Kiến nghị gỡ vướng cho công trình “rùa”

Có nhiều công trình chậm tiến độ mà nguyên nhân chủ yếu là do… giải ngân khó. Nhưng theo khảo sát, giải ngân khó là do vướng quá nhiều các quy định pháp luật. Do vậy, để thúc đẩy các công trình đẩy nhanh tiến độ, giảm thiệt hại do việc chậm tiến độ gây ra, Bộ Tài chính vừa đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định pháp luật.
Kiến nghị gỡ vướng cho công trình “rùa”

Có nhiều công trình chậm tiến độ mà nguyên nhân chủ yếu là do… giải ngân khó. Nhưng theo khảo sát, giải ngân khó là do vướng quá nhiều các quy định pháp luật. Do vậy, để thúc đẩy các công trình đẩy nhanh tiến độ, giảm thiệt hại do việc chậm tiến độ gây ra, Bộ Tài chính vừa đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định pháp luật.

Chậm do vướng quy định

Số liệu của Kho bạc Nhà nước cho thấy, hoạt động giải ngân vốn đầu tư hàng năm có xu hướng giảm: năm 2013, giải ngân đạt 95%; năm 2014 đạt 91% và năm 2015 xuống còn 87%. Hoạt động giải ngân tập trung vào những tháng cuối năm, còn những tháng đầu năm thì thường ì ạch. Tiến độ giải ngân 5 tháng đầu năm 2016 chỉ mới đạt 20,9%, thấp hơn các năm trước. Để tháo gỡ khó khăn này, Bộ Tài chính đã chủ động sửa đổi Thông tư số 08/2016/TT-BTC về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhằm rút ngắn quy trình, đơn giản hóa thủ tục giải ngân vốn. Bộ đề xuất theo hướng, các yêu cầu trong hồ sơ giải ngân dự án vốn đầu tư phải được giảm bớt, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý dự án đầu tư và tạo thuận lợi tối đa trong quá trình thanh toán.

Đồng thời, bộ cũng rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định của luật, nghị định không phù hợp. Cụ thể, Luật Đầu tư công quy định các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách, thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước đến hết ngày 31-12 năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư giai đoạn sau. Thời gian giải ngân hàng năm được kéo dài sang năm sau. Thế nhưng đến Nghị định số 77/2015/NĐ-CP của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm lại quy định, thời gian giải ngân kế hoạch đầu tư công hàng năm được kéo dài đến hết ngày 31-12 năm sau năm kế hoạch. Ngoài ra, nghị định phát sinh thêm quy định buộc các bộ, ngành, địa phương trước ngày 15-3 hàng năm phải gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính danh mục dự án chưa giải ngân hết kế hoạch năm trước và đề xuất danh mục, lý do và mức vốn kế hoạch kéo dài thời gian thanh toán sang năm sau. Chính việc nghị định “đẻ” thêm quy định đã làm tăng thủ tục, gây khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương khi phải đối chiếu số liệu mức vốn còn lại chưa thanh toán.

Luật Xây dựng cũng có một số vướng mắc khi quy định cụ thể về thẩm quyền, nội dung, hồ sơ, quy trình thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng công trình. Các chủ đầu tư cho rằng, số lượng dự án hàng năm ở các địa phương lớn, trong khi lực lượng cán bộ của cơ quan chuyên môn tại các bộ, ngành, địa phương có hạn, vì vậy các quy định mới này đã làm chậm tiến độ thẩm định thiết kế, dự toán, nên đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc giải ngân.

Một công trình thi công hạ tầng giao thông ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Tháo gỡ là phải cắt bỏ

Hầu hết các kiến nghị về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho giải ngân là phải cắt bỏ các quy định về quy trình và thủ tục kéo dài. Cụ thể, Luật Đầu tư công, Nghị định 77/CP quy định vốn đầu tư công được kéo dài thời hạn thanh toán trong 2 năm đã tạo tâm lý ỷ lại cho các bộ, ngành, địa phương, không tích cực thanh toán kế hoạch vốn ngay trong năm. Các quy định trong Luật Đầu tư công về việc giao, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư đã làm giảm tính chủ động của các bộ, ngành, địa phương trong điều hành kế hoạch vốn được giao vì bị tăng thêm thủ tục hành chính (cụ thể, muốn điều chỉnh vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án nhanh tiến độ phải báo cáo và xin phép Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ trước mắt chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh việc phân cấp đối với việc giao và điều chỉnh chi tiết kế hoạch đầu tư hàng năm. Bộ Tài chính cũng đề nghị Chính phủ xem xét kiến nghị Quốc hội sửa quy định này theo hướng phân cấp phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương.

Quy định về vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn tại Luật Đầu tư công là 10% trên tổng mức vốn kế hoạch trung hạn theo từng nguồn vốn, chính quy định này đã dẫn đến việc phân tán, không tập trung nguồn vốn. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị nên sửa đổi lại theo hướng quy định mức vốn dự phòng là 10% trên tổng số chi của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Ngoài ra, bộ cũng kiến nghị cần thêm nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch. Ví dụ như khi lập kế hoạch đầu tư công hàng năm phải đảm bảo chắc chắn khả năng cân đối nguồn vốn, trên cơ sở căn cứ tình hình thực tế và kế hoạch đầu tư công trung hạn có tính định hướng được duyệt.

Riêng đối với các vướng mắc trong Luật Xây dựng, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng rà soát, nghiên cứu phân cấp việc thẩm định thiết kế, thẩm định dự toán xây dựng theo quy định hiện hành nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời, hướng dẫn chi tiết về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các ban quản lý khu vực và ban quản lý dự án chuyên ngành theo quy định.

CHẾ HÂN

Tin cùng chuyên mục