Không chủ quan, lơ là
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các đầu mối giao thông vận tải trọng điểm còn thực hiện thường xuyên hàng ngày việc vệ sinh sảnh chờ đón khách, phương tiện vận tải, phun xịt sát khuẩn, tiệt trùng tại các khu vực tiếp công dân, nơi tập trung đông người trong khuôn viên bến xe, bến cảng… Nhiều đơn vị còn trang bị máy đo thân nhiệt để chủ động phòng ngừa khi có hành khách bị mệt, ho, bệnh. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã chuẩn bị 2 xe cứu thương với đầy đủ thiết bị sơ cứu y tế, 2 máy sốc tim, 48 cáng cứu thương, bố trí 37 thùng rác y tế tại khu vực nhà ga và khu vực hoạt động bay để thu gom khẩu trang y tế, găng tay đã qua sử dụng. Ngoài ra, đơn vị này còn chủ động phối hợp với cơ quan kiểm dịch y tế để kiểm tra và cách ly người bệnh nếu có. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thường xuyên phun thuốc khử trùng tại một số trọng điểm trong sân bay, như khu vực băng chuyền hành lý, các quầy làm thủ tục nhà ga, khu vực nhà vệ sinh, hệ thống màng lọc máy lạnh…
Ga Sài Gòn thường xuyên thực hiện phun thuốc khử trùng các đoàn tàu. Bình quân mỗi ngày có 3-4 đoàn tàu được phun thuốc diệt khuẩn. Tất cả trưởng tàu được tập huấn cách xử lý khi có hành khách nghi ngờ mắc Covid-19. Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM cũng phối hợp với các đơn vị vận tải tại ga Sài Gòn tổ chức lập chốt kiểm tra thân nhiệt cho tất cả hành khách đi tàu.
Từ đầu tháng 2, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thuộc Sở GTVT đã thành lập Tổ công tác chuyên trách phòng chống dịch Covid-19 trên hệ thống xe buýt thành phố. Bên cạnh việc tham mưu cho lãnh đạo ban hành kế hoạch phòng chống và ứng phó dịch Covid-19 trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, căn cứ vào tình hình diễn biến của dịch bệnh, tổ công tác cũng thực hiện việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch, công tác thông tin tuyên truyền theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cũng đã có văn bản khẩn gửi đến tất cả doanh nghiệp tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng, yêu cầu thực hiện các biện pháp như: thực hiện vệ sinh xe buýt sạch sẽ sau mỗi chuyến xe bằng dung dịch khử trùng, sát khuẩn; trang bị và yêu cầu phải đeo khẩu trang y tế trong suốt quá trình làm nhiệm vụ đối với lái xe, nhân viên phục vụ, nhân viên điều hành, nhân viên kiểm tra; nghiêm cấm vận chuyển sản phẩm động vật, gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, có mùi hôi tanh dưới mọi hình thức. Điều chỉnh nhiệt độ trong xe ở chế độ trên 25oC; thực hiện nghiêm công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại các bến xe, vị trí đầu cuối tuyến xe buýt do đơn vị mình phụ trách; tuyên truyền và phát miễn phí ấn phẩm cho hành khách đi xe buýt về những biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Lo doanh thu giảm
Chủ động, quyết liệt và có ý thức trách nhiệm cao trong phòng chống dịch bệnh nhưng thực tế là các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đang đối mặt với tình trạng sụt giảm hành khách nghiêm trọng. Hành khách sụt giảm dẫn đến doanh thu giảm.
Thống kê từ ngày 1-2 đến 17-3 cho thấy, vận tải hành khách liên tỉnh bằng đường bộ thông qua các bến xe đạt hơn 3,8 triệu hành khách, với gần 264.000 lượt xe phục vụ, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, loại hình xe buýt đạt hơn 38 triệu lượt hành khách, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hành khách bằng đường thủy đạt hơn 4,1 triệu lượt hành khách, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2019. Thế nhưng, mức giảm hành khách của 3 loại hình vận tải trên vẫn chưa là gì so với đường sắt và đường hàng không. Thống kê cho thấy, cùng thời gian này, vận tải hành khách bằng đường sắt đến và đi từ TPHCM chỉ hơn 130.000 người, giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, sản lượng hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong tháng 2-2020 chỉ đạt hơn 2,8 triệu hành khách cả trong nước lẫn khách quốc tế (trong đó, khách trong nước giảm 50% và khách quốc tế giảm 90% so với cùng kỳ năm 2019).
Một số kiến nghị của Sở GTVT |