắm tiền trong túi lại sinh hư, có ngày vướng vào gái gú như chơi. Thế nên để “bảo vệ hạnh phúc gia đình”, giữ được đồng nào bà đều giữ cả. 

Bà Thoàn - mẹ chồng bà Mai, vì không chịu được cái tính ki bo, hay xét nét của con dâu cả nên phải dọn đến ở với chú Tính, con trai thứ của bà. Vợ chồng Tính tuy không khá giả bằng nhà ông Hinh, nhưng được cái thoải mái, xuề xòa nên xóm giềng ai cũng quý. Bà Thoàn sống với vợ chồng chú Tính gần năm trời, chưa lời qua tiếng lại với cô Hà, con dâu thứ lần nào. Cách đây hơn hai năm, bà Thoàn mất. Bà cụ đã ngoài bảy mươi, thôi cũng coi như hưởng hết lộc trời. Nhưng hơn một năm sau, chú Tính phát hiện bị ung thư gan, cầm cự được hơn nửa năm thì mất. Rồi đến cô Hà đột quỵ và Tường, con trai cả của nhà chú Tính gặp tai nạn, đều mất. Con bé Lan, con út nhà chú Tính là tội nhất, mới tí tuổi đầu nhà đã chẳng còn ai. Lúc bố mẹ mới mất, ngày nào nó cũng khóc, nhưng chắc giờ con bé đã khóc cạn hết nước mắt rồi.

Con Lan lao vào học. Bài vở giúp nó quên đi cái cảnh nhà rợp khăn tang, hết lần này đến lần khác. Không ai ngờ năm đó Lan vẫn đi thi đại học. Chặng đường từ quê lên Hà Nội dường như là quá xa nếu phải đi một mình. Họ hàng chẳng ai đi cùng cô cháu gái tội nghiệp. Bác trai còn bận đi lấy hàng, mà nếu ông Hinh có ở nhà, chắc gì bà Mai cho đi. Lan còn hai người cô ruột. Cô Hoài vừa mới sinh em bé nên không đi đâu được. Cô Hiền thì đang làm nhà, hơn nữa cô vay của bác Mai nhiều tiền thế, liệu có dám làm trái ý bác không? 

Ngày Lan quyết định thi đại học, ai cũng cản. Bố mẹ không còn, lấy ai nuôi Lan ăn học. Nhỡ đâu Lan đậu, lại phiền đến bác với các cô. Đằng nào cũng mang tiếng ác, thà bóp nát cái ý định ấy trong trứng nước còn hơn. Trước hôm con bé đi thi, bác Mai có sang nhà chơi, cho cháu hai trăm ngàn đồng, kèm mấy lời dặn dò: “Bác đã khuyên mày rồi, không có tiền đi học thì đi thi làm gì. Bố mẹ thì mất. Các cô, các bác ai có phận người ấy, mà ai cũng còn khó khăn cả. Riêng bác, bác nuôi hai thằng anh mày ăn học trên ấy nên bác biết. Tốn kém lắm chứ chẳng chơi. Thôi mày đã quyết thế thì bác cho thêm từng này mà đi đường. Bác chỉ giúp được có thế thôi”. Cầm tờ tiền, Lan bật khóc. Đây là lần đầu tiên cô bé khóc kể từ sau khi anh trai mất.

Gần trưa, bà Mai mới đủng đỉnh xách làn đi chợ. Mua vào tầm này mới được rẻ, lại đỡ mất công kỳ kèo. Nói là vậy, nhưng đi đến hàng nào bà cũng nâng lên, đặt xuống đến mấy lượt mới thôi. Chợ muộn thì muộn, của ế thì ế, cũng phải được trả giá chứ. Đang lật lên lật xuống miếng thịt, chợt cô Sinh chạy đến vỗ vai bà Mai đánh đốp một cái, rồi hồ hởi bảo: “Hai bác sướng nhé! Sắp có cháu gái làm bác sĩ, lại đậu thủ khoa hẳn hoi, tha hồ mà mát mặt”. 

Tin cái Lan đậu thủ khoa trường y nhanh chóng lan ra khắp chợ. Mọi người nói chắc như đinh đóng cột rằng: một đứa trẻ mồ côi như Lan mà đậu thủ khoa thì kiểu gì cũng được báo chí, rồi đài truyền hình đến phỏng vấn. Có khi người ta còn ủng hộ cho nó ối tiền. 

Sau mấy phút bàng hoàng bà Mai đã định thần trở lại. Bà vội vàng mua thêm bao nhiêu thức ăn mà chẳng thèm mặc cả lấy một xu. Về đến nhà, thấy ông Hinh đang mải mê tỉa cây cảnh, bà gắt: “Sao giờ này ông còn ngồi đây tỉa tót mấy cái cây làm gì. Vào mặc áo rồi cùng tôi sang đón con Lan sang đây”.

Lan đang vo gạo chuẩn bị cắm cơm thì thấy bác dâu chạy xồng xộc vào nhà. Cô bé còn giật mình ngơ ngác tưởng xảy ra chuyện gì. Chưa kịp nói câu nào, bà Mai đã ôm chầm lấy Lan mà lắc, mà nắn, mà xuýt xoa: “Đậu thủ khoa, sao không nói bác biết? Cháu tôi sao lại giỏi thế hở trời!”. Hình như mắt bà ấy còn rơm rớm lệ, như người đang cảm động, vui sướng. Không kịp đợi Lan nói đồng ý, bà Mai đã kéo xềnh xệch cô bé đi. Rá gạo đang vo dở được để tạm lên thành bể, nước chảy ròng ròng.  

Sang nhà bà Mai, Lan không phải làm bất cứ thứ gì. Năn nỉ mãi, bà bác mới để cô cháu gái nhặt củ hành, hay rửa cọng rau. Mâm cơm ê chề thức ăn, nào gà, nào bò, nào cá, hết canh rau lại đến canh sườn. Giỗ chạp hay lễ tết, mâm cơm nhà bà Mai cũng chưa chắc có từng ấy thứ. Đợi cả nhà ăn cơm gần xong, bà mới đưa đẩy: “Lan này, hồi bố mẹ và anh cháu mới mất, bác cũng định đón cháu về đây ở với hai bác. Nhưng ngặt một nỗi, bố mẹ cháu mới mất, chẳng lẽ lại để nhà cửa không ai ở, bàn thờ lạnh lẽo như thế tội nghiệp lắm. Nay anh cháu cũng gần đến giỗ đầu rồi. Cháu lại sắp đi học xa, tốt nhất là sang ở với hai bác cho tình cảm”. Lan lắc đầu quầy quậy, mặc cho bà Mai năn nỉ. Nói một hồi, mà cô cháu gái cứng đầu vẫn chưa xuôi, bà Mai có vẻ bực, mặt đỏ phừng phừng. Đang định đổi giọng, thì điện thoại reo. Người đàn bà ấy tất tả ra cổng. 

Đợi vợ đi hẳn, ông Hinh nắm tay cô cháu gái bảo: “Bác biết, xưa nay bác gái làm nhiều điều không phải với cháu, cháu không muốn sang đây cũng phải. Tất cả tại bác nhu nhược, bao lâu nay để vợ lấn lướt. Nhưng bây giờ cháu không sang nhà bác ở trước khi lên nhập trường, hàng xóm họ lại dị nghị cũng chẳng hay ho gì. Cứ xem như cháu nể mặt bác đi”. Lan im lặng. Nghĩ ngợi hồi lâu cô bé cũng đồng ý.

Cuối cùng, ngày bà Mai đợi cũng đến. Báo đài đến rất đông. Người quay phim cứ quay phim. Người phỏng vấn cứ phỏng vấn. Người diễn cứ diễn. Chỉ có Lan và ông Hinh thỉnh thoảng đưa mắt nhìn nhau. Một màn kịch hết sức chân thật bắt đầu.

Tin cùng chuyên mục