Kiến tạo thể chế, môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp

Tại hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp hỗ trợ - kết nối với Jabil Việt Nam” vừa được Sở Công thương TPHCM tổ chức, nhiều doanh nghiệp (DN), chuyên gia kinh tế kiến nghị Nhà nước cần kiến tạo thể chế, môi trường kinh doanh tốt nhất cho DN phát triển.

Ông Trần Tiến Thuận, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Thanh Luân (Khu công nghiệp Cát Lái, quận 2), chia sẻ các DN hỗ trợ hiện nay đang gặp khó đủ thứ, như về năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh…, nên rất cần được Nhà nước hỗ trợ. Thế nhưng, lãi suất ngân hàng nước ta khá cao đang là một trong những nguyên nhân níu bước tiến của DN. Lãnh đạo Công ty TNHH Jabil Việt Nam - công ty đa quốc gia trong ngành điện tử của Mỹ - thông tin đang tìm kiếm các đối tác cung cấp 11 sản phẩm hỗ trợ (như xi mạ, bộ phận giải nhiệt…), thế nhưng thực tế không nhiều đơn vị trong nước đáp ứng các tiêu chuẩn của họ, chẳng hạn như sự vững mạnh về tài chính, yêu cầu tối thiểu về chuẩn ISO: 9001, cùng nhiều yêu cầu khắt khe khác mà DN nội địa cần đáp ứng.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển - Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM, nhận định khó khăn trước mắt và cũng là những thách thức lâu dài của việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đó là nguồn nhân lực còn quá non trẻ để có thể tiếp thu, điều khiển và làm chủ thật sự trong việc nắm bắt, định hướng chiến lược cho toàn chuỗi sản xuất và cung ứng các sản phẩm này trên thế giới cũng như ngay tại Việt Nam. Bên cạnh đó, vấn đề tài chính được đặt ra ngay từ đầu và suốt quá trình hoạt động sao cho DN đủ tiềm lực làm chủ các công nghệ sản xuất lắp ráp mới, bao gồm từ việc trang bị các trang thiết bị hiện đại đến tuyển dụng được nguồn chuyên gia cao cấp, thậm chí là các robot trong một số phân đoạn cần thiết. Hiện tại, hệ thống luật lệ chưa được cập nhật theo những thay đổi mới, phù hợp với các chuẩn mực và cam kết quốc tế, đặc biệt là các hiệp định thương mại thế hệ mới. Điều này sẽ kéo theo khó khăn là việc tạo sân chơi và xử lý cũng sẽ có nhiều vướng mắc. Ngoài ra, một số vấn đề khác cũng có thể là khó khăn nan giải cho các công ty ngành công nghiệp hỗ trợ trong thời gian đầu như: quy hoạch vùng nguyên liệu, vùng sản xuất, thị trường, nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh không lành mạnh, năng lực quản trị…

“Để tháo gỡ, tôi nghĩ có mấy giải pháp cơ bản như: Nhà nước kiến tạo thể chế và môi trường kinh doanh tốt nhất cho DN công nghiệp hỗ trợ, luôn hỗ trợ, bên cạnh DN, đồng hành cùng DN, xử lý nhanh nhất những nhu cầu chính đáng của DN. Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có nghiên cứu việc hỗ trợ cho DN ngành công nghiệp hỗ trợ, nên được công bố nhanh, chậm nhất trong năm 2016, có hiệu lực vào năm 2017. Các cơ quan, cán bộ thực thi trực tiếp luôn tạo thuận lợi nhất cho DN ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Bản thân DN công nghiệp hỗ trợ phải luôn minh bạch, kinh doanh có bài bản, có chiến lược, luôn tỉnh táo, sáng tạo, luôn tôn trọng đạo đức kinh doanh, trung thực với khách hàng, cạnh tranh lành mạnh, tuân thủ luật pháp trong nước và quốc tế với tinh thần trách nhiệm cộng đồng cao nhất”, Th.S Nguyễn Hoàng Dũng kiến nghị.

Trước một số trao đổi về gút mắc của DN, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhấn mạnh: “Ngành công nghiệp hỗ trợ là động lực đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp của đất nước, nhưng thực tế ngành này ở nước ta còn khá manh mún. Để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các DN hoạt động, không ngừng đổi mới, sáng tạo; đồng thời sẽ kiến nghị lên cấp trên những vướng mắc, khó khăn của DN để tìm cách tháo gỡ kịp thời…”.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục