Như tin đã đưa, sắp tới Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ thị về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) nhằm tạo chuyển biến thực sự trong lĩnh vực này.
Chỉ thị ra đời được kỳ vọng là cú hích để nâng cao trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong vấn đề bảo đảm ATTP. Vì thực tế hiện nay, tình trạng vi phạm về vệ sinh ATTP vẫn vô cùng phức tạp. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, số liệu báo cáo từ các cơ quan thuộc bộ và 42/63 tỉnh, thành phố về kết quả giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên rau và chất cấm, kháng sinh trong thịt, thủy sản trong đợt cao điểm vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp từ tháng 10-2015 đến thời điểm hết tháng 2-2016 cho thấy, qua phân tích 7.593 mẫu rau, phát hiện 393 mẫu nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt giới hạn cho phép (chiếm 5,17% so với năm 2014 là 5,43%, 9 tháng đầu năm 2015 là 10,3%). Phân tích 5.450 mẫu thịt, phát hiện 104 mẫu vi phạm chỉ tiêu chất cấm, kháng sinh vượt giới hạn cho phép (chiếm 1,91% so với năm 2014 là 6,84%, 9 tháng đầu năm 2015 là 4%); phân tích 5.433 mẫu thịt, phát hiện 834 mẫu vi phạm chỉ tiêu Salmonella (vi sinh vật gây bệnh - chiếm 15,4% so với 9 tháng đầu năm là 16%); phân tích 4.963 mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản, phát hiện 361 mẫu vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép (chiếm 7,27% so với năm 2014 là 1,21%, 9 tháng đầu năm 2015 là 1,01%). Bộ NN-PTNT thừa nhận, kết quả giám sát cho thấy tỷ lệ vi phạm có giảm nhưng còn ở mức cao, thậm chí một số địa phương có tỷ lệ vi phạm rất cao.
Một trang trại chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP
Đặc biệt, trước tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn biến phức tạp, vấn đề nổi cộm gây hoang mang trong dư luận xã hội và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng, Bộ NN-PTNT đã triển khai đợt cao điểm kiểm soát chất cấm 2015. Hiện tại, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn yêu cầu các đơn vị tạm dừng nhập khẩu Salbutamol. Trong thời gian thực hiện cao điểm, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) đã phối hợp với Thanh tra Bộ NN-PTNT tiến hành kiểm tra 17 công ty, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, đã phát hiện 5 đơn vị (Công ty hóa dược Minh Anh ở Bình Dương, Công ty TNHH thuốc thú y Khoa Nguyên ở TPHCM, Công ty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông ở Hà Nội, Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Trường Phú ở Hải Dương, Công ty TNHH thủy sản Seabird ở TPHCM)… có hành vi kinh doanh, sử dụng Salbutamol trong chăn nuôi.
Ngoài ra, nhiều tỉnh cũng đã thành lập các đoàn thanh tra do Thanh tra Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với Cảnh sát kinh tế (PC46), Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49); phối hợp với chi cục thú y và các cơ quan, đơn vị chức năng của các tỉnh, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi. Theo báo cáo, các tỉnh, thành phố đã tổ chức kiểm tra 1.129 cơ sở, phát hiện 24 cơ sở vi phạm (chiếm 2,2%); phát hiện 12/649 mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với Salbutamol; 69/1.026 mẫu nước tiểu (chiếm 6,7%), 1/172 mẫu thịt (chiếm 0,6%) có sử dụng chất cấm Salbutamol. Sau đợt cao điểm, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi về cơ bản đã được khống chế. Nguồn nhập khẩu và kinh doanh chất Salbutamol của các công ty dược đã được Bộ Y tế quản lý chặt chẽ hơn, đưa vào danh mục các chất quản lý đặc biệt; các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã không còn sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn. Hiện nay, chỉ còn các trang trại sử dụng chất Salbutamol thông qua các thương lái và nhân viên tiếp thị cám của một số công ty cung cấp trực tiếp. Đến thời điểm hiện tại, số vụ vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với các trang trại đã giảm đáng kể theo số liệu giám sát của ngành thú y (tháng 1-2016 là 9,8%; tháng 2-2016 là 1,46%; tháng 3-2016 là 0,66%).
Tuy vậy, có thực tế là tình hình sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, chất cải tạo xử lý môi trường, chất bảo quản nhuộm màu trong sơ chế, chế biến, sau thu hoạch nông sản ngày càng phức tạp và khó lường (đặc biệt như vàng ô là loại hóa chất sử dụng trong nhuộm màu công nghiệp nhưng bị lạm dụng trộn vào thức ăn để tạo màu vàng đánh lừa thị hiếu của người chăn nuôi hoặc sử dụng để nhuộm, tạo màu vàng cho măng, dưa cải…). Trong khi đó, các phòng kiểm nghiệm chưa phát triển phương pháp theo kịp nhu cầu kiểm nghiệm phát sinh (như vàng ô trong măng, chất nhuộm màu ruốc…). Hoạt động giám sát mới tập trung lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu thuốc BVTV, chất cấm, kháng sinh bị lạm dụng trong khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản). Chưa giám sát đầy đủ các chỉ tiêu ATTP như các chỉ tiêu vi sinh, chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu, chất hỗ trợ chế biến. Bên cạnh đó, rau quả, thịt, thủy sản là thực phẩm tươi sống nên phần lớn chưa có nhãn mác, dấu hiệu nhận diện và thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Do vậy, khi phát hiện mẫu vi phạm đã gặp rất nhiều khó khăn trong truy xuất, xác định nguyên nhân và xử lý vi phạm.
Vì vậy, Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh việc đánh giá, công nhận các dụng cụ, kit thử nhanh tại hiện trường để tạo thuận lợi cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, đặc biệt các kit thử tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả; chất cấm, hóa chất, kháng sinh trong thịt. Đặc biệt, Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ tăng cường kiểm soát sau nhập khẩu, đưa Salbutamol, Clenbuterol và các chất kháng sinh đang được cùng sử dụng trong y tế và nông nghiệp vào danh mục kiểm soát đặc biệt nhằm ngăn chặn việc sử dụng sai mục đích.
PHAN THẢO