Kiên Giang có hơn 200km bờ biển và 105 hòn đảo với ngư trường rộng hơn 63.000km², mỗi năm trên vùng biển Kiên Giang có khả năng khai thác trên 450.000 tấn hải sản các loại. Tuy nhiên, việc khai thác tràn lan đang dẫn tới nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản…
Ở Kiên Giang, nghề khai thác thủy hải sản đã trở thành cuộc sống mưu sinh của đa số bà con vùng ven biển và hải đảo. Với việc sử dụng tàu thuyền loại nhỏ tập trung khai thác ở vùng nước cạn ven bờ, cùng sự gia tăng số lượng tàu đánh bắt ven bờ, vùng sinh sản chủ yếu của nhiều loài hải sản đã khiến nguồn lợi và môi trường sinh thái bị đe dọa. Nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao đang giảm dần; cùng với đó, việc đánh bắt tôm cá bằng loại lưới kích cỡ nhỏ cũng là nguyên nhân lượng hải sản suy giảm nhanh. Theo ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, vào những năm 2010, số lượng tàu cá ở Kiên Giang có hơn 7.560 chiếc, trong đó tàu công suất dưới 45CV chiếm khoảng 30%; đến năm 2014, số phương tiện tàu cá đã tăng lên gần 12.000 chiếc, tàu công suất dưới 45CV chiếm đến 70%. Mặc dù số tàu cá tăng nhưng công suất tàu lại giảm, đồng nghĩa với năng suất khai thác cũng giảm rõ rệt.
Nhiều tàu cá công suất nhỏ, khai thác gần bờ đã dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ở Kiên Giang Ảnh: NGỌC DÂN
Đơn cử như năm 2005, số lượng khai thác của Kiên Giang đạt hơn 305.000 tấn; đến năm 2010, lượng khai thác đạt 370.000 tấn (tăng 16%); kết thúc năm 2014, con số này tăng lên 420.000 tấn, nhưng chỉ tăng 12%. Như vậy, nếu so với tỷ lệ 40% số phương tiện tăng thêm thì giá trị khai thác thủy sản đã giảm ở mức thấp. Điều đó cho thấy nguồn lợi thủy sản suy giảm nghiêm trọng. Theo ghi nhận của Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, sản lượng khai thác ven bờ đã giảm từ 70 - 100 tấn/năm. Điều này chứng tỏ áp lực khai thác ven bờ lên nguồn thủy sản quá lớn.
Việc gia tăng khai thác tốc độ như hiện nay, đặc biệt sự mất cân đối giữa hai lực lượng khai thác ven bờ và xa bờ đã khiến môi trường sinh thái, bãi sinh sản các loài thủy sản đang bị phá hủy và đe dọa. Theo số liệu điều tra mới nhất của ngành thủy sản, chính khai thác không cân đối nguồn thủy sản vùng biển ven bờ và xa bờ, độ sâu từ 30m nước trở vào đã vượt quá giới hạn cho phép từ 20% - 30%; năng suất khai thác giảm 50% - 60% so với những năm đầu thập niên 1990; tỷ lệ hải sản chưa trưởng thành bị dính trong mẻ lưới vượt giới hạn cho phép từ 30% - 45%.
Hiện nay, các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang tập trung tuyên truyền để ngư dân hiểu và thực hiện tốt việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Song để nghề khai thác hải sản vùng ven bờ bền vững thì cần có những giải pháp hữu hiệu để vừa giảm tình trạng khai thác quá mức nguồn lợi hải sản ven bờ, vừa không tác động đến cuộc sống của ngư dân. Điều quan trọng là ngành chức năng phải có đội ngũ quản lý nghề cá đủ năng lực và số lượng để quản lý tốt về mặt nhà nước trong tương lai.
VĨNH THUẬN