Kiểm tra chuyên ngành bất hợp lý - Doanh nghiệp bức xúc

Kiểm tra chuyên ngành luôn gây nhiều bức xúc cộng đồng doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp nước ngoài. Gần đây nhất, Tổ chức xúc tiến đầu tư và thương mại Nhật Bản (JETRO) cũng vừa kiến nghị các bộ liên quan về việc chậm trễ do thủ tục kiểm tra chuyên ngành quá phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nhập khẩu cũng như giá thành sản phẩm do phải tiêu tốn nhiều chi phí cho tình trạng lưu kho, lưu bãi.
Kiểm tra chuyên ngành bất hợp lý - Doanh nghiệp bức xúc

Kiểm tra chuyên ngành luôn gây nhiều bức xúc cộng đồng doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp nước ngoài. Gần đây nhất, Tổ chức xúc tiến đầu tư và thương mại Nhật Bản (JETRO) cũng vừa kiến nghị các bộ liên quan về việc chậm trễ do thủ tục kiểm tra chuyên ngành quá phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nhập khẩu cũng như giá thành sản phẩm do phải tiêu tốn nhiều chi phí cho tình trạng lưu kho, lưu bãi.

Sản phẩm sạch vẫn phải mất 10 ngày

Theo Thông tư số 25/2010/TT - BNNPTNT và Quyết định số 15/2006/QD-BNN, khi nhập khẩu thực phẩm có nguồn gốc động vật vào Việt Nam các doanh nghiệp (DN) nước ngoài cần thực hiện thủ tục như xin phép nhập khẩu, kiểm dịch, các thủ tục thông quan. Trên thực tế, từ khi xin phép nhập khẩu đến khi được cấp phép cần tối thiểu 5 ngày làm việc. Sau đó thời gian tiến hành các thủ tục cho đến khi nhà nhập khẩu nhận được thực phẩm có nguồn gốc động vật thông thường sẽ mất ít nhất khoảng 5 ngày làm việc nữa. Như vậy, để thực phẩm đến tay nhà nhập khẩu sẽ mất khoảng 2 tuần sau khi thực phẩm có nguồn gốc động vật đã được vận chuyển tới Việt Nam. So với thủ tục của Nhật Bản và các nước khác thì đây là thời gian khá dài và cũng chính là một trong những nguyên nhân làm giá bán thực phẩm có nguồn gốc động vật tăng cao do cần thêm chi phí bảo quản. Quan trọng hơn, thời gian bảo quản lâu sẽ gây ra các vấn đề như chất lượng thực phẩm xuống cấp và các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khác.

Thực phẩm Nhật Bản mất không ít thời gian khi nhập khẩu vào Việt NamẢnh: THÀNH TRÍ

Chưa hết, đối với những sản phẩm, thực phẩm có nguồn gốc động vật nhập khẩu lần đầu tiên vào Việt Nam, khi thực hiện thủ tục xin phép nhập khẩu còn phải nộp bản sao giấy chứng nhận kiểm dịch được phát hành 1 - 2 ngày trước khi nhập khẩu của nước xuất khẩu. Điều này đòi hỏi DN phải xin phép nhập khẩu ngay trước khi xuất khẩu sản phẩm. Tuy nhiên, theo quy trình thủ tục nêu trên thì thời gian từ lúc xin cấp phép nhập khẩu cho đến khi có quyết định cho phép nhập khẩu đã mất 5 ngày làm việc. Do vậy, khi vận chuyển thực phẩm có nguồn gốc động vật bằng đường hàng không thì những thực phẩm đã đăng ký xin phép nhập khẩu sẽ tới trước khi được cấp phép nhập khẩu. Đây cũng lại là một trong những nguyên nhân làm tăng thêm thời gian bảo quản thực phẩm có nguồn gốc động vật. Nếu các thủ tục trên được tiến hành để kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có nguồn gốc động vật thì việc thực hiện quá nhiều thủ tục ngược lại sẽ làm mất tính an toàn của thực phẩm. Vì thế, khó có thể nói cách làm hiện tại là hợp lý.

Ông Nakagawa Motohisa, đại diện DN Nhật Bản cho rằng, theo quy định của Việt Nam, hồ sơ cần thiết khi đăng ký kiểm dịch thực vật đối với thực phẩm chế biến đã gây khó khăn không đáng cho việc nhập khẩu thực phẩm chế biến, nhất là khi chế độ kiểm dịch từ Nhật Bản đã được thực hiện rất khắt khe. Các thực phẩm chế biến đã qua công nghệ xử lý thực vật công nghệ cao không phải là vật thể gây sâu bệnh lan tràn tới thực vật.

Cấm gặp gỡ giữa nhân viên làm thủ tục với doanh nghiệp

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Sơn Hà, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, hiện nay yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với gluten nhập khẩu phải tiếp tục thực hiện do thực tế vẫn còn những sản phẩm gluten khi xét nghiệm có vi sinh vật gây hại. Trường hợp những DN Nhật Bản muốn được miễn, giảm thủ tục này cần cung cấp thêm thông tin cần thiết về quá trình chế biến cho các cơ quan chức năng. Riêng lệ phí và rút ngắn thời gian thông qua hình thức xin phép trực tuyến thì cần phía Nhật Bản hỗ trợ thêm phía cơ quan chức năng Việt Nam nhằm xóa bỏ những hành vi vi phạm tính minh bạch, cũng như giúp việc thực hiện thủ tục đăng ký sản phẩm được thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhấn mạnh thêm, bộ đang triển khai thủ tục đăng ký trực tuyến từ năm 2014 và cho đến nay cũng nhận được những phản ánh tích cực từ phía cộng đồng DN. Không chỉ vậy, bộ đã triển khai quy định cấm hoàn toàn chuyện gặp gỡ giữa DN và nhân viên làm thủ tục. Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn tồn tại tình trạng một số DN không làm thủ tục trực tiếp mà thuê một đối tác khác làm, do đó phát sinh thêm phí, thêm thời gian, gây sự hiểu lầm. Thời gian tới, sẽ áp dụng hình thức kiểm tra rủi ro. Theo đó, các cơ quan chuyên ngành sẽ kiểm tra trên hồ sơ và chỉ thực hiện lấy mẫu đột xuất nếu có nghi ngờ về sai phạm của DN. Ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM cho rằng, mức độ gia tăng đầu tư vào Việt Nam của DN Nhật Bản phụ thuộc khá nhiều vào việc trao đổi thông tin giữa các DN Nhật Bản và các cơ quan quản lý của Việt Nam. Đây là cơ sở để giúp các DN Nhật Bản có được nhiều thông tin về các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các DN nước ngoài nói chung và các DN Nhật Bản nói riêng.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục