Kiên Giang: Tài nguyên sắp cạn!

“Hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản ở Kiên Giang còn khá nhiều bất cập. Tình trạng cấp phép khai thác tràn lan, khai thác thủ công không đảm bảo an toàn lao động, khai thác quy mô nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế thấp, chưa phục vụ tốt nhu cầu phát triển của địa phương”. Đó là đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Hoàng Sa.

“Hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản ở Kiên Giang còn khá nhiều bất cập. Tình trạng cấp phép khai thác tràn lan, khai thác thủ công không đảm bảo an toàn lao động, khai thác quy mô nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế thấp, chưa phục vụ tốt nhu cầu phát triển của địa phương”. Đó là đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Hoàng Sa.

Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Kiên Giang Võ Thị Vân cho biết, Kiên Giang được khai thác các loại khoáng sản như: đá xây dựng, đá vôi, đất sét gạch ngói và vật liệu san lấp. Đối với đá xây dựng, tỉnh đã cấp 23 giấy phép khai thác và 2 giấy phép thăm dò tại 6/7 địa điểm đã được quy hoạch; cấp phép khai thác và thăm dò tại 14/15 mỏ vật liệu san lấp từ đất liền, 9/17 mỏ vật liệu san lấp từ biển, 5/9 mỏ than bùn và 3/19 mỏ đất sét.

Ngoài ra, trên địa bàn Kiên Giang có 8 mỏ đá vôi với trữ lượng hơn 153 triệu tấn và 4 mỏ đất sét xi măng trữ lượng hơn 82 triệu tấn do Chính phủ quản lý. Các mỏ đá vôi này tập trung ở huyện Kiên Lương, được cấp phép khai thác để làm nguyên liệu cho 5 nhà máy xi măng và 1 nhà máy sản xuất clinker công suất 450.000 tấn/năm. Các mỏ đá vôi còn lại thuộc thẩm quyền của địa phương có trữ lượng rất thấp nhưng cũng đã được tỉnh cấp 11 giấy phép khai thác, 3 giấy phép thăm dò và 1 hồ sơ đã được chủ trương của tỉnh.

Theo bà Võ Thị Vân, hiện các mỏ đá vôi thuộc thẩm quyền cấp phép của tỉnh đã khai thác gần hết diện tích và trữ lượng. “Đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương thăm dò tiếp… phần âm của các mỏ này để đánh giá chất lượng, trữ lượng dự trữ cho nhu cầu khai thác đá vôi trong thời gian tới”, bà Vân đề nghị.

Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Kiên Giang Võ Ngọc Thứ cho rằng: “Việc cấp phép khai thác khoáng sản chỉ nghiêng về lợi ích kinh tế, chưa quan tâm đến vấn đề an toàn lao động”.

Ông Nguyễn Thiện Tấn, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH Kiên Giang, bức xúc: “Nhiều địa điểm khi thanh kiểm tra mới phát hiện có quá nhiều doanh nghiệp cùng khai thác. Do có sự chồng lấn địa bàn nên thường xuyên xảy ra tranh chấp làm mất an ninh trật tự tại các khu vực này. Một số doanh nghiệp giỏi ngoại giao đã “chạy” được giấy phép khai thác ở nhiều mỏ, nhưng không trực tiếp khai thác mà khoán cho doanh nghiệp khác. Có trường hợp một mỏ đá được sang tay đến 3-4 lần. Đơn vị trực tiếp khai thác lại không đủ năng lực, thiết bị không đảm bảo an toàn, không có người đủ trình độ quản lý mỏ, lao động làm việc bấp bênh…”.

Theo ông Nguyễn Thiện Tấn, hiện mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này quá thấp so với lợi nhuận của doanh nghiệp nên không đủ sức răn đe, vì vậy khó khắc phục sai phạm triệt để.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Hoàng Sa lo ngại, với tốc độ khai thác ồ ạt, tràn lan như hiện nay, không bao lâu nữa nguồn tài nguyên khoáng sản của Kiên Giang sẽ cạn kiệt. Do vậy, phải có sự chọn lọc kỹ càng, chỉ nên cấp phép cho doanh nghiệp có đủ năng lực, sử dụng công nghệ hiện đại, quy trình khai thác đảm bảo về yêu cầu môi trường, gia tăng giá trị kinh tế của tài nguyên khoáng sản… 

TRỌNG NGHĨA

Tin cùng chuyên mục