(SGGPO).– Ngày 28-10, tại hội thảo Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ, do Hiệp hội các trường Đại học-Cao đẳng (ĐH-CĐ) Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội ĐH-CĐ Việt Nam cho rằng, trong năm học 2014-2015, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ có sự thay đổi lớn. Dư luận bước đầu đánh giá việc đổi mới này giúp người học đỡ vất vả, việc tuyển sinh đỡ tốn kém, các trường ĐH-CĐ có nhiều lựa chọn cách tuyển sinh.
Tuy nhiên, về cách tổ chức thi THPT với cả 2 mục đích (công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh ĐH-CĐ) cũng như cách tuyển sinh ĐH-CĐ đặt ra nhiều vấn đề, nhất là về mặt kỷ thuật, cần thảo luận, rút kinh nghiệm, nhằm thực hiện tốt hơn trong các năm sau.
Theo Hiệp hội, đối với thi tốt nghiệp THPT cần tiếp tục bàn về những vấn đề như lựa chọn môn thi thế nào để học sinh quan tâm học toàn diện các môn của chương trình giáo dục phổ thông và có định hướng rõ về con đường tương lai; cách ra đề thi thế nào để có thể vừa đánh giá được trình độ của học sinh đại trà, đạt trình tốt nghiệp, vừa xác định được những học sinh có năng lực cao hơn lựa chọn vào các mục đích khác; thời điểm thi tốt nghiệp THPT vào lúc nào thì thuận lợi cho việc chuẩn bị của học sinh, của các cơ quan quản lý và có đủ thời gian để sử dụng kết quả thi THPT vào các mục đích khác, mà trực tiếp hơn cả là vào tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ. Ngoài ra, về cách tổ chức thi cũng cần bàn thêm nên phân công cho cấp nào quản lý thi tốt nghiệp THPT, Trung ương hay địa phương; có nên phân chia làm 2 loại cụm thi: cụm thi do trường Đại học chủ trì và cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì như năm 2014 hay không?. Nên sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT vào các mục đích khác, trực tiếp để tuyển sinh ĐH-CĐ như thế nào?
GS Trần Hồng Quân cũng đề nghị, phải bàn kỹ nên tổ chức tuyển vào ĐH-CĐ như thế nào, trong đó có việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ để xét tuyển. Tổ chức cho học sinh đăng ký dự thi (thi vào trường nào, bao nhiêu nguyện vọng là hợp lý, thời điểm đăng ký lúc nào là thuận tiện...)? Cách sử dụng kết quả thi để tuyển sinh ĐH-CĐ (Cách căn cứ vào điểm thi để tuyển, có cần xác định ngưỡng điểm hay điểm sàn để tuyển không; cách điều chỉnh nguyện vọng, chuyển trường; thời gian ấn định cho các khâu đó)? Có nên để các trường ĐH-CĐ tự tổ chức tuyển sinh theo chỉ tiêu đã được duyệt không? Đó đều là những vấn đề mà Bộ GD-ĐT phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi “chốt” phương án thi năm 2016.
Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ là hai hoạt động khác nhau, cho nên nói kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi “hai trong một” không hoàn toàn chính xác. Thi tốt nghiệp THPT không hạn chế số lượng người tốt nghiệp trong khi tuyển sinh ĐH-CĐ bị hạn chế bởi chỉ tiêu tuyển sinh từng trường. Vì vậy, theo GS Trần Hồng Quân, trong khi sử dụng kết quả thi THPT như là một căn cứ để tuyển sinh ĐH-CĐ cần bảo đảm: đề thi phải có phần những người có trình độ trung bình trở lên đều làm được để đạt điểm tốt nghiệp tối thiểu và có phần chỉ những người có năng lực trên trung bình, khá và giỏi mới có thể làm được, để trong trường hợp cần phải lựa chọn thì có thể xác định được những người đó trong tập hợp những người tốt nghiệp. Chẳng hạn, đề thi có thể gồm 50% câu có độ khó trung bình, 30% tương đối khó, 20% thật khó. Muốn thế các câu hỏi trong đề thi phải được chuẩn hóa và chuẩn bị sẵn từ trước, ngân hàng câu hỏi phải rất dồi dào, phong phú. Khi tổ chức thi chỉ cần lựa chọn, sắp xếp các câu hỏi để tạo ra đề chứ không thể lúc đó mới sáng tác các câu hỏi. Khi xây dựng đề thi mà sử dụng các câu hỏi mới sáng tác, chưa được đánh giá và phân loại trước thì sẽ đưa đến các kết quả ngoài dự kiến. Việc các trường xét tuyển ra sao, có cần thi tuyển hay không, cách thi tuyển như thế nào phải do trường tự quyết định.
Trong khi đó, GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội góp ý, nên tiếp tục một kỳ thi như năm 2015 nhưng không cần phải có nhiều cụm thi như vậy, chỉ nên giao các Sở GD-ĐT tổ chức cụm thi. Sở GD-ĐT nên tổ chức các cụm thi liên huyện để học sinh đỡ phải di chuyển. Bộ GD-ĐT vẫn thiết kế đề thi. Đề nghị dứt khoát chuyển kỳ thi THPT Quốc gia cho các sở. Mặt khác, để tạo thuận lợi cho các trường ĐH-CĐ tuyển sinh, Bộ GD-ĐT vẫn định ra điểm sàn, nhưng nên để các trường được tuyển 2 đợt/năm. Còn như hiện nay dù là kỳ tuyển sinh kéo dài, gây lãng phí cho xã hội.
Theo phân tích của GS Trần Phương, năm nay ,Bộ GD-ĐT tính toán có khoảng 530.000 thí sinh trên điểm sàn, nhưng đã gần hết tháng 10, các trường tuyển vẫn không tuyển đủ, đơn cử Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mới tuyển được 2.600/4.500 chỉ tiêu. Vì vậy, GS Trần Phương nghi ngờ tính toán của Bộ GD-ĐT không đúng. “Đã đến lúc xét lại điểm sàn. Có thật phải đạt điểm sàn mới học tốt được không? Kinh nghiệm của trường tôi là không cần. Nhiều trường quốc tế tuyển sinh ở Việt Nam chỉ cần đạt yêu cầu về ngoại ngữ. Tôi cho rằng, cách định điểm sàn còn có hại vì hàng năm có mấy nghìn học sinh của Việt Nam ra nước ngoài học đại học chỉ vì không đủ điểm sàn của trường đại học Việt Nam. Đây là một nghịch lý, trong khi học sinh của Việt Nam ra nước ngoài học còn các trường trong nước thì thiếu thí sinh”, GS Trần Phương nêu.
PHAN THẢO