Trước mỗi một đợt biến động về giá thuốc, đặc biệt là tình trạng giá thuốc bệnh viện thường cao hơn giá thuốc ngoài thị trường, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế lại cấp tập yêu cầu Sở Y tế các địa phương đẩy mạnh kiểm tra giá thuốc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để ổn định thị trường dược phẩm thì kiểm tra chỉ là giải pháp tức thời, không thể giải quyết được tình trạng giá thuốc cứ ngấm ngầm “gặm nhấm” sức khỏe người dân.
Khó kiểm soát thuốc biệt dược
Theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, hiện nay thị trường dược phẩm Việt Nam đang lưu hành trên 22.000 mặt hàng thuốc, với hơn 1.500 hoạt chất của nhiều chủng loại, hàm lượng khác nhau. Chính sự đa dạng của thị trường dược phẩm đã khiến cho việc quản lý giá thuốc, cũng như xây dựng một khung giá thuốc để kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn.
Hơn nữa, thuốc tuy là mặt hàng đặc biệt nhưng cũng phải chịu sự chi phối của cơ chế thị trường. Do đó, việc bình ổn giá thuốc không chỉ sử dụng biện pháp hành chính cứng nhắc, mà còn phải chịu sự tác động của cơ chế thị trường nên không tránh khỏi việc tăng hay giảm giá.
Liên quan tới tình trạng giá thuốc ngoại nhập bị tăng lên nhiều lần khi vào trong bệnh viện, cũng như khi ra thị trường bán lẻ do phải qua nhiều khâu mua bán lòng vòng, đặc biệt là hoa hồng cho bác sĩ. Cục trưởng Trương Quốc Cường cho biết, Cục Quản lý dược đã yêu cầu các hãng dược phẩm phải báo cáo cụ thể về những thông tin này, đồng thời phải cung cấp đầy đủ giá bán của sản phẩm thuốc đó tại các nước trong khu vực để làm cơ sở so sánh.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng sẽ có những biện pháp kiểm tra, giáo dục nâng cao y đức của các bác sĩ, kiến nghị xử lý nghiêm những vi phạm về sử dụng lợi ích vật chất hay tài chính dưới mọi hình thức để tác động tới thầy thuốc, người dùng thuốc nhằm thúc đẩy việc kê đơn, sử dụng thuốc biệt dược đắt tiền, gây ảnh hưởng tới người bệnh.
Cần sửa quy chế đấu thầu thuốc bệnh viện
Giá thuốc ngất ngưởng còn có nguyên nhân sâu xa từ quy chế đấu thầu thuốc theo Thông tư liên tịch số 10 ngày 10-8-2007 chưa cụ thể, rõ ràng, dẫn đến tình trạng một loại thuốc có cùng tên, hàm lượng và cơ sở sản xuất nhưng giá chênh nhau từ vài chục đến vài trăm phần trăm so với giá nhập khẩu.
Một số chuyên gia dược phẩm cho rằng, Bộ Y tế và các cơ quan có trách nhiệm cần phải sớm sửa đổi những bất cập trong thông tư trên, thực hiện đấu thầu thuốc bệnh viện theo hình thức tập trung mới có thể ổn định thị trường dược theo hướng minh bạch.
Đồng thời, xây dựng quy định và công khai giữa giá thuốc nhập khẩu với giá bán lẻ và giá thuốc cùng loại được bán tại một nước trong khu vực. Đối với tình trạng bác sĩ nhận hoa hồng từ hãng thuốc hoặc quảng cáo cho một loại thuốc nào đó là vi phạm nghiêm trọng về y đức phải xử lý nghiêm.
Trong khi đó, về phía Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược Việt Nam cho biết, cả nước có khoảng 15.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc, 500 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký kinh doanh ngành thuốc tại Việt Nam, 40.000 cơ sở bán thuốc trong đó có 11.000 cơ sở kinh doanh tư nhân do dược sĩ đứng tên. Điều này cho thấy, hiện nay thị trường dược trong nước đang có sự cạnh tranh quyết liệt.
Tuy nhiên để ổn định được giá thuốc trên thị trường, cũng như giá thuốc bệnh viện, theo ông Đỗ Văn Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược Việt Nam, cần tuyên truyền tích cực hơn để bác sĩ và người dân cùng hình thành thói quen dùng thuốc nội. Quy định chặt chẽ, cụ thể trong việc kê đơn thuốc của bác sĩ theo hướng chỉ khi nào không có thuốc nội để điều trị và thật cần thiết mới sử dụng thuốc ngoại.
Đồng thời, bác sĩ khi kê đơn cũng cần lưu ý đến thuốc nội có thành phần tương đương. Về phía lãnh đạo các bệnh viện phải thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các bác sĩ kê đơn thuốc vượt số lượng so với yêu cầu chữa bệnh, hoặc kê đơn thuốc bất hợp lý gây thiệt hại cho người bệnh.
Trung Kiên