Kiểm soát lạm phát tốt nhưng không được chủ quan

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, lạm phát đang được kiểm soát tốt, giảm dần xuống dưới mức mục tiêu, nhưng, Thủ tướng cũng lưu ý, không được chủ quan. Điều hành lạm phát dưới 4% là khả thi nhưng đòi hỏi phải phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa tốt hơn nữa.

8 tháng qua, Việt Nam tiếp tục duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định... Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm dần. CPI tháng 8 tăng 0,07% so với tháng 7, giảm 0,12% so với tháng 12-2019 - đây đều là mức thấp nhất của tháng 8 giai đoạn năm 2016-2020. CPI bình quân 8 tháng đầu năm tăng 3,96% so với cùng kỳ năm 2019, bước đầu kiểm soát được lạm phát ở mức tăng dưới 4% so với mục tiêu Quốc hội giao.

Tuy vậy, việc CPI 8 tháng tăng bình quân 3,96% lại là mức tăng cao nhất trong giai đoạn năm 2016-2020 (tương ứng các năm tăng: 1,91%, 3,84%, 3,52%, 2,57% và 3,96%). Có rất nhiều nguyên nhân khiến giá cả 8 tháng tăng cao, trong đó gây ảnh hưởng lớn nhất là giá thực phẩm: bình quân tăng 14,44% làm CPI tăng 3,07% (riêng giá thịt heo tăng 70,95% làm cho CPI chung tăng 2,41%). Ở chiều ngược lại, CPI được kiềm chế do giá xăng dầu bình quân 8 tháng giảm 21,7% so với cùng kỳ; giá gas trong nước giảm 2,32%; nhu cầu du lịch, đi lại trong nước giảm...

Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, lạm phát sẽ giảm nhanh kể từ đầu quý 4 do giá thịt heo giảm. Cụ thể, giá thịt heo hơi bình quân quý 4 sẽ ở mức 82.000 đồng/kg - chỉ tăng 11,6% so với cùng kỳ và thấp hơn mức giá bình quân ước tính cho 9 tháng đầu năm 2020 là 84.000 đồng/kg (bình quân giá thịt heo 9 tháng đầu năm 2020 cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019). Với việc giá lương thực và thực phẩm quý 4 giảm, VNDIRECT dự báo, CPI bình quân năm 2020 tăng 3,2%. Các điều kiện khác đi cùng với dự báo này là: giá dầu Brent bình quân nửa cuối năm 2020 ở mức 43-45 USD/thùng; Chính phủ không tăng giá điện trong năm nay.

Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức dưới 4% trong năm 2020 hoàn toàn khả thi, bởi áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm không quá lớn. Lý do là kinh tế thế giới chưa thể phục hồi hoàn toàn, nên giá dầu sẽ khó tăng mạnh (có thể xoay quanh mức 40 USD/thùng). Mặt khác, giá thịt heo, dù có thể chưa giảm mạnh như mong đợi, nhưng cũng khó tăng trong thời gian tới khi doanh nghiệp được phép nhập khẩu thịt heo hơi, heo giống, đồng thời người nông dân đẩy mạnh việc tái đàn. Ông Độ dự báo, lạm phát bình quân năm 2020 sẽ xoay quanh mức 3,5% với mức ± 0,5%.

Dù lạm phát đến thời điểm này không đáng lo ngại nhưng vẫn có những điểm đáng lưu ý. Trên thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào ngoại tệ, tổng cộng khoảng 3,3 tỷ USD, tương đương với hơn 76.000 tỷ đồng được bơm vào hệ thống ngân hàng trong tháng 8 (theo ước tính của Công ty Chứng khoán SSI). Nhờ thanh khoản dồi dào, các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất tiền gửi 20-40 điểm cơ bản ở cả kỳ hạn ngắn và 0-20 điểm cơ bản ở kỳ hạn dài trong tháng 8. Lũy kế 8 tháng, lãi suất tiền gửi đã giảm tổng cộng 50-210 điểm cơ bản ở tất cả các kỳ hạn. Dù vậy, huy động tiền gửi toàn hệ thống vẫn tăng trưởng khá tốt và bỏ xa tăng trưởng tín dụng. Điều này có nghĩa, tiền đồng đang dư thừa trong hệ thống ngân hàng, do đó lãi suất tiền gửi vẫn có thể giảm tiếp trong thời gian tới. Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất. Nếu lãi suất tiếp tục giảm sẽ tác động đến lạm phát, nhất là khi kinh tế phục hồi, ngân hàng sẵn sàng cho vay hơn, tín dụng được khơi thông. Bên cạnh đó, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công để giúp kinh tế phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng. Nếu việc sử dụng nguồn vốn ngân sách không hiệu quả thì cũng có thể sẽ làm giá cả hàng hóa tăng.

Dù vậy, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, các chuyên gia nhận định, hoàn toàn có thể kiểm soát được lạm phát tăng dưới 4% trong năm nay. Điều quan trọng nhất hiện nay là thực hiện các giải pháp để vực dậy nền kinh tế. Đó là triển khai các dự án đầu tư công lớn đã xác định tại Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19) và phải làm cho được, theo nguyên tắc vướng đâu gỡ đó; kích cầu đầu tư tư nhân, tiếp tục giảm lãi suất; tháo bỏ các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục