(SGGPO).- Theo phản ánh của người dân tại khu vực sông Cầu Trắng, thuộc địa phận phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), nhiều ngày qua, cứ từ trưa cho đến chiều, nhiều loại cá nổi lên đầy mặt nước ngoi ngóp. Đến tầm 16 giờ hàng ngày, số cá này chết phơi bụng phần tấp vào hai bên bờ sông, phần chảy thẳng ra bãi biển cách đó không xa gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Trong khi đó, trong những ngày qua, trước tình trạng cá chết nổi trên mặt nước, hàng chục người dân sống trong khu vực này đổ xô ra sông vớt cá gần chết mang đi bán tại các chợ Nam Ô, Hòa Khánh và một số chợ nhỏ trong khu vực.
Người dân cũng bức xúc “tố” một ống cống nước thải đổ từ khu công nghiệp ra sông gần khu vực xảy ra hiện tượng cá chết và cho rằng đây chính là “thủ phạm” đầu độc dòng sông khiến cá chết mấy ngày qua. Không những thế, người dân còn cho biết bãi biển Kim Liên – nơi sông Cầu Trắng đổ ra biển cũng bị ô nhiễm khiến người dân nơi đây ngứa mình mẩy khi đi tắm biển về.
Trao đổi với PV SGGP, ông Trần Phước Huấn – Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, cho biết: Ngày 15-5, trước tình trạng cá chết hàng loạt, UBND phường đã báo cáo lên các cơ quan chức năng. Trong sáng 17-5, UBND phường Hòa Hiệp Bắc đã có văn bản gửi Phòng Cảnh sát Môi trường (PC36) Công an TP Đà Nẵng, Phòng Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) quận Liên Chiểu cùng các cơ quan chức năng khác yêu cầu vào cuộc điều tra nguyên nhân cá chết.
Ngay trong sáng 17-5, một đội liên ngành gồm Cảnh sát Môi trường, Phòng TNMT quận,…đã tiến hành đi kiểm tra hiện trường nơi xảy ra cá chết hàng loạt trên sông Cầu Trắng. Bà Huỳnh Thị Nga – Phó Trưởng phòng TN&MT quận Liên Chiểu cho biết, khi Phòng PC36 và Phòng TN&MT quận đi kiểm tra đã phát hiện một cống đổ ra sông đen ngòm và có dấu hiệu của nước thải phẩm màu xử lý giấy nên lấy mẫu kiểm tra. Đội kiểm tra liên ngành cũng tổ chức kiểm tra đột xuất và lấy mẫu nước thải các công ty sản xuất trong KCN có dấu hiệu xả nước thải ra sông như Công ty Giấy Thịnh Phú, Công ty Giấy Sức Trẻ và Nhà máy Hóa chất...
Bà Nga cho biết, do KCN Liên Chiểu chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung nên khi xây dựng nhà máy nơi đây, chính quyền yêu cầu các công ty phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải nội bộ xử lý trước khi thải ra sông. Tuy nhiên chưa biết công ty nào “đầu độc” dòng sông.
Trước mắt, Phòng TN&MT quận chỉ đạo địa phương tổ chức vớt cá trên sông mang đi tiêu hủy để giảm thiểu ô nhiễm. Đồng thời yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng dùng hóa chất xử lý môi trường. Điều đáng nói, tình trạng trên đã được người dân phản ảnh lên chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng nhưng suốt trong một thời gian dài vẫn chưa được xử lý triệt để.
NGUYÊN KHÔI
>> Cá chết hàng loạt do nước sông bị ô nhiễm?