Kiên quyết không xuất thô khoáng sản

Sáng nay, 25-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tiếp tục trả lời 36 câu hỏi chất vấn của 18 vị đại biểu Quốc hội mà ông đã nhận được cuối chiều qua. Sau đó, 10 đại biểu khác đã tiếp tục nêu câu hỏi đối với Thống đốc. 

(SGGPO).- Sáng nay, 25-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tiếp tục trả lời 36 câu hỏi chất vấn của 18 vị đại biểu Quốc hội mà ông đã nhận được cuối chiều qua. Sau đó, 10 đại biểu khác đã tiếp tục nêu câu hỏi đối với Thống đốc. 

Tái cơ cấu dựa vào nội lực, tiết kiệm chi phí

Khẳng định lại những lý do cấp bách của việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, ông Nguyễn Văn Bình cho biết, theo lộ trình tái cơ cấu, trong quý I năm 2012 sẽ thực hiện xong việc phân loại các ngân hàng và nâng cao tính thanh khoản của các ngân hàng. Bước tiếp theo (đến hết năm 2013) sẽ hoàn thành tái cơ cấu. Từ năm 2013 – 2015: tăng cường sức mạnh cho các ngân hàng, tiến tới năm 2020 có 4 ngân hàng có khả năng cạnh tranh quốc tế, trong đó có 1-2 ngân hàng được xếp loại ngân hàng lớn ở khu vực Đông Nam Á.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Minh Điền

Đặt vấn đề ở một góc nhìn khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, không chỉ có các ngân hàng quy mô nhỏ mới đáng lo ngại. Theo đại biểu, từ kinh nghiệm quốc tế, một ngân hàng quá lớn, có khả năng lũng đoạn thị trường, vô hiệu hóa luật pháp mà đứng trước nguy cơ đổ vỡ sẽ có thể làm Nhà nước hao tốn tiền của để cứu khi xảy ra chuyện, vì “quá lớn, không thể chết”. Liệu ở Việt Nam có thể xảy ra nguy cơ này hay không?

Trả lời, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, Việt Nam chưa có ngân hàng nào được coi là quá lớn và “đại biểu có thể hoàn toàn yên tâm là không có chuyện có ngân hàng to đến mức không cho đổ vỡ được”.

Công tác thanh tra kiểm tra của ngân hàng còn yếu kém

Bác bỏ nghi ngờ của một số đại biểu về “nhóm lợi ích” trong việc ấn định trần lãi suất huy động tiền gửi 14%/ năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, việc xác định trần lãi suất này đã được cân nhắc kỹ, đảm bảo sự hài hòa lợi ích của các bên tham gia thị trường tiền tệ.

“Chúng tôi không đặt vấn đề lợi cho ngân hàng nào. Nếu lợi cho ngân hàng nhỏ mà lại thiệt cho ngân hàng lớn thì có nên chăng? Mặt khác, tôi tin rằng, ngân hàng nhỏ nhưng hoạt động tài chính lành mạnh thì cũng không gặp khó khăn gì với quy định này” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.

Về đề nghị áp dụng trần lãi suất cho vay ra thay vì trần lãi suất huy động của đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) và một số đại biểu khác, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, trong điều kiện của Việt Nam, việc điều hành bằng trần lãi suất huy động sẽ hiệu quả hơn, bởi quy định trần lãi suất cho vay sẽ dẫn đến hiện tượng cào bằng lãi suất cho vay, không phân biệt đối tượng vay, không khuyến khích được những lĩnh vực, đối tượng cần ưu tiên…

Liên quan đến lời “phàn nàn” của các đại biểu Thân Đức Nam, Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) về tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, chính sách tiền tệ, tín dụng bị thắt quá chặt nên tín dụng từ đầu năm đến nay mới chỉ tăng trưởng khoảng một nửa chỉ tiêu cho phép (9-10% so với 20%)…, Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải trình rằng: chính sách tiền tệ phải đảm bảo cân đối thực hiện cả hai mục tiêu: chống lạm phát và chống suy thoái. Ông nhắc lại hình ảnh “người đi trên dây”, nghiêng quá về bên nào hậu quả cũng khôn lường.

Tuy nhiên, việc điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đã chuyển từ chỗ chạy theo thị trường sang dẫn dắt thị trường, Thống đốc khẳng định. Lợi nhuận của ngân hàng thương mại hiện nay cũng ở mức hợp lý chứ không quá cao như có đại biểu phản ánh.

“So với tổng tài sản quản lý của một ngân hàng ở mức trung bình khoảng 50-60 chục ngàn tỷ đồng thì lãi ra 1.000 đến 2.000 tỷ đồng/ năm cũng là thấp. Lợi nhuận của ngân hàng đứng thứ 15 trong các nhóm doanh nghiệp ở nước ta, nghĩa là ở mức trung bình. Giá cổ phiếu của các tín dụng cũng ở mức thấp, chứng tỏ họ không lãi “khủng” như nhiều người nghĩ”, ông Bình giải thích cặn kẽ.

Về việc doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay, Thống đốc nói, vấn đề chính không phải là thiếu vốn mà là phải thực hiện mục tiêu khống chế tăng trưởng tín dụng để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, những doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả nhất định sẽ được vay vốn. “Chúng tôi có tới khoảng 10kg tài liệu hồ sơ của các doanh nghiệp được vay vốn từ đầu năm đến nay” – Thống đốc  cung cấp thông tin cho đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến. 

Đáng lưu ý, Thống đốc cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2011, hàng ngàn cuộc thanh tra, kiểm tra đã được Ngân hàng Nhà nước tiến hành, nhưng chưa phát hiện được trường hợp nào vi phạm.

Thực tế này khiến đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) bức xúc: “Thống đốc có yên tâm với kết quả thanh tra như thế? Các ngân hàng lén lút vi phạm, vừa là mất người (cán bộ tiêu cực), mất tiền, mất của, mất uy tín trước nhân dân. Nếu thanh tra các ngành khác phát hiện ra thì ông chịu trách nhiệm thế nào”?

Đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận). Ảnh: Minh Điền

Trả lời đại biểu, ông Nguyễn Văn Bình thừa nhận, hoạt động thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước vừa qua là yếu kém. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã kiểm điểm sâu sắc, từ tháng 9 trở lại đây đã liên tiếp phát hiện, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, lấy lại niềm tin của Đảng, nhà nước, nhân dân.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) về chủ trương có theo đuổi lãi suất thực dương hay không, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bày tỏ quan điểm: “Chính sách lãi suất không phụ thuộc ý kiến chủ quan của Ngân hàng Nhà nước mà phải dựa vào tình hình kinh tế vĩ mô, nên phải có sự điều chỉnh linh hoạt trong từng giai đoạn khác nhau. Nhưng trong mọi kịch bản, chúng tôi sẽ công bố rõ ràng để người dân và doanh nghiệp được biết”.

Ông Bình nói thêm, hiện nay lạm phát giảm là tiền đề cơ bản để giảm lãi suất trong thời gian tới, giúp doanh nghiệp vay được vốn dễ dàng hơn.

Vàng miếng SJC là thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Nhìn nhận rằng khung pháp lý cho hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng nói chung còn nhiều bất cập, Thống đốc cho biết sẽ có nhiều điều chỉnh, bổ sung chính sách trong thời gian tới theo hướng khuyến khích sản xuất, chế tác vàng trang sức. Riêng vàng miếng, Nhà nước sẽ độc quyền sản xuất, kinh doanh. Việc này có thể ảnh hưởng đến lợi ích của một số đối tượng, nhưng là cần thiết, vì lợi ích chung của quốc gia.

Hiện tại, SJC đang chiếm 90% thị trường vàng miếng, đây là công ty của nhà nước, tới đây sẽ trực thuộc Ngân hàng Nhà nước. Để tiết kiệm được chi phí (hàng trăm tấn vàng miếng đã được sản xuất dưới thương hiệu SJC), trước mắt Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng thương hiệu SJC, nhưng đến thời điểm thích hợp sẽ đổi thành SBV.

Kết thúc phần chất vấn với Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, Thống đốc đã trả lời với thái độ thẳng thắn, khẳng khái nhận trách nhiệm, nêu rõ ràng giải pháp…

Từ 10h sáng nay, 25-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội - chốt lại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội này.

Tại Kỳ họp này, đã có 77 đại biểu Quốc hội gửi 145 phiếu chất vấn với 237 câu hỏi đến Thủ tướng và các thành viên Chính phủ; trong đó, có 8 phiếu với 11 câu hỏi chất vấn Thủ tướng. Hai ngày qua đã có 5 bộ trưởng trực tiếp và 2 Phó Thủ tướng cùng 6 Bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn tại Hội trường.

Mở đầu phần trả lời, Thủ tướng đã giải trình những vấn đề mà đại biểu chất vấn các thành viên Chính phủ mấy ngày qua cũng là những trọng tâm mà Chính phủ tập trung điều hành trong thời gian tới.

Sau phát biểu giải trình, Thủ tướng trả lời chất vấn. Có 22 đại biểu muốn chất vấn, tuy nhiên thời gian chỉ có hơn 1 tiếng. Chủ tịch Quốc hội đã điều hành linh hoạt, để tất cả các đại biểu nêu câu hỏi, sau đó Thủ tướng trả lời.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Minh Điền

 Toàn văn Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Về những thuận lợi, khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng của năm 2011, Thủ tướng cho rằng những khó khăn hiện nay (lạm phát, nhiều công trình dở dang, nợ xấu ngân hàng, mất việc gia tăng, diễn biến khó lường của kinh tế thế giới...) nếu không được giải quyết sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế. Điều đó đòi hỏi phải kiên định các giải pháp đã đề ra.

Về kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cho rằng với điều hành quyết liệt, CPI đã có xu hướng chậm lại, mục tiêu kiềm chế lạm phát khoảng 18% trong năm 2011 là thực hiện được. Năm 2012 tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ. Thủ tướng đề nghị Quốc hội ủng hộ thực hiện cơ chế giá thị trường đối với điện, than, xăng dầu đồng thời có chính sách hỗ trợ đối tượng khó khăn. Các mặt hàng này sẽ phải công khai, minh bạch về giá.

Về tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng cho biết năm 2012 tập trung kiềm chế lạm phát, đưa lạm phát 2012 về 1 con số; tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn. Chính phủ sẽ kéo dài thời gian hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp.

Về tái cơ cấu kinh tế, Thủ tướng cũng khẳng định sẽ tập trung tái cơ cấu đầu tư công theo hướng cắt giảm đầu tư công. Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, rà soát lại quy định phân cấp về đầu tư. Mở rộng thu hút đầu tư của xã hội, nước ngoài. Sắp xếp dự án theo thứ tự ưu tiên để bố trí vốn đối ứng. Không khuyến khích các dự án có sử dụng nhiều lao động giá rẻ, tiêu tốn nhiều năng lượng. Chính phủ sẽ khẩn trương chuẩn bị dự án Luật Đầu tư công, sửa Luật Ngân sách.

Về cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Thủ tướng khẳng định đây là một trong 3 nội dung để cơ cấu lại nền kinh tế, là yêu cầu cấp bách. Sẽ có đề án Cơ cấu lại từng tập đoàn ngay trong năm 2012. Các tập đoàn chỉ tập trung hoạt động trong lĩnh vực chính, thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành trước 2015. Thực hiện công khai minh bạch hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác, kiểm soát có hiệu quả độc quyền Nhà nước. Chính phủ quyến tâm làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Về cơ cấu Ngân hàng, Thủ tướng khẳng định quyết tâm tái cơ cấu, không để tồn tại ngân hàng yếu kém. Chính phủ đang chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ cấu toàn hệ thống ngân hàng. Thực hiện cổ phần hóa các ngân hàng thương mại Nhà nước. Hoàn thiện thể chế để các ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động mạnh, thực sự là ngân hàng đại chúng. Có phương án xử lý cụ thể để giảm nhanh các ngân hàng yếu kém với chi phí thấp nhất nhưng bảo đảm an toàn hệ thống, bảo đảm quyền lợi của người dân, xử lý nghiêm các sai phạm. Việc thành lập các ngân hàng mới, các tổ chức tín dụng sẽ được thẩm định chặt chẽ. Cùng với đó, cũng cơ cấu lại các thị trường khác như chứng khoán, bất động sản.

Cả 3 nội dung tái cơ cấu trên sẽ được thực hiện đồng bộ. Chính phủ sẽ trình Quốc hội đề án Cơ cấu tổng thể nền kinh tế tại kỳ họp tới.

Về nông nghiệp, nông thôn, Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ dành cho nông nghiệp nông thôn rất lớn. Tuy nhiên, bố trí vốn, thu hút vốn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhu cầu. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục quan tâm tăng đầu tư từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ cho nông nghiệp, nông thôn. Chính phủ sẽ trình Quốc hội Kế hoạch đầu tư phát triển 3 năm 2013 - 2015, nếu kế hoạch này được thông qua thì sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (2009 - 2013) tổng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ bố trí cho nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 500.000 tỷ đồng, gấp 2,76 lần so với 5 năm 2004 - 2008, vượt mục tiêu Nghị quyết Trung ương 7 đề ra. Chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ được tập trung chỉ đạo thực hiện, bố trí nguồn lực thích hợp.

Về các vấn đề xã hội, Thủ tướng trân trọng đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết về giải quyết tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông để huy động tổng lực kiềm chế “quốc nạn” này. Chính phủ cũng chú trọng vấn đề giải quyết vấn đề việc làm, giảm nghèo. Riêng với những người nghèo lười lao động cùng với hỗ trợ phải giáo dục, giám sát.

Yêu cầu bảo đảm tự do, an toàn cho hàng hải ở Biển Đông

Đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) chất vấn Thủ tướng: Giải trình của Thủ tướng chưa đề cập đến vấn đề chủ quyển Biển Đông. Xin hỏi Thủ tướng những giải pháp cụ thể để bảo vệ chủ quyền biển bảo?

Trả lời câu này, Thủ tướng cho biết, quán triệt đường lối đối ngoại hòa bình hữu nghị, độc lập tự chủ và chủ quyền quốc gia  của Đảng, Nhà nước ta; trên cơ sở Luật pháp quốc tế nhất là Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc, Tuyên bố  ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) đã ký giữa ASEAN và Trung Quốc; căn cứ vào Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết những vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc mới ký trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc vừa qua. Căn cứ trên đó chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền đối với 4 loại vấn đề trên Biển Đông.

Thứ nhất, đàm phán với Trung Quốc để phân định ranh giới vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc bộ. Trong cửa Vịnh Bắc bộ, sau nhiều năm đàm phán hai bên đã đạt được thỏa thuận phân định ranh giới vào năm 2000. Còn vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc bộ, nếu theo Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc thì thềm lục địa của Việt Nam có chồng lấn với đảo Hải Nam của Trung Quốc. Từ 2006, 2 bên đã tiến hành đàm phán, năm 2009 thì tạm dừng vì lập trường hai bên quá khác nhau. Đến 2010, 2 bên thỏa thuận nên tiến hành đàm phán những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. 

Sau nhiều vòng đàm phán, nguyên tắc này đã được 2 bên ký kết trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua. Trên nguyên tắc này, vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc bộ là quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì vậy 2 bên cùng nhau đàm phán để phân định ranh giới vùng biển này trên cơ sở Công ước Luật biển 1982, DOC, các nguyên tắc đã có để có giải pháp hợp lý mà 2 bên có thể chấp nhận được. Chúng ta đang thúc đẩy với Trung Quốc để xúc tiến  đàm phán giải quyết việc phân định này. Trong khi chưa phân định, trên thực tế, với chừng mực khác nhau, 2 bên đã tự hình thành vùng quản lý của mình trên cơ sở đường trung tuyến. Trên cơ sở đó chúng ta có đối thoại với Trung Quốc để bảo đảm an ninh, an toàn của ngư dân.

Thứ hai, chúng ta phải giải quyết và khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử để khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta đã làm chủ thực sự từ thế kỷ 17, khi 2 quần đảo này chưa thuộc bất cứ quốc gia nào.

“Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, chúng ta có đủ căn cứ pháp lý, lịch sử để khẳng định điều đó. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết, đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, phù hợp với Công ước Luật biển, DOC.

Thứ ba, là đối với quần đảo Trường Sa. Năm 1975, hải quân Việt Nam đã tiếp quản 5 hòn đảo tại Trường Sa bao gồm: đảo Trường Sa, Song Tử Tây, Sơn Ca, Niêm Yết, Sinh Tồn. Sau đó, với chủ quyền của chúng ta, chúng ta tiếp tục mở rộng thêm lên 21 đảo với 33 điểm đóng quân. Chúng ta xây dựng thêm 15 nhà giàn để khẳng định chủ quyền của chúng ta ở vùng biển trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trong khi đó, tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc cũng chiếm 77 đá ngầm, Đài Loan chiếm 1 đảo nổi, Philippines chiếm 9 đảo, Malaysia chiếm 5 đảo, Brunei cũng đòi hỏi chủ quyền trên vùng biển nhưng không chiếm giữ đảo nào. Như vậy, trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam  là quốc gia có số đảo đang đóng giữ nhiều nhất so với các quốc gia và các bên có đòi hỏi chủ quyền ở quân đảo Trường Sa. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có cư dân đang làm ăn sinh sống tại một số đảo mà chúng ta đang nắm giữ (21 hộ với 80 khẩu, trong đó 6 khẩu sinh ra và lớn lên tại đảo).

Chủ trương của Việt Nam là nghiêm túc thực hiện Công ước Luật biển, DOC và nguyên tắc thỏa thuận mà 2 bên vừa ký trong chuyến thăm vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chúng ta yêu cầu các bên giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm tình hình, ảnh hưởng đến hòa bình ở khu vực này. Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng xã hội, cơ sở vật chất những nơi chúng ta đang nắm giữ (đường sá, điện, trường học, trạm xá...)  để cải thiện đời sống và tăng cường khả năng tự vệ của quân dân đảo Trường Sa. Chúng ta cũng có cơ chế chính sách (hiện đã có, đang đánh giá, sơ kết) để hỗ trợ ngư dân khai thác và thực hiện chủ quyền tại quần đảo này.

Việt Nam nghiêm túc thực hiện và yêu cầu các bên thực hiện đúng Công ước Luật biển, DOC, bảo đảm tự do, an toàn cho hàng hải ở Biển Đông. Vì đó là lợi ích, là mong muốn của tất cả các bên liên quan, vì tuyến đường này chiếm 50-60% tổng lượng hàng hóa từ Đông sang Tây.

“Lập trường này được ủng hộ của quốc tế, thể hiện gần đây nhất là ở hội nghị của ASEAN, ASEAN và đối tác”, Thủ tướng nêu rõ.

Thứ tư, chúng ta phải khẳng định chủ quyền của chúng ta trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng biển và vùng đặc khu kinh tế của Việt Nam theo Công ước Luật biển 1982. Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền và quản lý ngày càng hiệu quả hơn vùng biển chủ quyền này.

“Do không có thời gian, tôi chỉ xin nói như vậy về vấn đề này”, Thủ tướng chốt lại phần trả lời chất vấn về chủ quyền Biển Đông.

Thủ tướng phát biểu trân trọng hoạt động, việc làm của người dân vì mục tiêu yêu nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia

Ngoài câu hỏi về chủ quyền trên Biển Đông, đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) cũng hỏi căn cứ để Chính phủ đề nghị Quốc hội đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng pháp luật. “Quan điểm của Thủ tướng về việc người dân tập trung để biểu thị lòng yêu nước”, đại biểu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng nói rõ, căn cứ mà Chính phủ đề nghị Quốc hội đưa Luật này vào chương trình xây dựng luật pháp trước hết là theo quy định của Hiến pháp.

“Điều 69 Hiến pháp quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật. Chúng ta hiện chưa có luật nên phải xây dựng Luật Biểu tình”, Thủ tướng giải thích. Ngoài ra, còn căn cứ trên thực tế, nhiều cuộc tụ tập đông người của nhân dân để bày tỏ thái độ với chính quyền, nhưng chúng ta có luật để quản lý, điều chỉnh vấn đề này.

“Hiến pháp quy định công dân có quyền này, nhưng không có Luật nên vừa khó cho công tác quản lý của chính quyền, làm nảy sinh những lúng túng, mặt khác đã xuất hiện những biểu hiện mất an ninh trật tự, lợi dụng việc tụ tập đông người để kích động, xuyên tạc, gây phương hại cho xã hội”, Thủ tướng nói. Từ Quốc hội khóa trước, Chính phủ đã kiến nghị có Luật này và Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ ra Nghị định.

“Chính phủ đã ban hành Nghị định 38 về vấn đề này. Nhưng Nghị định hiệu lực pháp luật thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp và thực tế cuộc sống đặt ra, đòi hỏi cần có Luật” Thủ tướng nói thêm.

Cũng theo Thủ tướng, Luật Biểu tình không chỉ phù hợp với Hiến pháp mà còn phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm quyền tự do dân chủ của người dân theo đúng Hiến pháp, ngăn chặn những việc làm, hành vi gây xâm hại đến an ninh trật tự và lợi ích của xã hội, nhân dân.

Thủ tướng cũng khẳng định, chủ trương nhất quán của Đảng và Chính phủ là luôn trân trọng biểu dương, khen thưởng xứng đáng với tất cả hoạt động, việc làm của người dân vì mục tiêu yêu nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia. “Nhưng cũng  không hoan nghênh và buộc phải xử nghiêm theo pháp luật đối với những hành vi, động cơ lợi dụng danh nghĩa lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền để gây phương hại cho đất nước và xã hội. Tôi nghĩ với chủ trương nhất quán như vậy, đồng chí - đồng bào - cử tri cả nước sẽ ủng hộ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Kiên quyết không xuất thô khoáng sản

Đại biểu Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên), đại biểu Lê Hồng Tịnh (Hậu Giang) cùng đặt câu hỏi với Thủ tướng về giải pháp để ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép, tận diệt môi trường? “Thủ tướng tuyên bố không xuất khẩu thô khoáng sản, vậy giải pháp nào?”, đại biểu hỏi.

Đáp lời, Thủ tướng khẳng định, khoáng sản là quý hiếm, tài nguyên không tái tạo, ai cũng có phải có trách nhiệm giữ gìn, khai thác và sử dụng có hiệu quả nhất.

“Chúng ta đã tiến hành điều tra, thăm dò và khai thác khoáng sản với những kết quả bước đầu. Nhưng Chính phủ nghiêm túc nhìn nhận rằng việc từ quy hoạch đến khai thác, chế biến còn nhiều bất cập, yếu kém”, Thủ tướng phát biểu. Vì vậy,  vừa qua Chính phủ đã họp chuyên đề về vấn đề này và kết luận các giải pháp chấn chỉnh.

Thứ  nhất, yêu cầu chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo ngăn chặn bằng được việc khai thác khoáng sản không phép hiện nay. “Không thể nói rằng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà chính quyền không biết”, Thủ tướng cho biết.

Thứ hai, tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản mới, đồng thời với đó tiến hành rà soát các dự án đang khai thác. Dự án nào đang khai thác mà gây ô nhiễm, không có giấy phép, gây hư hỏng đường sá, mất an ninh trật tự... đều phải dừng ngay. Ngoài ra, tiến hành rà soát bổ sung quy hoạch để khai thác theo hướng chế biến sâu đạt hiệu quả cao nhất.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tiến hành kiểm soát xuất khẩu  khoáng sản  ngay từ các dự án.

“Sẽ không phải kiểm soát ở cửa khẩu mà ngay từ dự án. Cái nào trái quy định thì phải dừng hoạt động. Kể cả dự án có giấy phép nhưng xuất khẩu không có lợi thì cũng có giải pháp dừng lại, chế biến sâu hơn”, Thủ tướng phát biểu rất kiên quyết.

Tới đây, trên cơ sở rà soát, việc cấp phép khai khoáng mới phải đi liền với dự án khả thi đã được cấp có thẩm quyền thẩm định cả về chế biến sâu hiệu quả, môi trường, an ninh trật tự. Ngoài ra, Chính phủ sẽ tăng ngân sách cho việc tiếp tục điều tra, nghiên cứu về khai thác khoáng sản ở Việt Nam (hiện mới chỉ thăm dò 50% diện tích ở đất liền và 1% diện tích ở biển) để từ đó có chiến lược khai thác, xuất khẩu phù hợp.

Do hết thời gian, hàng loạt các vấn đề của đại biểu đặt ra như quản lý thị trường vàng, ứng phó với biến đổi khí hậu, kết quả xử lý trách nhiệm tại Vinashin và kết quả tái cơ cấu tập đoàn này, giải pháp giúp đỡ doanh nghiệp phá sản, khó khăn; thiếu bệnh viện, trường học, nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng lại thừa sân golf, khu công nhiệp... Thủ tướng không kịp trả lời. Thủ tướng cho biết sẽ trả lời bằng văn bản từng câu một, công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để Đại biểu và cử tri cả nước theo dõi.

Thông qua Nghị quyết về kết thúc dự án trồng mới 5 triệu ha rừng

Chiều 25-11, với 458 đại biểu tán thành, chiếm 91,6% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kết thúc dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

Theo đó, Quốc hội ghi nhận Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết số 08/1997/QH10 của Quốc hội khóa X, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được điều chỉnh theo Nghị quyết số 73/2006/QH11 của Quốc hội khóa XI; đồng ý kết thúc việc thực hiện các Nghị quyết nêu trên. Giao Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020 theo cơ chế chương trình mục tiêu quốc gia và hàng năm báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm khẩn trương hoàn thành việc quyết toán và kiểm toán Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng theo quy định của pháp luật; bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; bảo đảm kinh phí cho việc bảo vệ và phát triển rừng; ổn định quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp; đổi mới mô hình quản lý rừng theo chức năng từng loại rừng…

Đặc biệt, Chính phủ cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về việc xác định giá rừng, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trước khi chuyển sang rừng sản xuất hoặc chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác để tránh lãng phí, thất thoát tài nguyên rừng.

Cuối buổi chiều, Quốc hội đã xem xét, thảo luận về dự án Luật Biển Việt Nam.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Chất vấn đúng, trả lời trách nhiệm


Tổng kết 2,5 ngày chất vấn, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng cho biết kỳ QH này đã có 155 chất vấn bằng văn bản của 77 ĐBQH gửi tới các bộ trưởng và trưởng ngành. Tại hội trường có 175 lượt ĐBQH trực tiếp đặt câu hỏi chất vấn các bộ trưởng, trong đó có 22 ý kiến chất vấn Thủ tướng. Nhìn chung các câu hỏi đặt ra đúng những vấn đề quan trọng, những vấn đề bức xúc liên quan tới sự quan tâm của QH, cử tri cả nước. Không khí chất vấn và trả lời chất vấn rất thẳng thắn, tâm huyết, đầy trách nhiệm và rất nghiêm túc. Có những vấn đề nóng, rất sôi nổi nhưng tinh thần thoải mái, thể hiện văn hóa nghị trường của QH và các thành viên Chính phủ.

Nhắc lại những trọng tâm của phiên chất vấn kỳ này, Chủ tịch QH cho biết đối với nông nghiệp, nông thôn, trong 5 năm (2011-2015) sẽ tăng mức đầu tư gấp đôi 5 năm trước. Đến năm 2016-2020 sẽ tăng gấp đôi mức đầu tư của 5 năm liền kề. “Đó là một quyết tâm rất lớn, thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của QH khi quyết định phân bổ ngân sách cho khu vực này” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Về lĩnh vực GD-ĐT, Chủ tịch QH kết luận, cho rằng chất lượng GD-ĐT từ hệ mầm non, tiểu học, THCS, THPT tới đại học đều chưa đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa. “QH, Chính phủ đã khẳng định sẽ xây dựng đề án liên quan tới việc đổi mới toàn diện, căn bản theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, hội nhập quốc tế. Thường vụ QH sẽ dành thêm một phiên để thảo luận kỹ đề án này để cùng với Chính phủ chuẩn bị đề án trình Hội nghị Trung ương sắp tới” - Chủ tịch QH nêu rõ.

Trong lĩnh vực tài chính, QH đồng tình với chủ trương điều hành theo cơ chế thị trường đối với giá điện, giá than, giá xăng dầu, giá dịch vụ công thiết yếu có lộ trình nhằm đưa nền kinh tế thị trường cơ cấu lại một cách hoàn chỉnh. QH tán thành việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại với mục tiêu nâng cao chất lượng, tăng trưởng quy mô, hạn chế số lượng và đạt chuẩn của NHNN, khu vực và quốc tế. Đồng thời phải tái cơ cấu đồng bộ thị trường chứng khoán, trái phiếu, bảo hiểm, các quỹ đầu tư. “Trong quá trình điều chỉnh cơ cấu, không được gây sốc kinh tế vĩ mô và gây đổ vỡ kinh tế vĩ mô. Chính phủ cần có biện pháp giải quyết một cách khẩn trương những ngân hàng yếu” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

L.Nguyên - A.Phương

ANH PHƯƠNG- PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục